TÁC GIẢ SÔNG CÔN MÙA LŨ ĐÃ QUA ĐỜI
16:11', 6/7/ 2012 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác - Ảnh tư liệu

Tôi nhận tin ông qua đời từ những người học trò Quy Nhơn của ông, thông tin họ nhận được cũng nhanh chóng thời công nghệ cao bây giờ, tức là cũng chỉ mấy phút thôi. Và ngồi ngay vào bàn viết. Tôi viết về ông giản dị những điều mình biết, và về những  kỷ niệm mấy lần may mắn được tiếp xúc, trò chuyện cùng ông.

* Cuộc tiếp nối xứng tầm:

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác (Tây Sơn) là cây bút văn xuôi đáng nhớ của văn học Việt nửa cuối thế kỷ XX, tiếp nối tuyệt vời cho xứ văn chương Bình Định nổi tiếng với những tác gia lừng lẫy: Đào Duy Từ, Đào Tấn, nhóm “Bàn Thành Tứ Hữu” và “Trường phái thơ bình Định”, thời 1930-1945… Tất nhiên nhóm này có hai thi sĩ tỉnh khác sống và thành danh ở Bình Định: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, nhưng hai thi sĩ còn lại rặt dân xứ “nẫu” là Quách Tấn và Yến Lan. Ấy là thời này chưa kể đến “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu nổi đình nổi đám ở Hà nội. Chưa kể thi sĩ tài năng dòng thơ siêu thực Bích Khê, từ Quảng Ngãi thường xuyên vào Bình Định để “nhập” cùng “tứ hữu” kể trên.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 ở làng Xuân Hòa- Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định (quê bà Đô đốc Bùi Thị Xuân). Học trung học ở những trường nổi tiếng: Cường Đễ (Quy Nhơn), Võ Tánh (Nha Trang), Chu Văn An (Sài Gòn). Học Đại học Văn Khoa Sài Gòn rồi chuyển ra học Đại học Sư phạm Huế, ban Việt- Hán, tốt nghiệp thủ khoa trường này năm 1963. Ra trường dạy học ở Đồng Khánh- Huế, Cường Đễ- Quy Nhơn; rồi làm Chánh sự vụ Sở học chánh Bình Định, làm Chuyên viên nghiên cứu giáo dục của Bộ Giáo dục (thời chính quyền cũ Sài Gòn). Văn chương ông bắt đầu được biết tới từ năm 1971 trên các báo Bách Khoa, Văn, Ý Thức…, và cuốn sách xuất hiện đầu tiên là “Nỗi băn khoăn của Kim Dung”, một tập tiểu luận về tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn kỳ tài này. Xin kể một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Mùa biển động (5 tập- 2000 trang,1984-1989), Sông Côn mùa lũ ( 4 tập- 2000 trang, 1991-ở Mỹ, 1998-NXB Văn Học), Tiếng chim vườn cũ- 1973, Đường một chiều (Bóng thuyền say)-1974, Qua cầu gió bay- 1974, và các tập truyện Bão rớt, Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng…

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác sau năm 1975 chưa in nhiều ở quốc nội, nhưng chỉ tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” được in và tái bản nhiều lần, những bạn đọc trẻ sau này cũng thấy được một tiểu thuyết gia tầm cỡ của văn chương Việt. Với đề tài Tây Sơn- Nguyễn Huệ, ông là tác giả cuốn sách bề thế và thành công nhất đến giờ. 

* Những gặp gỡ và trò chuyện:

Tôi gặp ông lần đầu năm 2003 tại Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, khi cuốn “Sông Côn mùa lũ” của ông mới tái bản, lần này in thành 2 tập, bìa cứng khổ lớn, sang trọng. Ông đến Hội để tặng sách. Tôi tình cờ xuống nhận báo rồi đi làm. Hồi này tôi còn làm non bộ, trang trí ngoại thất để kiếm sống. Và tôi đã ngồi với ông gần suốt buổi sáng đó khi đã điện cho các bạn cùng làm về nghỉ: đó là hạnh ngộ mà tôi tình cờ có được.

Tôi nói huyên thuyên về cảm nhận của tôi với cuốn sách. Nói những tâm đắc và cả “chất vấn”. Ông có lẽ cũng thích thú khi tiếp xúc một bạn đọc đọc kỹ sách ông, cả mạnh dạn nêu nhận xét. Ông cảm giác hạnh phúc khi tôi khẳng định các nhân vật hư cấu An, Lãng mới là gan ruột ông chứ không phải các nhân vật vĩ đại của lịch sử. Tôi nói với ông rằng ông chủ động không đưa nhân vật nữ rất lớn là Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng làng ông vào cuốn này vì ngại sẽ loãng các chủ đề? Và có thể ông sẽ viết riêng cuốn sách về bà? Ông khẳng định là đang có kế hoạch ấy nhưng “không biết còn có niềm tin và hứng thú thực hiện!” Nhìn lại ông thấy sức khỏe còn tốt, cái ý niềm tin và hứng thú thật đáng suy gẫm với người cầm bút. Buổi sáng này chúng tôi còn bàn, luận về các tiểu thuyết Việt Nam: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Con đường đau khổ của Aleksei Tolstoy… Gọi là trò chuyện, thực ra là ông nêu các nhận xét có tính chỉ bày về bếp núc tiểu thuyết.

