Phan Thị Kim Phúc, cô bé Việt Nam trong bức ảnh chiến tranh nổi tiếng “Em bé napalm” của phóng viên ảnh Nick Út đã hội ngộ những người đã cứu sống cô năm xưa nhân kỉ niệm 40 năm ngày ra đời bức ảnh ghi lại khoảnh khắc dữ dội nhất của chiến tranh Việt Nam.
|
“Em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc và tác giả bức ảnh Nick Út chụp chung nhân dịp hội ngộ tại Toronto (Canada) ngày 8.6.2012. |
Cuộc hội ngộ diễn ra tối 7.6 tại Toronto, nơi cô Kim Phúc đang sống cùng với gia đình của mình. Ngoài ông Huỳnh Công Nick Út, tác giả bức ảnh đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer, tại cuộc gặp mặt còn có các bác sĩ và y tá đã từng giúp đỡ, chữa trị cho “cô bé napalm” khi xưa.
Dù 40 năm đã trôi qua, cựu phóng viên ảnh gốc Việt của hãng AP Nick Út và phóng viên người Anh của kênh truyền hình British Independent Television Network Christopher Wain – một trong những người đầu tiên cứu Kim Phúc vẫn nhớ như in về những gì đã xảy ra vào ngày 8.6.1972 tại Trảng Bàng (Tây Ninh).
Sau khi những quả bom napalm phát nổ trúng một ngôi chùa ở trong làng, Nick Út, Wain và nhiều đồng nghiệp khác thấy Kim Phúc (khi đó mới 9 tuổi) cùng nhiều đứa trẻ khác chạy ra và bắt đầu khóc thét kêu cứu. Trên mình Kim Phúc không có lấy một mảnh vải vì đã bị lửa thiêu rụi.
Nick Út (khi đó 21 tuổi) đã chụp lại hình ảnh kinh hoàng này còn Wain thì lấy một nước tưới lên tấm lưng bị cháy của Kim Phúc.
Sau đó, phóng viên gốc Việt đã đưa “em bé napalm” bị bỏng nặng tới một bệnh viện nhỏ gần nhất và yêu cầu các bác sĩ phải chữa trị cho Kim Phúc. Nick Út chỉ rời khỏi đây sau khi chắc chắn Kim Phúc không bị bỏ mặc.
“Tôi vô cùng biết ơn Nick Út vì việc ông đã có mặt ở đó” - Kim Phúc nói về ân nhân của mình. “Ông đã giúp đỡ tôi. Ông đã cứu sống tôi. Ông là anh hùng của tôi. Tối nay là cơ hội để tôi tỏ lòng tri ân tới tất cả những anh hùng của cá nhân tôi”.
|
Kim Phúc Em bé Napan. (Ảnh Nick Út). |
Nick Út thì chia sẻ, ông đã khóc khi thấy Kim Phúc vừa chạy vừa kêu cứu. Ông nghĩ nếu mình không giúp đỡ Kim Phúc và nếu cô bé chết thì ông chắc hẳn ông cũng sẽ tự sát để trừng phạt mình.
Wain bùi ngùi nhớ lại: “Khi chúng tôi tìm thấy Kim Phúc tại một bệnh viện của Anh, vết thương của cô bé đang trong tình trạng vô cùng nhiễm trùng. Tôi đã hỏi một trong những y tá về việc Kim Phúc hiện như thế nào. Cô y tá nhìn Kim Phúc và nói ‘Ồ, có lẽ cô bé sẽ không qua khỏi vào ngày mai hoặc ngày kia’. Rõ ràng là tình trạng của Kim Phúc rất nguy cấp”.
Martha Arsenault, một nữ bác sĩ đã chăm sóc Kim Phúc khi cô được chuyển tới một bệnh viện của Mỹ, kể lại: “Tất cả mọi người, kể cả các bác sĩ, đều nghĩ rằng Kim Phúc sẽ không qua khỏi vì cô bé bị bỏng quá nặng.”
Wain cho biết thêm ông vẫn còn cảm thấy hơi lo ngại cho Kim Phúc vì cô vẫn phải sống với những ký ức đau thương suốt cuộc đời mình và bức ảnh “Em bé napalm” sẽ mãi là một trong những bức ảnh chiến tranh ấn tượng nhất mọi thời đại.
|