Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có những chỉ tiêu cụ thể, theo những mốc thời gian cụ thể nhằm huy động các nguồn lực và sự quan tâm thiết thực của toàn xã hội để xây dựng tổ ấm gia đình trong thời đại CNH-HĐH đất nước.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 2012, bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về một số nội dung cơ bản trong việc triển khai các nhiệm vụ thực hiện chương trình này.
Thưa bà, Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể nào?
Chiến lược đã đề ra 13 chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 đạt 90% hộ gia đình được tuyên truyền, phổ biến và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách và đạt 95% vào năm 2020; 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và đạt 95% vào năm 2020; Hàng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, giảm từ 10 - 15% số hộ có bạo lực gia đình, hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội; Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái...
Xin bà nói về những giải pháp thực hiện Chiến lược này?
Về các giải pháp chủ yếu, Chiến lược nhấn mạnh đến giải pháp lãnh đạo, tổ chức quản lý, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác gia đình...
Theo chúng tôi rất đáng chú ý giải pháp truyền thông vận động, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Chiến lược cũng đặt nhiệm vụ phải đẩy mạnh giáo dục, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình; kỹ năng sống (kỹ năng làm cha mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em); trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học.
Một giải pháp quan trọng trong Chiến lược là thực hiện các chính sách, chương trình về an sinh xã hội, trong đó cần rà soát tổng thể các chính sách để điều chỉnh và mở rộng về trợ giúp xã hội thường xuyên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên hỗ trợ trẻ em hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trợ giúp đột xuất để giúp các hộ gia đình gặp rủi ro, thiên tai... kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Bảo đảm cho các hộ gia đình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở nước sạch, thông tin, trong đó, ưu tiên cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở huyện nghèo, xã nghèo vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thưa bà, các bước thực hiện Chiến lược được tiến hành như thế nào?
Quá trình chúng tôi xây dựng chiến lược cũng hơn 2 năm. Các chỉ tiêu chúng tôi cũng lấy ý kiến của 63 tỉnh thành và các bộ, ngành Trung ương đưa ra những bước đi cụ thể. Trong Chiến lược, sẽ có 7 đề án được thực hiện, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2012-2015 và giai đoạn 2 từ năm 2015-2020. Sau năm 2015, chúng tôi sẽ có sơ kết, đánh giá quá trình thực hiện các chỉ tiêu và sẽ xây dựng tiếp lộ trình để thực hiện các chỉ tiêu tiếp theo.
. Theo Chinhphu.vn
7 đề án của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam
1. Đề án kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020.
2. Đề án tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020.
3. Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
4. Đề án nâng cao chất lượng các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020.
5. Đề án về công tác an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020.
6. Đề án xây dựng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình đến năm 2020.
7. Đề án xây dựng dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. | |