Sau lần tình cờ ấy, năm nào về nước, về Bình Định ông cũng nhờ người liên lạc tôi. Sau này bao giờ các hội ngộ cũng là Vũ Ngọc Liễn, tôi và ông. Có năm có Tạ Chí Đại Trường. Cũng từ một “đặt hàng” của một bạn biên tập số tết báo Bình Định, tôi viết bài về cuốn sách Sông Côn mùa lũ, qua mạng, ông đọc được và lần gặp tiếp theo ông “xin” bài này để gộp in trong sách “dư luận”. Dĩ nhiên là tôi quá thích.

Có lần ngồi chờ xe buýt đưa hai ông văn và sử ấy đi thăm Chùa Ông Núi, thấy bảng Fahasa thật to ở siêu thị, ông hỏi tôi “người Bình Định giờ còn đọc sách không?”. Tôi khẳng định còn, còn nhiều. Bằng chứng là các báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội còn bày bán ở bưu điện, ở các quày tư nhân. Và kể với ông là ngay ở Đà Nẵng, Vũng Tàu tôi từng đi kiếm hai tờ này không có, bạn bè địa phương ấy cũng khẳng định báo văn chỉ có cho người đặt trước theo quý thôi. Và lượng xe máy phía trước Fahasa thật nhiều là của khách vào đó tìm sách, mua sách. Ông có vẻ vui.

Ông kể nhờ người bạn hỗ trợ mới in nổi cuốn “Sông Côn mùa lũ” ở Mỹ, tổng chi phí đến 25 ngàn đô. Và bán đến giờ chưa hết. Ở trong nước mới in năm 1998 đã tái bản! Đó là hạnh phúc lớn của người cầm bút.

Ông bảo có niềm vui bất ngờ khi Báo Bình Định điện tử in nhiều kỳ nguyên bộ Sông Côn mùa lũ. Niềm vui còn nhân đôi khi về, được Tổng biên tập (lúc đó) là anh Trần Trung Kiên mời tới tòa soạn nhận khoản nhuận bút đến 8 triệu đồng! Ông cũng kể từ báo quê hương hưng phấn ra Hà Nội đi cùng nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban văn nghệ Đài phát thanh, nơi đã phát trọn bộ tiểu thuyết ông trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”. Ông hỏi xin đĩa ghi những lần phát ấy để kỷ niệm thì nhà thơ trả lời rằng, bác ơi, đài còn nghèo lắm, ghi hôm nay phát xong mai xóa để ghi tiếp, có đâu đĩa cho bác. Với lại, trong lịch sử phát lên sóng đài, thời lượng sau thơ Tố Hữu là bác đó! Ông vui nhận vinh dự này chứ không phải nhuận bút! Tôi chỉ biết động viên ông là trừ tác phẩn mình gửi cho họ, cái họ lấy ở đâu đã in để đọc thì không có nhuận bút.

Lại chuyện nhuận bút. Trừ báo Đảng quê nhà, ông bất ngờ có niềm vui nghẹn thở khi qua một người bạn giới thiệu, ông ký hợp đồng bán bản quyền cuốn Sông Côn mùa lũ cho Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh TFS. Ký xong, ông được mời sang phòng bên nhận tiền. Ngay tắp lự! 70 triệu của năm 2007! Ông run suốt đường ôm cục tiền về nhà. Còn run run khi kể với tôi ở Quy Nhơn!

Cuối năm 2007, đã về đến Quy Nhơn nhưng ông không kịp đến dự Hội thảo tầm quốc gia về nhà thơ Xuân Diệu. Khi tôi được “phân công” tới đón ông thì mới hay sáng đó ông đột quỵ sau ăn sáng. Ông về Mỹ mới gánh thêm một khối U. Và vẫn kiên trì tồn tại đến giờ trong điều kiện chăm sóc đặc biệt.

Xin vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một cây bút lớn của văn chương Việt, một nhân vật Bình Định sẽ còn sống lâu dài trong văn học sử.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ nghệ sĩ Lưu Hạnh  (05/07/2012)
Gần gũi và ngày càng phong phú  (04/07/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (05/07/2012)
Phát hiện một bộ xương lạ, kích thước lớn ở Nhơn Hải  (04/07/2012)
Núi rừng vào hội  (02/07/2012)
Toàn tỉnh có 321.839 hộ được công nhận gia đình văn hóa  (02/07/2012)
Kỷ niệm 190 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu  (02/07/2012)
Trên 7 triệu USD tài trợ trùng tu di tích Cố đô Huế  (01/07/2012)
Lão Hương Nhuế hát Bội  (30/06/2012)
Ðất lạ  (30/06/2012)
Tiếng hát trên thao trường  (29/06/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)
Nhiều điểm mới trong thể loại tác phẩm và điều kiện xét giải  (28/06/2012)
Phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề An toàn giao thông  (27/06/2012)
Ngày càng thiết thực, hiệu quả  (27/06/2012)