Tỏa bóng
20:59', 16/6/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của BÙI TẤN PHƯỚC

Ông Cả sinh được một cô con gái rồi thoát ly, theo quân giải phóng. Ngày đất nước thống nhất, ông về trong hàng quân danh dự nhưng thân thể không còn lành lặn. Vợ ông ở nhà mỏi mòn chờ đợi, đã sinh thêm cậu ba. Những ngày đầu đoàn tụ, ông vừa mừng vừa tủi. Có lúc ông hồ hởi kể chuyện chiến trường, lúc trầm ngâm suy tư, lúc dằn vặt, cáu gắt vô cớ. Nhưng rồi, ông quyết định giữ im mọi chuyện, tự an ủi: “Ao ai cá nấy. Thương người, người sẽ thương mình!”.

Vợ ông lâm bệnh, mất sớm. Ông cùi cụi nuôi con, thương yêu chúng bằng cả tình yêu của cha và mẹ. Ông lặng lẽ đi theo con suốt chiều dài năm tháng. Con học ở làng, ông ở làng. Con học trường huyện, ông theo ra huyện. Con lên học thành phố, ông gởi nhà ra thành phố kiếm việc, nuôi con. Rồi cô hai- con gái ông - bỗng dưng rẽ đường, nương mình nơi cửa Phật. Ông ngẩn ngơ, ngậm ngùi, tiếc thương, nước mắt chảy vào đêm. Ông đặt hết niềm tin vào cậu ba. Ông làm nhiều việc nặng nhọc nhưng luôn thấy vui khi cậu ba bằng chúng bạn. Hết bốn năm đại học, cậu ba ra trường. Ông Cả thóp bụng chạy nhờ những đồng đội cũ đang là cán bộ của nhiều cơ quan, ban ngành ở tỉnh lo việc. Thương con đồng chí, quý tình bạn cũ, nhiều người chung tay sắp xếp, nâng đỡ. Cậu ba sớm có công việc ổn định tại ủy ban của một huyện đồng bằng.

 

  *    *    *

Góc sân nhà cậu ba có cây khế ngọt. Ngày cậu về nhà mới, ông Cả mang nó từ quê ra trồng và bảo rằng: “Phố cần có bóng mát cây xanh. Cây tán rộng, lá dày, chăm sóc ít năm sẽ đủ bóng!”. Nghe lời ông, cậu ba chăm nó rất kỹ. Ngày hai lần cậu tưới nước, vài tuần lại bón phân. Thoáng chốc, thân khế to bằng phích nước, rợp mát một khoảng sân. Thay vì đặt bộ bàn đá dưới gốc khế như ở công viên, cậu ba đặt một bộ tràng kỷ làm toàn gốc, rễ cẩm lai chính hiệu để ngồi hóng mát. Cậu thường tiếp khách dưới gốc khế vào mùa nắng, luôn lấy làm vui cây khế nhà mình. Mùa đơm trái, cả xóm được dịp ăn khế. Người lớn xin khế trộn rau. Trẻ con khèo khế quệt mắm. Khách qua đường nhón chân lảy khế nhai giòn, tít mắt.

Cậu ba được ngồi vào ghế lãnh đạo huyện. Cây khế cũng lớn nhanh, tán xòa ra đường, phủ luôn một góc sân nhà hàng xóm. Người ta lấy làm vui vì bóng che, trái ngọt. Mấy gánh hàng rong dạo phố thường chọn bóng khế cậu ba làm nơi nghỉ chân. Kẻ lỡ đường không nơi nương tựa cũng qua đêm dưới bóng khế. Những anh thợ điện, môi trường đô thị cẩn thận chằng, kéo những cành dài, không dám mạnh tay. Cánh đài truyền thanh ca ngợi: “Khế ngọt giữa phố”. Cây khế cậu ba trở thành điểm nhấn nơi phố huyện đang thay màu. Khách tới - lui, trò chuyện với cậu ba dưới gốc khế ngày càng nhiều. Ai cũng khen khế ngọt, bóng râm.

Từ ngày ngồi ghế lãnh đạo, cậu ba quan tâm nhiều đến xung quanh, dòng họ. Con em lối xóm, bà con ở quê cần việc, chỉ cần cậy cậu một tiếng là được giúp. Có người lêu lổng, chỉ mới học cấp hai, cậu gởi học bổ túc cấp ba rồi bố trí công việc, sau đó vừa làm vừa học để đủ bằng cấp. Nhiều người bỗng dưng nhận bà con. Cậu khéo léo nhích dần họ lên. Người không ham học, cậu xin cho làm bảo vệ, chạy thư. Cậu nghĩ làm vậy là giúp người, mãn nguyện. Ông Cả biết chuyện ra thăm, nhắc khéo, khuyên cậu cẩn trọng. Cậu không nghe, còn bảo rằng: “Ba già rồi, cứ ở quê nghỉ ngơi. Việc con làm, ba không hiểu được đâu!” . . .

