(Đọc “22&49” - Tuyển tập thơ văn CLB Văn học Xuân Diệu – NXB Hội Nhà văn -2012)
Thơ Bình Định nhiều như sóng. Tôi không nói ngoa, và ngạc nhiên vô cùng vì trong tuyển tập này xuất hiện cùng lúc nhiều nhà thơ, nhiều người làm thơ quê Bình Định đến thế! Nếu kể cả những người làm thơ đã chọn Bình Định là quê hương thứ hai, thì con số còn nhiều hơn.
Ví thơ và các nhà thơ Bình Định “đông như sóng” vỗ vào eo biển Quy Nhơn thật không quá. Còn văn Bình Định? Trong tập thơ văn này, phần dành cho văn xuôi không nhiều, nhưng có thể ví chúng như những tảng đá “mồ côi” trên những ngọn núi bao quanh Quy Nhơn. Sóng và đá, những ai yêu Bình Định, yêu Quy Nhơn đều biết, đây chính là hai đặc sản của Bình Định.
Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan, Quách Tấn, Phạm Hổ… đã chọn Bình Định cho khởi đầu thơ, thậm chí cho cả đời thơ của mình. Bình Định không chỉ là nôi văn hóa, nôi Tuồng, mà còn là nôi Thơ.
Tôi càng vui mừng hơn khi biết, chính CLB Văn học Xuân Diệu đã là bà đỡ rất mát tay cho tuyển tập thơ văn “22&49 này. 22 năm của một CLB văn học và 49 tác giả được tuyển. Một CLB văn học là một tổ chức tự nguyện, thật lỏng lẻo, ai vào ai ra đều tùy thích, vậy mà CLB ấy đã tồn tại hơn 22 năm nay, và khả năng “sống lâu nhưng không… lên lão làng” của nó là thấy rõ. Vì, những thành viên của CLB này, dù có người đã ngót 90 xuân, họ vẫn còn rất trẻ, còn đầy lãng mạn và tha thiết với thơ, với đời, với người. Họ đến với nhau như tình cờ, nhưng ở với nhau lại bền chặt như theo một qui luật: qui luật của tình người, qui luật của tình yêu thơ ca vô vị lợi.
Tôi thấy gì trong tập thơ văn dày dặn này? Tôi thấy, những nhà thơ Bình Định không bao giờ giấu nổi lòng yêu quê hương mình, yêu đất đai sông núi Bình Định, yêu mẹ mình.
“ Lựa tìm
Một nhánh củi khô
Mẹ đun ấm cả bể cô đơn này” (Lê Trọng Nghĩa)
Hay:
“ Mẹ mơ một thằng cháu nội
một cô con dâu thật hiền
vậy mà chiến tranh để lại
bên rừng một nấm đất hoang” (Phổ Đồng)
Bình Định là đất bị chiến tranh giày xéo, nhưng cũng là đất của những chắt chiu gây dựng lại trên những đống tro tàn:
“Nón cời che cuộc mưu sinh
Che cho tôi phút tái sinh thì thầm” (Lê Ân)
Và:
“Chim gù chùng võng mẹ đưa
Mái tre vọng tiếng cũng vừa lay nghiêng”
(Đào Viết Bửu)
Những câu thơ mộc mạc cho ta niềm hy vọng về một quê nhà dù trải qua biết mấy đau thương vẫn không ngừng mơ không ngừng tìm tới sự hàn gắn. Mà cốt lõi của sự hàn gắn là tình yêu thương. Điều này thật dễ thấy trong thơ Bình Định, một dòng thơ nghiêng hẳn về tình cảm, về muôn nỗi yêu thương, ngay cả trong mất mát, trong nghèo cực:
“Con gà trống thiến đã già
cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ”
(Khổng Vĩnh Nguyên)
Đã từng có 10 năm sống và sáng tác trong nghèo túng tại Quy Nhơn, cái thành phố lộng lẫy bây giờ nhưng ngày ấy còn đơn sơ khiêm nhường lắm, tôi cứ thấy lòng rung lên mỗi khi nghe một bản nhạc đọc một bài thơ hay viết về Quy Nhơn, cũng là viết về Bình Định. Từng có những người bạn tâm giao ở cái nơi “tụ nhân” đó, tôi cảm ơn số phận đã tình cờ cho tôi được sống ở Quy Nhơn trong một thời gian đủ dài cho sự nghiệp sáng tác của mình. Rất nhiều trường ca, nhiều bài thơ của tôi đã được viết ngay ở thành phố biển ấy. Bây giờ, được đọc những bài thơ, những trang văn của các bạn Bình Định viết về chính mảnh đất xứ dừa thân yêu của mình, một vùng ký ức trong tôi chợt thức dậy:
“ Thành phố cho ta cảm giác yên bình
Đường vắng nửa đêm một mình thơ thẩn”
(Trần Hà Nam)
Tôi đã từng bao lần “thơ thẩn” lúc nửa đêm như Trần Hà Nam, nên tôi hiểu cảm giác này. Hiếm có thành phố nào mà sự yên bình lại lộ rõ một cách mềm mại như Quy Nhơn.
