Cuộc gặp gỡ bất ngờ
7:49', 8/7/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của BÙI TẤN PHƯỚC

Tháng hai năm bảy hai, đang đầu xuân, mùa đột ngột chuyển đông. Cơn lũ trái mùa xuất hiện cuốn phăng mọi rác rưởi đổ về biển cả. Từ khu gia binh An Sơn, đoàn sĩ quan Mỹ cùng vợ con nhốn nháo chạy về cảng Quy Nhơn lên tàu về nước. Cạnh cổng, một lính Mỹ to cao, lưng trần, quần xà lỏn, tay ôm con ngỗng trắng đứng ngơ ngác. Cái thẻ bài đeo trên cổ chốc chốc đung đưa. Thỉnh thoảng, anh ta nâng con ngỗng lên sát cằm, áp má, lắc lư, mặc nó rướn cổ kêu quàng quạc. Dòng lính cúi mặt, lướt qua, lướt qua…

Đoàn lính Mỹ vừa đi, dân quanh vùng ùn ùn kéo đến. Họ vào từng phòng, lục lạo mọi ngóc ngách. Họ tranh thủ kiếm chát trước khi quân ngụy đến tiếp quản. Có người vào đúng phòng tướng, tá, thu lượm nhiều vật quý. Có người lọt trúng kho quân lương như “chuột sa chĩnh gạo”. Có người hì hục khuân vác nhiều thùng gỗ về đến nhà mới biết nhầm thùng đạn pháo.

Thím Hai - nhà ở cạnh khu gia binh theo người đi xem Mỹ rút quân. Đến cổng, thím tần ngần đứng nhìn người lính Mỹ bị bỏ rơi. Đôi mắt nó vô hồn giữa vùng mưa nhiệt đới, giữa muôn vàn tiếng đập, dỡ ầm ầm, đạn bay cheo chéo. Thím Hai động lòng: “Quân khốn nạn, đem con bỏ chợ! Bệnh hoạn vầy biết đường đâu mà về!”. Len ngược dòng người, thím quay lại nhà, lòng tăm sóng, lao xao.

*

*  *

Ánh ngày ở khu gia binh đã tắt. Âm thanh tháo gỡ thưa dần. Tiếng súng vẫn còn đì đùng, chớp lóa thâu đêm. Bên hiên nhà thím Hai, đường còn nhiều tiếng chân chèm chẹp. Thím nằm nghe rõ giọng từng người nhà bên xóm. Giọng bà Ba Thu - bồi phòng trong sở Mỹ - sang sảng: “Tôi được tám đầu máy may, hai chiếc xe đạp với mùng màn!”; giọng ông Sáu Cần lảnh lót: “Tôi được chiếc Honda sáu bảy, hai cái máy nước Koller, hai thùng áo sĩ quan”. Thím Hai không ưa kiểu hôi của nên không bận tâm. Thím đang nghĩ đến ngày đất nước thống nhất. Và cảnh con gái thím đi trong hàng quân danh dự giữa muôn ngàn cờ hoa. Thím tội cho thằng Hai hy sinh sớm, không được chứng kiến giờ khắc thái bình sắp diễn ra.

Chợt bên hiên nhà tiếng ông Bảy Bích rõ mồn một: “Lúc vào, tôi thấy nó còn ôm con ngỗng. Khi ra, nó đã nằm ngửa, sải tay, ngực đầy máu!”. Thím Hai nghĩ ngay đến người lính Mỹ xấu số. Ngồi một lúc, thím lẩm bẩm: “Vậy là nó chết rồi! Chết vì bỏ rơi!”.

Ngày thứ hai ở khu gia binh. Người vác gạo, khuân tủ, tháo giường, cạy tôn… vẫn tiếp tục. Trăm ngàn con mắt, muôn vạn giác quan nhưng không ai bận tâm đến cái xác trắng bệch ềnh ra trước mặt.

