Sau thành công của bộ ngẫu tượng Linga-Yoni, phục chế theo bản vẽ của nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier, thực hiện năm 2008, Lê Trọng Nghĩa lại dành cho công chúng yêu thích nghệ thuật một bất ngờ khác bằng không gian nghệ thuật sắp đặt.
Nghệ thuật sắp đặt luôn chống lại sự định nghĩa do tính nhất thời của các triển lãm sắp đặt và bởi vì nó bị ảnh hưởng từ sự đa dạng các trào lưu nghệ thuật có từ trước. Từ Futurism (nghệ thuật Vị lai, 1090-1944) đến Dada, từ Assemblage (nghệ thuật Phối hợp, từ 1953 đến nay) đến Minnimalism (nghệ thuật Giảm thiểu, 1961-1976).
Một nghệ sĩ sử dụng một không gian sắp đặt như một nơi chiếm dụng tạm thời, phá bỏ mọi ranh giới của sự chiếm hữu và thách thức, đồng thời khuấy động một cuộc đối thoại giữa chính không gian, trong đó bao gồm cả công chúng thưởng ngoạn và nội dung của nghệ thuật. Nghệ thuật sắp đặt có đặc trưng của địa điểm và thường bao gồm những vật thể hoặc hiệu ứng được tạo ra và kết hợp thành một thể thống nhất. Các nghệ sĩ giải quyết những vấn đề mà họ quan tâm và xâu chuỗi chúng một cách phù hợp với những yếu tố nào đó qua tác phẩm sắp đặt. Do tính chất đặc trưng như vậy, nên đây là một hình thức mang tính xã hội rất cao. Nghệ thuật sắp đặt phải được trưng bày và sau đó bị dỡ bỏ, chỉ lưu lại những tài liệu về nó.
Ở Việt Nam hiện nay, vẫn có quá ít nghệ sĩ tham gia loại hình nghệ thuật này, vì nhiều nguyên do: không có môi trường thông tin, đào tạo rộng và sâu, không có đầu tư tài chính thích đáng. Điểm thứ hai là tính xã hội của nghệ thuật này ở Việt Nam chưa cao, nên chưa lôi kéo được công chúng.
Với thời gian ngắn trong những ngày đầu năm 2012, nghệ sĩ Lê Trọng Nghĩa cùng Lê Hoàng Phi (sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) đi đến gần hết các cơ sở sản xuất gốm ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn để gom 250 hũ bùng binh về trưng bày sắp đặt thử để tính toán, cân nhắc, sau đó mới đưa ra vị trí trưng bày. Đây là nỗ lực rất đáng trân trọng của hai nghệ sĩ, trong hành trình thể nghiệm nghệ thuật sắp đặt, góp tiếng nói của nghệ thuật tạo hình cùng với nghệ thuật nhiếp ảnh, hòa trong không khí của thơ ca, tạo nên bản hòa tấu đa dạng trên quê hương của thành phố biển trong Ngày thơ Việt Nam.
Trong khuôn khổ khoảng 60m2, Lê Trọng Nghĩa đã gói ghém khá chặt chẽ phạm vi trưng bày tác phẩm sắp đặt: “Biển của niềm chắt chiu”. Trung tâm tác phẩm, với chất liệu thủy tinh màu xanh tác giả thể hiện hộp hình vuông, nhìn qua hồ kính gợi lên màu nước biển. Dưới đáy hồ là những mảnh gốm vỡ sắp xếp thành hình chữ S, gợi lên bờ biển Việt Nam. Bên phải là chiếc bát gốm, gợi lên sự sống, đó là miếng ăn hằng ngày và cũng là hòn đảo được khái quát. Chất liệu thủy tinh còn gợi lên sự mong manh dễ vỡ. Những mô- típ hũ bùng binh từ chất liệu gốm đã gợi lên niềm chắt chiu của ngàn đời. Từ 4 hũ bùng binh vỡ người xem thấy một phần nước chứa bên trong, giúp hiểu sự chắt chiu ở đây là chắt chiu của biển. Xung quanh hồ vuông là vòng tròn của chất liệu muối bao bọc. Muối là sự kết tinh của biển và vị mặn của quê hương.
Nhìn từ trên cao xuống, hình vuông hồ nước và vòng tròn muối trắng tác giả thể hiện hình tượng của đồng tiền xưa, khái quát tinh thần của triết lý phương Đông: Trời tròn đất vuông. Sự đối lập của chất liệu, gốm - thủy tinh - muối và sự đối lập màu sắc của chúng nhằm tạo ra tính mỹ cảm. Người xem đặc biệt chú ý khi nhìn vào tác phẩm từ phía trên là sợi dây căng, tạo hình cái phễu, có mô-típ hũ bùng bình đổ xuống gợi lên “giọt nhểu” của bầu trời. Ngoài yếu tố tạo hình không gian, nó còn giúp người xem liên tưởng sự chắt chiu không chỉ của sự sống mặt đất, mà cả bầu trời.
Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến với mọi người là chúng ta hãy hướng về biển đảo quê hương, gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà ông cha ta từ ngàn đời đã nâng niu, thế hệ hôm nay có trách nhiệm tiếp tục gìn giữ.
|