Lão Hương Nhuế hát Bội
22:16', 30/6/ 2012 (GMT+7)
  • Truyện ngắn của VŨ NGỌC LIỄN

Cả làng Phương Phi, hễ nhắc đến cái tên Hương Nhuế ai cũng ngán. Bởi lão thấy người nào có máu mặt một tý là gợi ý rất khéo: Này chú A! (hoặc thím B!) Nghe nói dạo này khấm khá lắm, đãi thầy góc nước cay coi.

Mà nào có phải chỉ một góc đâu. Hết góc này lão cạy cục thêm góc nữa, thỏa cơn nghiện mới thôi. Tuy vậy, người ta cảm thấy ở lão có cái gì dễ gần hơn đám hương lý khác, nên họ ít từ chối gợi ý của lão.

Năm ấy đúng dịp dân làng bầu lại chức lý trưởng. Ai đã đắc cử lý trưởng ở cái làng này thì vớ bở phải biết. Bốn, năm tên hương chức đệ đơn tranh cử. Mặc dù gia tư của Hương Nhuế không bằng bọn kia, lão cũng quyết tranh cử khóa này. Theo lão, chỉ cần đầu tư vào đây tương đương số tiền bán vài mẫu “nhất đẳng điền” để mua phiếu và thết dân thì nhất định đắc cử. Và chỉ cần nắm cho được “đồng triện” lý trưởng chừng nửa năm thì hòa vốn, thời gian sau thì làm giàu. Thế nhưng đào đâu ra món tiền vốn ấy? Lão vắt óc nghĩ cách làm tiền. Nhiều “mưu sĩ” bày lão tổ chức hát Bội. Chả là bọn chánh tổng, lý trưởng khắp vùng cứ vài năm một lần, tên nào cũng làm “đám hát” với cái cớ “trả nợ thánh thần”. Mỗi lần hát chúng thu khoản tiền “đi đám” của dân làng có thể mua được đôi ba mẫu ruộng ấy chứ. Lão tính, trong nhà sẵn có con bò tơ, hai con heo nuôi hơn bốn tháng, chỉ mua chịu thêm một con bò, một con heo như thế nữa là đủ khoản đãi khách. Còn tiền chi cho gánh hát thì mãn đám sẽ liệu. Lão giở lịch chọn ngày “trực thu” để làm đám, nhờ người viết thiếp mời trên ba ngàn khách xa gần. Với số lượng khách mời ấy, nếu đến với lão được một nửa đã là kết quả mỹ mãn rồi.

 

Thiếp mời viết trên giấy “hồng đơn” đỏ chói bằng những dòng chữ đen  ngòm:

“Tư nhân hữu nguyện, hạnh đắc bình an, cẩn trạch ư kim niên… nguyệt… nhật cát thời, thiết ca diên lễ dĩ thù tiền nguyện.

Cung thỉnh

Ngọc chỉ quang lâm cử bôi cộng lạc

Hữu thiếp thỉnh”

Nghĩa là:

“Nhân có lời vái may được yên lành, nên chọn ngày… tháng… năm nay vào giờ tốt làm lễ hát mừng, trả nợ đã nguyện.

Kính mời

Gót ngọc sáng ngời đến nâng chén cùng vui

Nay thiếp mời”

Hình như tờ thiếp mời đám hát nào người ta cũng viết cùng công thức, cùng giọng điệu vòi vĩnh như vậy. Có khác chăng là họ tên người mời và ngày giờ làm đám vì không thể giống nhau mà thôi. Còn việc người làm đám có vái trước với thánh thần hay không thì nào ai biết được. Chỉ biết các vị khách mời đến dự đám hát đều có “gót ngọc sáng ngời” như là các “thượng đế” ngày nay vậy.

Tuy chỉ hát vài ngày nhưng rạp hát che cất rất to, không khí chuẩn bị khá rộn rịp, đồn đại khá ồn ào. Nào là “toàn đào kép rút”, “mời thợ Đại Chí (1) đến dựng rạp”, “có đốt cây bông”, “tụ tập sòng bạc rất lớn”… Tính lão thích thế, không làm thì thôi, đã làm thì làm cho ra trò. Không chỉ đối với chuyện vui, ngay như cái chết của cha lão dạo nào là chuyện buồn mà cũng tỏ ra chết hơn thiên hạ.