*   *   *

Tiếng chuông chùa Hạ ngân vang phố huyện. Trăng mười lăm qua phố neo lâu đỉnh chùa. Ánh trăng bàng bạc, mát rượi, lung linh tán lá bồ đề cổ thụ. Dưới sân chùa, sư cô Diệu Trang - con gái ông Cả đang tổ chức trò chơi cho những trẻ bất hạnh, trôi dạt. Đứa lớn nhất tuổi mười lăm, đứa nhỏ còn nằm nôi. Tiếng gọi mẹ, gọi thầy chen lẫn tiếng cười vui của các cháu ấm sáng một góc trời. Từ ngày cô Diệu Trang lên trụ trì chùa Hạ, cổng chùa liên tục tiếp nhận những hài nhi bỏ rơi. Có hài nhi mới vài ngày tuổi, rốn nhiễm trùng, kiến bò khắp bụng. Có bé sốt cao, lịm ngất trong tiếng khóc xé lòng. Có cháu chờ mẹ cả đêm rũ rượi, không thấy quay lại. . . Sư cô mở rộng vòng tay đón lấy, cưu mang. Sư nuôi nấng, dạy bảo các cháu bằng tình yêu một người mẹ hiền thực thụ. Sư cho các cháu đến trường học văn hóa. Về chùa, Sư lại kèm thêm. Các cháu lớn khôn, ngoan hiền, biết yêu thương đùm bọc. Nhiều cháu học hành thành đạt, có công việc ổn định, thường xuyên về mái ấm giúp Sư chăm sóc đàn em.

 *   *    *

Kết thúc buổi làm việc với thanh tra tỉnh về việc sử dụng tiền công trái phép của cô kế toán ngân hàng nông nghiệp huyện, cậu ba ra về, lòng đầy hậm hực. Trưa hè, nắng như đổ lửa. Chưa kịp vô nhà, cậu ba sà vào gốc khế, ngồi phịch xuống ghế đá thở dài: “Đồ báo hại, thiếu thốn gì chứ! Khối người chờ cơ hội chen chân vào. Kỳ này, đừng hòng ông che nữa!”. Mợ ba, dáng người mảnh dẻ, tay bưng ly nước, tay cầm tờ báo, băng sân, hớt hải: “Anh! Anh ơi, người ta viết bài về cây khế nhà mình!”. Mợ đưa tờ báo cho cậu rồi đứng tần ngần. Cậu ba nhìn đề mục bài báo: “Khế ngọt thành khế chua”, mắt hoa lên. Cậu cố đọc từng chữ: “Đó là cây khế nhà cán bộ huyện X. Tán cây lấn cả đường dây điện, che khuất tầm nhìn làm xảy ra nhiều vụ tai nạn. Người đi đường rất bức xúc nhưng không dám kêu than”. Cậu ba ném tờ báo xuống chiếc ghế đá, rút điện thoại gọi cho ai đó nhưng không được. Cậu chửi đổng: “Lại đồ ăn hại! Lúc cần thì anh ba, anh ba, khi mình có việc, nó lại tắt máy!”. Rồi cậu gục xuống bàn. Mợ ba thất thểu vào nhà. Bóng tròn bước chân, liêu xiêu. Một cơn gió thoảng qua, vô vàn lá úa rơi rụng. Đầu, mình cậu phủ đầy lá vàng. Tán khế trống hoác. Ánh chiều từng mảng xuyên qua tán cây, rọi vào khuôn mặt dúm dó. Cậu ba qua tuổi xế chiều.

Tiếng chuông chùa Hạ lại ngân. Cậu ba giật mình, dụi mắt. Trăng trung tuần mười sáu ló dạng chân trời. Màu trăng mát dịu, tươi non xua tan cảm giác hanh khô của chiều hè oi ả. Cậu ba thấy người nhẹ hơn, vội khoác áo lên chùa thăm chị. Một tốp sinh viên tay xách nách mang, lấn cậu, chạy ùa vào cổng chùa, reo vang: “Mẹ ơi! Chúng con đã về! Mẹ ơi!”

  • B.T.P
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vinh danh 124 tác phẩm tại liên hoan phát thanh  (16/06/2012)
Quy chế của giải báo chí quốc gia sẽ được sửa đổi  (15/06/2012)
Không tổ chức, phát sóng chương trình biểu diễn không phù hợp thuần phong  (15/06/2012)
“Đặt lên canh bạc cuộc đời. Và thua…”  (14/06/2012)
Đón bằng công nhận di sản Thành Nhà Hồ vào 16.6  (14/06/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực  (13/06/2012)
Mai Thìn, nỗi đắm đuối màu xanh  (12/06/2012)
Bế mạc Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc VN  (11/06/2012)
Thằng Mót thằng Xin  (09/06/2012)
Sang trọng cầu thang trong nhà phố  (09/06/2012)
Phát hành ca khúc chưa từng được biết đến của Michael Jackson  (09/06/2012)
“Em bé napalm” hội ngộ các ân nhân sau 40 năm  (09/06/2012)
BÊN SÔNG VỌNG MỘT TIẾNG ĐÀN  (08/06/2012)
Đặc sắc tinh hoa ẩm thực  (07/06/2012)
TP Quy Nhơn đoạt giải nhất toàn đoàn  (07/06/2012)