NSƯT, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình:
“Sóng Rạch Gầm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt”
9:7', 19/6/ 2012 (GMT+7)

Kịch bản tuồng “Sóng Rạch Gầm” (tác giả Văn Trọng Hùng - Đoàn Thanh Tâm) đang được Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHT Đào Tấn) dàn dựng, là vở tuồng về cuộc chinh Nam đại phá quân Xiêm của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), đạo diễn Hoàng Ngọc Đình - Giám đốc NHT Đào Tấn - xung quanh việc dàn dựng vở tuồng này…

Thưa ông, cảm xúc của ông như thế nào khi quyết định dàn dựng vở “Sóng Rạch Gầm”?

- Viết về triều đại Tây Sơn, về Quang Trung - Nguyễn Huệ giai đoạn chinh Nam, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm rất khó. Sử liệu về giai đoạn này ít. Hơn nữa, lột tả cho ra cốt lõi, hành trình Quang Trung - Nguyễn Huệ chinh phục lòng dân miền Nam là cả một thách thức. Chính vì khó khăn như vậy mà hầu như từ trước đến nay không mấy ai khai thác thành công giai đoạn lịch sử quan trọng này. Vì thế, khi cầm trong tay kịch bản Sóng Rạch Gầm, tôi rất mừng.

 
Một cảnh trong vở Trời Nam của Nhà hát tuồng Đào Tấn.  Ảnh: HOÀNG VÂN

Kịch bản “Sóng Rạch Gầm” đã làm toát lên vấn đề cốt lõi: nắm được lòng dân, thấu hiểu lòng dân và cảm hóa lòng dân để cùng nhìn về một hướng; chúng tôi xem đây là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào khai phá và thể hiện kịch bản. Nếu không chinh phục được lòng dân Nam Bộ, sẽ không có chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Cái vĩ đại của vị anh hùng áo vải quê hương Bình Định không chỉ ở tài thao lược chinh Nam phạt Bắc, mà cao cả hơn là thu phục nhân tâm, ngay cả khi lòng dân Gia Định luôn hàm ơn các đời chúa Nguyễn. Đó là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, gởi gắm khi xây dựng hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ trong vở tuồng này.

Thể hiện cho được những tư tưởng ấy thật không đơn giản. Lãnh đạo Nhà hát cũng như lực lượng diễn viên, êkip dựng vở đã xác định với nhau như vậy để cùng trăn trở, nỗ lực khai thác và thể hiện đến cùng.

Ông có thể chia sẻ một chút về thủ pháp sân khấu khi dàn dựng vở diễn này?

- “Sóng Rạch Gầm” nối tiếp phong cách tuồng sử thi mà lâu nay bản thân tôi đeo đuổi. Với phong cách tuồng nghiêng về sử thi, nó cho phép chúng ta mở rộng về không gian, thời gian, cả những chi tiết của cấu trúc kịch bản, cấu trúc dàn dựng… để đi gần đến cái thực và đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Là tuồng lịch sử, các trình thức hát, múa của tuồng truyền thống sẽ được tiết giảm, tiết tấu vở diễn sẽ nhanh, ngôn ngữ đối thoại đóng vai trò chủ đạo…

So với 4 vở diễn khác về đề tài Quang Trung đã dựng trước đó của NHT Đào Tấn như “Tây Sơn tụ nghĩa” (tác giả Tống Phước Phổ), “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Trời Nam”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” (tác giả Lê Duy Hạnh), thủ pháp dàn dựng trong “Sóng Rạch Gầm” không mới. Ngay từ thời điểm dựng các vở này cách đây nhiều năm, góc nhìn của tôi đã nghiêng về thủ pháp tuồng sử thi. Trước sau tôi đi theo con đường nghệ thuật đã xác định: mọi cách tân nghệ thuật tuồng là nhằm tiếp cận với cuộc sống đương đại, với khán giả hôm nay.

Từ lâu, cá nhân tôi nói riêng và tập thể nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn luôn mơ ước về một kịch bản, một vở tuồng nói về cuộc chinh Nam vĩ đại của Quang Trung - Nguyễn Huệ, nay thì niềm mong mỏi ấy đã thành hiện thực

NSƯT HOÀNG NGỌC ĐÌNH

Một chi tiết đáng chú ý nữa, trong vở diễn này, chúng tôi không dừng lại ở cái kết có hậu quen thuộc của tuồng truyền thống, ở khúc khải hoàn bằng chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút lừng lẫy. Chúng tôi hướng đến một cái kết mở: “không có chiến thắng nào mà không có sự tang thương mất mát, không có hạnh phúc nào lại không có nỗi đau”, để từ đó gợi những suy ngẫm sâu xa khác nơi người xem.

“Sóng Rạch Gầm” được NHT Đào Tấn khẳng định là tác phẩm sân khấu có ý nghĩa đặc biệt với Nhà hát. Sự đặc biệt này thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Với “Sóng Rạch Gầm”, chúng tôi - NHT Đào Tấn và chúng ta - người Bình Định, đã có thể xây dựng hoàn chỉnh, trọn vẹn pho tuồng về Quang Trung, về một triều đại chói sáng, bi tráng bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Theo quan điểm và tâm nguyện của tôi, cùng với các vở “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Trời Nam”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, đây là 5 điểm nhấn về phong trào Tây Sơn, 5 cột mốc chói sáng nhất mà Nhà hát chúng tôi đã dựng lại bằng nghệ thuật tuồng.

NHT Đào Tấn đứng chân trên mảnh đất này, với tầm vóc lịch sử lớn lao của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn, việc sáng tác, dàn dựng và biểu diễn những vở tuồng về đề tài này vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của các thế hệ làm nghệ thuật tuồng chúng tôi.

Cám ơn ông!

  • SAO LY (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Minh Hằng đăng quang Bước nhảy Hoàn vũ 2012  (18/06/2012)
Vinh danh di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ  (17/06/2012)
Ðóa vô thường…  (16/06/2012)
Tạo điểm nhấn với tiểu cảnh  (16/06/2012)
Tỏa bóng  (16/06/2012)
Vinh danh 124 tác phẩm tại liên hoan phát thanh  (16/06/2012)
Quy chế của giải báo chí quốc gia sẽ được sửa đổi  (15/06/2012)
Không tổ chức, phát sóng chương trình biểu diễn không phù hợp thuần phong  (15/06/2012)
“Đặt lên canh bạc cuộc đời. Và thua…”  (14/06/2012)
Đón bằng công nhận di sản Thành Nhà Hồ vào 16.6  (14/06/2012)
Nhiều chuyển biến tích cực  (13/06/2012)
Mai Thìn, nỗi đắm đuối màu xanh  (12/06/2012)
Bế mạc Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc VN  (11/06/2012)
Thằng Mót thằng Xin  (09/06/2012)
Sang trọng cầu thang trong nhà phố  (09/06/2012)