Nhớ nghệ sĩ Lưu Hạnh
21:57', 5/7/ 2012 (GMT+7)

Chân dung NSƯT Lưu Hạnh

Nếu như NSƯT Văn Bá Anh hay về ngón đàn, sáng tạo trong diễn tấu, NSƯT Nguyễn Hoài Ân chú trọng nhấn vuốt cho tiếng đàn mướt mát thì NSƯT Lưu Hạnh là người quan tâm đến thể thức và phương pháp ứng dụng nhạc truyền thống tuồng.

NSƯT Lưu Hạnh sinh năm 1918 tại Nhơn Lộc, An Nhơn, Bình Định, một trong những chiếc nôi của đất tuồng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cuộc sống của ông cũng chật vật từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Tuy cảnh nhà khổ cực song từ nhỏ cậu bé Lưu Hạnh đã ham thích nhạc tuồng. Nghe chỗ nào có đờn kèn nhạc lễ, nhạc hát là cậu tìm tới nghe say sưa. Lên 15 tuổi, Lưu Hạnh được bố mẹ cho đi học nghề nhạc. Với sự khổ luyện cộng niềm đam mê, không bao lâu nhạc công nhỏ tuổi này đã thành thạo nhạc nghề, được thầy cho đi làm nghề đàn hát trong các dịp cúng tế, ma chay gần xa.

Tiếp cận với nghề từ sớm, được học các nhạc sư giỏi, NSƯT Lưu Hạnh nắm vững toàn diện các nhạc cụ chủ yếu trong tuồng, đặc biệt là tiếng kèn, nhị của ông luôn mực thước, chân phương mà vẫn bay bổng. Vì học nhạc tế lễ là chính nên sau này áp dụng vào dàn nhạc sân khấu tuồng, ông đã trân trọng và phát huy các ngón kèn, ngón đàn của nhạc lễ. Nghệ sĩ Lưu Hạnh được coi là nhạc công tuân thủ quy tắc truyền thống, giữ gìn được tính chất, nguyên tắc và đặc trưng độc đáo của âm nhạc tuồng mà không nệ cổ.

Năm 1954, nghệ sĩ Lưu Hạnh tập kết ra Bắc, lúc này các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc như Văn Bá Anh, Đinh Quả, Dương Long Căn biết tiếng ông nên đã đề nghị Lưu Hạnh về Đoàn tham gia công tác âm nhạc.

Vẫn giữ được ngọn lửa say mê nhạc truyền thống như thuở ban đầu, năm 1957, ông gia nhập dàn nhạc Đoàn tuồng Liên khu V và đảm nhiệm thổi kèn chính. Trong thời gian này, ngoài việc học nhạc lý - một việc khó đối với các nhạc công lớn tuổi - và luyện thêm một số loại nhạc cụ, nghệ sĩ Lưu Hạnh năng nổ cải tổ dàn nhạc với việc bổ sung thêm một số loại nhạc cụ như đàn bầu, sáo, thập lục, đàn tam, nhị 2… để tăng cường khả năng biểu hiện của nhạc tuồng. Ngoài ra, ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Viết, Lê Cường, Văn Bá Anh tham gia sáng tác nhạc cho một số vở tuồng như Ngọn lửa Hồng Sơn, Trần Bình Trọng, Thạch Sanh…

Năm 1966, nghệ sĩ Lưu Hạnh cùng một số nghệ sĩ của Đoàn tuồng Liên khu V được cử về lại quê hương Bình Định, biểu diễn phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rạng sáng ngày 13.9.1966, sau một đêm biểu diễn, Đoàn lọt vào ổ phục kích của giặc tại Ân Tường, Hoài Ân, sau đó bị giam giữ tại Ty cảnh sát - Trung tâm cải huấn ở Quy Nhơn. Đến đầu năm 1968, giặc lại đem ông ra giam tại Côn Đảo 7 năm.

Trong tù, ông cùng các nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa, Phạm Hữu Thành, Kim Hùng tổ chức diễn tuồng để cổ vũ tinh thần yêu nước của tù nhân. Khi thân thể bị tù đày, không có nhạc cụ, ông nhặt ống bơ sữa bò làm bầu, nhị, để tiếng đàn nghệ thuật tuồng vẫn vang lên, kêu gọi bạn tù giữ vững tình yêu với quê hương đất nước.

Sau Hiệp định Paris 1973, nghệ sĩ Lưu Hạnh cùng các đồng nghiệp trong tù được trao trả, sau đó ông lại trở về Đoàn tuồng Liên khu V tiếp tục làm nghề nhạc tuồng. Sau giải phóng, ông chính thức cùng Đoàn tuồng Liên khu V trở về lại quê hương Bình Định tiếp tục phát triển sự nghiệp tuồng quê nhà.

Năm 1993, nghệ sĩ Lưu Hạnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Dù đã đi xa gần 10 năm nhưng các thế hệ nhạc công của Nhà hát tuồng Nghĩa Bình- Nhà hát tuồng Đào Tấn luôn nhắc nhớ về NSƯT Lưu Hạnh, một nhạc công suốt đời tận tụy với nghề nhạc tuồng, một nghệ sĩ biết hòa quyện giữa cổ - kim, luôn trân trọng vốn cổ nhưng sẵn lòng cổ vũ cái mới.

  • NGUYỄN GIA THIỆN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gần gũi và ngày càng phong phú  (04/07/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (05/07/2012)
Phát hiện một bộ xương lạ, kích thước lớn ở Nhơn Hải  (04/07/2012)
Núi rừng vào hội  (02/07/2012)
Toàn tỉnh có 321.839 hộ được công nhận gia đình văn hóa  (02/07/2012)
Kỷ niệm 190 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu  (02/07/2012)
Trên 7 triệu USD tài trợ trùng tu di tích Cố đô Huế  (01/07/2012)
Lão Hương Nhuế hát Bội  (30/06/2012)
Ðất lạ  (30/06/2012)
Tiếng hát trên thao trường  (29/06/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Nhiều điểm mới trong thể loại tác phẩm và điều kiện xét giải  (28/06/2012)
Phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề An toàn giao thông  (27/06/2012)
Ngày càng thiết thực, hiệu quả  (27/06/2012)
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc  (26/06/2012)