Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) trong tỉnh năm 2011 đã có bước phát triển rộng hơn khi số lượng đơn vị được công nhận các danh hiệu văn hóa gia tăng, song phong trào vẫn chưa đi vào chiều sâu.
Năm 2011, toàn tỉnh có 321.839 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỉ lệ 90,09% trên tổng số hộ gia đình, tăng 1,63% so với năm 2010. 504 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa, chiếm tỉ lệ 44,95%, tăng 1,83% so với năm 2010. Có 718 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị được công nhận mới và bảo lưu danh hiệu đơn vị văn hóa, nâng tổng số đơn vị văn hóa lên 811 đơn vị, chiếm tỉ lệ 56,08%, tăng 2,54% so với năm 2010. Nhưng...
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng (thứ 5 từ trái qua) trao bằng công nhận danh hiệu xã văn hóa, phường văn hóa, đơn vị văn hóa năm 2011. |
Mới chỉ... rộng
Trong năm 2011, đã có thêm 11 địa phương tổ chức lễ phát động xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa. 10 phường, xã được công nhận và bảo lưu danh hiệu văn hóa, chiếm tỉ lệ 6,29% tổng số phường, xã trong tỉnh… Tuy nhiên, chỉ có 700 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến, chiếm tỉ lệ 62,44% và giảm 1,77% so với năm 2010.
Tại Hội nghị sơ kết phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2011, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng nhận xét: Phong trào TDĐKXDĐSVH thực hiện có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu. Căn cứ vào số liệu thống kê có thể thấy số lượng gia đình văn hóa được công nhận tăng cao, nhưng số lượng làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa chiếm tỉ lệ còn thấp, số lượng khu dân cư tiên tiến lại giảm. Phải chăng việc công nhận gia đình văn hóa là đụng đến chuyện bình xét cá nhân, còn xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa là chuyện tập thể nên có thể bị xem nhẹ. Số lượng gia đình văn hóa tăng cao nhưng thực tiễn xã hội còn nhiều bức xúc, nhất là tình trạng tội phạm, suy thoái về mặt đạo đức…
“Đổi mới hình thức tuyên truyền một cách thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào TDĐKXDĐSVH; tăng cường hoạt động khảo sát thực tiễn nhằm bảo đảm tính khoa học, hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo; khắc phục bệnh thành tích, bổ sung quy định tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa phù hợp trong tình hình mới và chú ý công tác tổng kết kinh nghiệm, phổ biến, chỉ đạo cách làm để phong trào phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu…”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng
|
Về những hạn chế của phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhận xét: “Tổ chức lồng ghép các nội dung phong trào với các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động khác vẫn chưa được vận dụng một cách linh hoạt và phát huy hiệu quả trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Một số nội dung của các cuộc vận động trong phong trào còn có sự chồng chéo và chưa thống nhất từ cấp trên đến cơ sở nên đã gây khó khăn, hạn chế ở cơ sở. Quy ước khu dân cư tuy có xây dựng nhưng nhiều nơi thực hiện chưa tốt, thiếu sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Tổ chức triển khai việc chấm điểm, đánh giá kết quả phong trào, bình xét ở một số đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt...”.
Còn nhiều việc phải làm
Ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, nhận xét: “Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân đối với cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư ở một số địa phương chưa được sâu rộng, thường xuyên; sự phối hợp thực hiện cuộc vận động có lúc có nơi chưa đồng bộ. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến chưa được quan tâm sâu sắc. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động và chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở và khu dân cư còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến công tác mặt trận nói chung và việc tổ chức thực hiện cuộc vận động nói riêng”.
Để khắc phục những thiếu sót còn tồn tại, Hội nghị cũng đã đề xuất: Thống nhất giữa nội dung cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư với tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa cũng chính là danh hiệu thi đua trong phong trào TDĐKXDĐSVH, cụ thể là danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa. Đồng thời thống nhất ban vận động và ban chỉ đạo thành một ban từ cấp tỉnh đến cơ sở; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ việc thực hiện cuộc vận động, các phong trào với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
|