Tranh, tre, gỗ, phản, bàn, ghế, liễn, hoành… vật liệu dựng rạp và trần thiết trong rạp đều mượn của dân làng. Hương Nhuế chỉ tốn tiền thuê mang về và đem trả. Cái ngày “trực thu” đã đến, gánh hát “tựu áng” khá đúng hẹn. Bò heo đã thịt gần hai phần ba. Người đi xem hát đông nghìn nghịt. Chỉ có khách mời đi đám hơi thưa thớt, do: đối thủ tranh chức lý trưởng với lão tung tin vịt rằng đám hát Hương Nhuế hoãn lại tháng sau, để hạn chế khả năng tranh cử của lão; hai là, địa vị của Nhuế chỉ là chức hương bộ, người “chịu ơn” không là bao, nên khách đến “trả ơn” cũng chẳng mấy. Sai lầm lớn của Nhuế là không tính toán nổi cái chi tiết quan trọng ấy của trò đời.

Sáng hôm sau, gánh hát phải “tôn vương” (2) trước hạn định. Sổ biên tiền đi đám cũng kết toán xong. Hương Nhuế tháo mồ hôi hột, chốc chốc lại nhắc:

- Hay là chú Biện cộng lầm, chịu khó cộng lại lần nữa thử coi!

- Làm sao có thể lầm được hở ông Hương- anh Biện giữ sổ sách trả lời.

Đằng nào cũng lỗ to, phen này ắt phải vỡ nợ, mình chọn ngày “trực thu” mà sao kết quả lại “trực phá” - Hương Nhuế vừa nghĩ bụng vừa với tay lấy chai rượu cuối cùng ra tu một hơi ngót một phần tư lít. Đối với lão, hễ rượu vào thì kế ra. Lão đút chai rượu còn lại vào túi áo, đi từ đầu làng đến cuối xóm. Cứ đi một lúc lão lại tu một hơi. Vừa đi vừa lảm nhảm:

- Tao bị lỗ, lỗ to, không có tiền thuê khuân vác trả các thứ mượn làm đám. Ai đã cho mượn cái gì thì tự đến lấy về. Chiều nay, nếu không đến lấy, tao sẽ dồn lại một chỗ, đốt sạch, đừng có mà trách, bởi vì tao bị lỗ, lỗ to…

Có người cho là lão say, lão nói đùa, xưa nay không ai làm thế, cũng có người bảo: Không phải đâu, lão giả say đấy, lão nói thật đấy, các ông bà không nhớ cái chuyện hát lệ tiết thanh minh ở đình làng cách đây hai năm à? Thịt những năm con heo bự, tế lễ xong dọn ăn, hương lý kỳ hào ngồi vào “cỗ nhất”, thịt ngon dồn hết cho cỗ đó. Hương Nhuế mải mê nhậu, đến khi cần ăn thì cỗ đã sạch trơn. Tức giận, lão đứng dậy đi thẳng xuống nhà bếp, thấy còn một mâm đầy “thịt kiếng”, mỗi “tợ thịt” (3) cắm một thẻ tre ghi chức danh người lĩnh kiếng. Lão hỏi: Thịt gì kia?

Tên đồ tể đáp: Thưa, thịt kiếng ạ!

- Kiếng cho ai hả? Tao không có thịt ăn, sao bây để dành mang đi kiếng? Dồn hết lại, đem đến nhà tao, để tao đi kiếng cho.

Tên đồ tể vừa sợ, vừa mừng, sợ lũ hương lý kia mất miếng ăn không cho hắn làm đồ tể nữa, mừng vì khỏi phải mất công bưng thịt tới từng nhà, lại còn được Hương Nhuế cho riêng hắn những năm tợ thịt. Ấy vậy mà có ai dám làm gì lão đâu, huống hồ bây giờ đám hát bị lỗ, có khi lão đốt thật đấy chứ lị!

Chiều hôm ấy, không ai bảo ai, cái rạp hát của Hương Nhuế được mọi người tự động đến tháo dỡ trong nháy mắt. Của ai mang về nhà nấy. Thế là lão chỉ tốn một chai rượu mà giải quyết chóng vánh khoản trả vật liệu, đáng lẽ phải chi gấp trăm lần. Tuy vậy, đối với gánh hát, lão chỉ bớt một phần tiền “thưởng” chứ không quịt gọn. Lão thường nói với mọi người “làm đĩ chín nơi phải chừa một nơi để lấy chồng”. Thì ra cái nơi mà lão chừa để lấy chồng lại là sân khấu hát Bội, và mặc nhiên lão thừa nhận mình là đĩ.