Dù khi tới ngụ cư tại Quy Nhơn, tôi không còn bé dại nữa, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình giống như đứa trẻ trong câu thơ Từ Quốc Hoài:
“anh lẫm đẫm lớn
bên những tờ bạc cũ nhàu”
Dù bên những tờ bạc mới mệnh giá cao, những con “ba ba mùa xuân” hay chỉ bên những tờ bạc lẻ nhàu nhò vì qua tay những người lam lũ, chúng ta vẫn lớn lên bên thành phố biển ấy. Nhưng Bình Định đâu chỉ có Quy Nhơn, Bình Định là mảnh đất tầng tầng lớp lớp lịch sử chồng chất mà nên, như thành Hoàng Đế chồng lên ngay trên thành Đồ Bàn. Đọc tập thơ văn của Bình Định là để hình dung: “Hình như một chút ngày xưa trong ngần” (Huỳnh Kim Bửu), hay để cùng Phổ Đồng cảm nhận “những đồng bạc lẻ/không tanh mùi máu/không tanh mùi tiền/”, vì đó là những đồng bạc lẻ của mẹ ta có được từ mồ hôi nước mắt. Cũng như con người, thơ sẽ chết khi không có Tổ quốc, khi mất quê hương: “Đất nước tôi chiều dài gần hơn chiều rộng” (Trần Quang Khanh), vì chiều rộng của Tổ quốc ta gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà cha ông ta đã đổ bao xương máu để có được chủ quyền, hai quần đảo mà kẻ thù từng ngày từng giờ xâm chiếm và mưu toan giành giật. Tôi rất hài lòng khi được đọc không chỉ là những bài thơ tình, những bài thơ riêng tư trong tập thơ này, mà cả những bài thơ công dân, những bài thơ yêu nước do những nhà thơ Bình Định thể hiện. Bây giờ ở Việt Nam, các bạn có biết thơ nào “hot” nhất, thơ nào được đọc nhiều nhất bởi những người tử tế nhất không? Đó là thơ yêu nước.
Những trang văn trong tập thơ văn này lại cho tôi một cảm giác đời thường, bụi bặm, hài hước, bi thảm… những cảm giác rất đời sống mà ở đâu cũng có, kể cả ở Bình Định. Những tay viết văn xuôi rất lành nghề như Trần Văn Bạn, Lê Hoài Lương, Nguyễn Mỹ Nữ lại sát cánh bên một “lão mai Tuồng” là Vũ Ngọc Liễn, tự nhiên những trang văn Bình Định trở nên đa dạng và hóm hỉnh, hệt tính cách của người đất Tuồng. Cũng như những nhà thơ đã có thâm niên thơ như nữ thi sĩ Lệ Thu hay nam thi sĩ Mai Thìn lại đứng bên một nhà thơ rất có cốt cách “võ Bình Định”- một cốt cách võ ngay trong thơ là Thục Nguyên:
“ Đôi tay mềm mại thân quen
Liên ba chuyển lực đánh lên dập dồn”
Thật đa dạng và thú vị!
Tôi muốn dành vài dòng sau cùng hướng tới thơ của một nhà thơ rất thâm trầm của đất Bình Định, đó là nhà thơ Văn Trọng Hùng. Anh Hùng đã có hẳn một tập thơ “Hầu chuyện tiền nhân”, những người anh hầu chuyện đều là những “đấng bậc” hoặc là vĩ nhân hoặc là một nhân vật thực sự độc đáo nào đó trong văn học Việt Nam. Thơ Văn Trọng Hùng tiết chế, rất nhiều “ý ngoài lời”, rất nhiều ẩn ngữ. Không phải dễ dàng để “tu luyện” được một cách nói thơ như thế:
“Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên
Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách
Về khuya mưa như trút nước
Lê Lợi đến thăm
Nguyễn Trãi đã đi nằm”
Chỉ vì trọng ngôi báu hơn tình người, Lê Lợi dù là Vua nhưng đã “lỡ một nhịp” với sĩ phu Nguyễn Trãi. Câu thơ ấy có nhắc nhở được gì tới những người cầm quyền bây giờ: Đừng để “lỡ một nhịp” với người trí thức, cũng là “lỡ một nhịp” với nhân dân, kẻo rồi mọi sự ân hận sẽ trở nên muộn màng.
Tôi xin lỗi các nhà thơ Bình Định có thơ trong tuyển tập này mà tôi chưa kịp trích trong bài viết đã khá dài của mình! Như thế đủ biết, thơ Bình Định đúng là “đông như sóng” !
Rằm tháng tư (nhuận) 2012
|