Chuyến đi biển Diêm Điền ở tỉnh Thái Bình, lái xe của chúng tôi lạc đường không tới được biển, nhưng tôi may mắn có dịp đi tới những câu thơ gan ruột của nhà thơ Lệ Thu. Chị bảy mươi mốt, tuổi xưa nay hiếm mà ánh mắt vẫn tươi tắn tinh anh, hàm răng trắng đều, cười dịu dàng như thời còn thanh xuân. Tôi hỏi: Chị Lệ Thu, nếu có ai ngỏ lời yêu, chị có yêu không. Đáp: Yêu chớ sợ gì đâu! Khác hẳn cái tuổi già thường trực, hay nói dai, nói nhiều, hay kêu ca than phiền về sức khỏe. Chị Lệ Thu không thế. Không thấy kêu ca, không nói nhiều, thi thoảng đọc thơ, đọc thơ mình, đọc thơ đồng nghiệp, bằng chất giọng Bình Định cuốn hút.
|
Nhà thơ Lệ Thu (bên trái) và nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc.
|
Năm 1973, từ Hà Nội, chị gửi lại con trai sáu tuổi cho chồng, lên xe vào chiến trường miền Trung, chuyến đi bão táp với nhiệm vụ nữ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại mặt trận. Một thời mà ngồi hình dung, nhớ lại cũng thấy mình sao lại đi qua con đường gian khó ấy. Một thời đói khát khó tả. Những tháng ngày lội suối và ngàn vạn khúc sông không tên; phải lội cả ngày, cả tuần cả những ngày phụ nữ thấy tháng, cứ phải đuổi giao liên nam giới đi trước, để không ai nhìn thấy những vệt đỏ dưới sông. Những trận sốt rét cắn giập cả môi, môi thâm sì. Con trai, con gái ngủ chung một lán, một giường mà không xảy ra chuyện gì. Cuộc chiến khốc liệt, phải khi điềm tĩnh lại mới hình dung ra - không hiểu sao mình lại trở về, lại làm thơ được. Khi nghĩ về ngọc trai chị viết, bút pháp rất tung tẩy: Trót nồng nàn trót đam mê/trót long lanh giữa ê chề trọng, khinh. Tôi lại hỏi: - Này chị, có chàng nào làm chị mê mệt không? Đáp: - Có chàng này: Anh từ hạt cát phiêu linh/đến lòng em chốn cung đình làm vua. Rồi Lệ Thu tự nhủ: Không nhất thiết uống những gì thiên hạ khát/phải biết sợ thời gian/biết sợ chính mình.
Chị là mẹ và chị viết về mẹ, người mẹ 90 tuổi ở quê: Đừng hỏi mẹ có đau không/đừng hỏi mẹ có buồn không/ đừng hỏi mẹ có cần gì không. Vì mẹ sẽ trả lời: Chẳng cần gì cả! Trái tim làm mẹ hiểu mẹ đến gan ruột, đắng đót phận làm con. Tốt nhất hãy nhìn tóc mẹ/trắng dần trước áng thờ cha/tốt nhất hãy nhìn lưng mẹ/mỗi ngày còng xuống bên ta!
Khi viết cho con trai duy nhất, chị sử dụng cách viết lật ngược lại mà không cật vấn: Bài “Còn mẹ” - chị viết: Với mẹ con là tất cả/sướng vui, kiêu hãnh, mong chờ/đường đời lỡ khi vấp ngã/biết rằng mình chẳng bơ vơ.
Tựa vào thơ, tựa vào con cách này thì Lệ Thu lo gì thắng thua trường đời.
Thơ Lệ Thu rất kiệm lời. Hãy nghe chị viết về nỗi cô đơn: Bao tháng ngày nhọc nhằn trên dòng đời tất bật/tôi mệt mỏi căn khô giữa khốc liệt loài người/họ chen lấn/xô đẩy nhau đi về đâu chẳng rõ/tôi ấp ủ trong lòng vẻ đẹp của riêng tôi.
Có lẽ cuộc đời nhà thơ Lệ Thu đi trên đường mòn Hồ Chí Minh nhiều hơn đi du lịch, chị chỉ có một lần sang Nga, để thốt lên: Ôi diệu kỳ là xứ tuyết chiều nay/bao đau khổ tưởng đã vào dĩ vãng. Rồi mơ ước trở thành chiếc lá: Ta sinh ra vốn là chiếc lá/xanh hết mình cho tất cả tháng năm xanh. Và chị cũng có một nguyện ước: Cho tôi làm một con tằm/suốt đời rút ruột chết nằm trong tơ.
Ở bài thơ Tri Kỷ, chị lại bâng quơ hóa giải: Hóa giải bao ngớ ngẩn dư thừa/giữ lửa ngày mưa nhỡ mình để tắt. Hay tổng kết theo cách của Lệ Thu: Mọi huy hoàng đều rất đỗi mong manh/ chân thật cùng nhau/thấy lòng không đơn độc.
Rồi chị vin vào Thị Kính, vin vào câu nam mô để đọc thơ mình: Tôi đem tất cả vàng mười/đặt lên canh bạc cuộc đời. Và thua.
Cái cách thua trong thơ Lệ Thu ai cũng muốn thua lắm và dẫu thèm đi biển Diêm Điền để nhìn đồng muối cho đỡ nhạt đi những ngày tiêu dao không viết nổi một câu thơ muối mặn, thì thơ chị Lệ Thu đã nhẹ nhàng như gió biển có vị mặn mà chị dám thế chấp thanh xuân đời mình, thế chấp cho tình yêu; dám nói tình yêu còn có cả trọng, cả khinh để yêu cho tới bến, dù sóng biển có vỗ nát bầm dập thì trái tim đa cảm người đàn bà Bình Định vẫn quyết liệt: yêu đến chấp nhận để thua.
Có ai không thèm một sự thua của chị - nhà thơ Lệ Thu.
|