Quyết định số 13 của UBND tỉnh ban hành quy định xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Định (gọi tắt là Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu) có nhiều điểm mới về thể loại tác phẩm và điều kiện xét giải. PV Báo Bình Định phỏng vấn ông Dương Tấn Sinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, xung quanh vấn đề này.
|
Quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần này mở rộng, thông thoáng hơn, tạo nhiều cơ hội cho các văn nghệ sĩ Bình Định.
- Trong ảnh: Triển lãm ảnh nghệ thuật của tác giả Võ Chí Hà (Hoài Ân). Ảnh: HOÀI THU
|
* Cụ thể những điểm mới trong quy định xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV (2006 - 2010) là gì, thưa ông?
- Quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần này không tách bạch 2 thể loại tác phẩm dự giải là tác phẩm văn học và tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm tham dự xét tặng ở 9 thể loại, trong đó có sự điều chỉnh, bổ sung loại hình nghệ thuật múa với kịch bản múa, các vở múa, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về múa.
Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét tặng giải thưởng cũng được bổ sung, quy định cụ thể hơn. Về nhiếp ảnh, quy định xét giải lần trước chỉ xét tặng đối với cuộc triển lãm ảnh hoặc một tập ảnh của cá nhân, tập thể đã được xuất bản gồm ít nhất là 30 bức ảnh. Lần này điều kiện xét tặng mở rộng hơn là công trình hoặc tác phẩm nhiếp ảnh đã được giới thiệu rộng rãi, ít nhất là cụm 5 ảnh đã được giải thưởng từ cấp tỉnh trở lên hoặc triển lãm cấp khu vực, toàn quốc; hoặc một cuộc triển lãm ảnh (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép) có từ 20 ảnh trở lên; hoặc 1 tập sách ảnh được xuất bản gồm 30 bức ảnh trở lên.
Về mỹ thuật, quy định trước chỉ xét tặng đối với ít nhất là một phòng triển lãm tranh có từ 20 tranh trở lên, hoặc 1 tập tranh được xuất bản có ít nhất 20 bức tranh. Lần xét giải này quy định là công trình hoặc tác phẩm phải có ít nhất là cụm 5 tác phẩm đã được triển lãm từ cấp khu vực trở lên (trong đó có ít nhất là 1 tác phẩm đạt giải thưởng); hoặc một phòng triển lãm (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép) có từ 20 tác phẩm trở lên; hoặc 1 tập sách được xuất bản gồm 20 tác phẩm trở lên.
Điều đáng chú ý là quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần này dành ưu tiên xét giải cho tác phẩm của các tác giả là người dân tộc thiểu số và những tác phẩm đã đạt giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế do các tổ chức chuyên ngành thế giới trao tặng cũng sẽ được xem xét trao giải thích hợp.
|
Triển lãm ảnh “Góc nhìn quê hương” của nhiếp ảnh gia Võ Chí Hà đăng ký tham dự xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV.
|
* Quy trình xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV sẽ được tiến hành như thế nào?
- Quy trình xét tặng Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu sẽ được tiến hành theo từng bước cụ thể. Ban Tư vấn có nhiệm vụ chấm sơ khảo, đánh giá, thẩm định về mặt chuyên môn, xếp loại tác phẩm và tư vấn theo từng chuyên ngành; sau đó tổng hợp, trình Hội đồng xét tặng giải thưởng chấm vòng chung khảo. Chủ tịch Hội đồng xét giải triệu tập ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng dự họp để thực hiện nhiệm vụ xét giải theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín. Tác phẩm, công trình đạt giải phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu tán thành của tổng số thành viên Hội đồng xét giải.
“Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV không hạn chế số lượng giải thưởng.” |
Không như lần xét giải trước, quy định Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV nghiêm ngặt hơn khi yêu cầu thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng không được gởi tác phẩm của mình tham gia xét giải; đồng thời trong thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng có thể mời thành viên Hội đồng nghệ thuật của các Hội chuyên ngành Trung ương, hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có uy tín trong nước, khu vực và trong tỉnh.
* Trong trường hợp có nhiều tác phẩm dự xét giải có chất lượng thì có bị hạn chế bởi số lượng giải thưởng không, thưa ông?
- Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV không hạn chế số lượng giải thưởng. Ngoài nguồn kinh phí giải thưởng từ ngân sách tỉnh cấp, giải thưởng có bổ sung thêm một số nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng các nguồn hợp pháp khác. Mức thưởng của giải thưởng cũng tăng lên, cụ thể: giải A là 20 triệu đồng (mức cũ 12 triệu đồng); giải B là 12 triệu đồng (mức cũ 8 triệu đồng); giải Khuyến khích là 5 triệu đồng (mức cũ 3 triệu đồng). Trong đó, tác phẩm dịch thuật được hưởng 80%, tác phẩm sưu tầm được hưởng 60% theo giá trị mỗi giải thưởng.
* Xin cảm ơn ông!
|