Khóa lý trưởng ấy Hương Nhuế đắc cử. Chính Hương Nhuế cũng không ngờ huống chi là người ngoài cuộc. Do đó, chuyện đắc cử gộp với chuyện hát Bội của lão được người ta truyền râm ran khắp nơi, nghiễm nhiên lão trở thành nhân vật nổi tiếng. Thâm tâm lão rất hài lòng về chuyện đó. Lời truyền còn thêm thắt rằng lão yêu hát Bội, mê hát Bội, chẳng tính toán đến chuyện lỗ lãi, chẳng cần chức tước, rằng lão ở phải với hát Bội nên mấy “ông Só” hát Bội phù hộ lão đắc cử. Chỉ có đa số dân làng Phương Phi mới đánh giá hết về lão. Họ nhận tiền mua phiếu, ăn thịt thết của các ứng cử viên khác, nhưng dồn phiếu về cho lão. Đối với họ, đằng nào thì cũng là cái số khổ, phải tìm số một hơn số không. Còn Hương Nhuế thì nghĩ bụng: Dân nó nể mình, nó sợ mình, trời phú cho mình cái số sướng không làm cũng có ăn. Cho nên sau đó, vợ lão kênh kiệu phải biết, con lão hí hởn ra mặt. Còn lão thì suốt ngày túy lúy toàn rượu thết, có bữa uống không xuể. Đám hương lý trước đây công kích lão đủ điều, bây giờ mở miệng ra là “anh xã”, hở môi là “thầy lý”, ra điều tôn kính một phép.

Hôm ấy nhân ngày giỗ cha “xã Nhuế”. Nào xách, nào đùm… họ đem tiến đủ món ngon vật lạ. Một hương chức tán tỉnh:

- Anh xã nhà mình ỉa cứt vuông.

Mấy chức dịch khác xen vào:

- Vuông hay tròn thì cũng là phân. Điều quan trọng là phải có cái ăn mới có phân, rồi đem phân bón mới có cái ăn. Cuộc đời cứ luẩn quẩn luần quần như vậy thầy lý ạ, hì hì… cho nên bây giờ là đúng lúc thầy lý phải hát Bội ăn mừng rồi. Năm nay hát, sang năm đắc cử chánh tổng cho mà coi…

Xã Nhuế dường như tâm đắc cái triết lý “phân” ấy lắm nên lão bưng lấy ly rượu nốc cạn. Càng uống da mặt lão càng tái, giọng lè nhè nửa tỉnh nửa say:

- Ừ hát, hát thì hát.

Lão nổi hứng, vỗ đùi vừa nhịp, vừa hát câu hát khách của Châu Thương: “Từ trước đến nay, hào kiệt lỡ thời, hầu hết không nề việc mọn; làm vậy cũng phải, anh hùng gặp vận, càng thêm nổi bật tài cao”.

Những hương chức đang cùng chén chú chén anh đánh chầu mồm lia lịa điểm xuyết từng lời lão hát. Tuy có hơi quá chén so với mọi ngày, lão vẫn tỉnh táo, phân biệt các gương mặt đã say và vờ say. Nghe tiếng cười nói ầm ĩ bên trong nhà, con vẹt trên cành treo ngoài hiên cũng học đòi lặp đi, lặp lại từng lời dung tục. Tiếng khua của dao thớt phát ra từ nhà bếp thứ âm thanh nghe the thé đùng đục, rờn rợn như chấm phẩy những lời phỉnh nịnh của đám lý hương.

  • V.N.L

 

(1) Đại Chí là một thôn thuộc huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

(2) Tôn Vương:  đưa vua lên ngôi, một công thức kết thúc đám hát Bội ngày xưa.

(3) Thực ra là một thẻo thịt chừng 300gr, vì là thịt kiếng (biếu) nên tục lệ vùng Bình Định gọi là “tợ” (lượng từ) cho lịch sự.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ðất lạ  (30/06/2012)
Tiếng hát trên thao trường  (29/06/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Nhiều điểm mới trong thể loại tác phẩm và điều kiện xét giải  (28/06/2012)
Phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề An toàn giao thông  (27/06/2012)
Ngày càng thiết thực, hiệu quả  (27/06/2012)
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc  (26/06/2012)
Tổng biên tập một số tờ báo lớn Australia từ chức  (26/06/2012)
Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng   (25/06/2012)
Sinh viên Lai Việt Vương - ĐH Quang Trung đoạt giải Nhất  (24/06/2012)
Nhà phố mát dịu sân vườn  (23/06/2012)
Tết Đoan ngọ: Đổ xô tắm biển cầu an  (23/06/2012)
Rất mong VOV phản ánh về tỉnh Bình Định nhiều hơn  (22/06/2012)
Chuyển động mới ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh  (21/06/2012)
Ra mắt cuốn sách “Lịch sử võ học Việt Nam”  (21/06/2012)