Quạ đen đánh hơi xác chết nhanh nhất. Chúng bay đến mỗi lúc một nhiều cùng tiếng kêu ghê rợn. Thím Hai nhớ đến cái xác: “Kiểu này quạ rỉa mất! Nếu không cũng sình thối inh trời!”. Sau một hồi trầm ngâm, thím tự nhủ: “Quân Mỹ có tội với đồng bào, với mình, với con mình. Nhưng là khi còn sống. Còn giờ, người lính Mỹ kia đã chết. Hơn nữa nó khùng, lại bị bỏ rơi!...”. Rồi thím quả quyết: “Lấp! Tự lấp, chôn chặt!”. Thím sửa soạn lại cuốc, xẻng, định vị trí vườn nhà, chờ màn đêm.

Mười giờ đêm, hố đào xong, xác chết đã được thím Hai quấn chiếu kéo về miệng hố cũng là lúc quân ngụy tiếp quản. Chúng bắn pháo sáng rực trời để chứng tỏ sự có mặt của quân lực. Lợi dụng ánh pháo sáng, thím kéo xác chết xuống hố, đặt ngay ngắn. Thím lại chạy vụt vào nhà lấy giấy bút, rồi trở ra ghi lại dòng chữ, những con số trên thẻ bài xác chết: Winder David F. O - E 292 44 4402. Vừa cột lại manh chiếu cho xác, thím Hai vừa lẩm bẩm: “Con tao hy sinh là do quân chúng mày. Năm sáu tám tao lén đưa nó từ Hoài Ân về đây chôn cũng trong tình cảnh như đêm nay. Không biết nó có trách vì tao chôn mày ở đây không? Nó ở bên này bờ tre, mầy nằm bên kia, đừng lộn xộn! Nó buồn, giận tao là không được đâu nghen!”. Thím Hai cho giấy bút vào túi, leo lên miệng hố, cào đất, san bằng, giậm chặt và không quên đặt một hòn đá làm dấu.

*

*  *

Rồi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bộ đội rầm rập về làng. Thím Hai ôm chầm con gái từ đầu ngõ. Mắt ngấn lệ. Thím đưa con vào nhà đốt hương ông bà rồi vội tiễn con cùng đoàn quân xuôi về phố thị.

Trời tháng tư cao vời, lộng gió. Thím Hai ung dung đi lại giữa vườn nhà. Thím chuyển đất đắp mộ con trai. Nấm mộ vun đầy nhưng lòng thím chưa yên hẳn. Nghĩ về cái xác người lính Mỹ dưới kia, thím thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ. Ngồi bên mộ con, thím thì thầm như giãi bày: “Nghĩa tử là nghĩa tận con à! Mồ không nấm lâu ngày sẽ thất lạc!”. Nói xong, thím Hai xách cuốc, quang gánh đi đào đất, đắp mồ cho hài cốt bỏ rơi. Hai nấm mộ mới toanh mọc lên trong vườn nhà thím đầy lạ lẫm nhưng không ai thắc mắc. Thím Hai thấy lòng nhẹ nhõm. . .

Bước vào làm ăn tập thể, vui lắm! Kẻng gọi ra đồng. Kẻng bảo đi họp. Kẻng khua chia thóc. Kẻng báo chia rơm… Kẻng là lời ông Đội sản xuất. Ai cũng phải nghe! Thím Hai còn tuổi lao động. Thím có đôi bò đực khôn đáo để. Lúc còn bom đạn, thím đào cho chúng cái hầm cạnh chuồng. Mỗi khi có tiếng máy bay rít xa, thím tháo cổng là chúng chui tọt vô hầm. Nhờ có đôi bò và tay cày, mỗi ngày làm thím được hai công điểm. Con gái thím được trên điều sang làm cán bộ trên huyện, được cấp phòng ở tập thể. Có lần về nhà, ra vườn thăm mộ anh, cô hỏi thím về ngôi mộ bên kia bờ đất. Thím ấp úng: “Ờ! Thì mộ của người bà con phía ba con ngoài Bắc. Chôn lúc con xa nhà!”…

Cuối những năm tám mươi, không biết từ đâu xuất hiện nhiều tốp người đi tìm hài cốt Mỹ. Toàn người Việt. Họ đến vùng đất An Sơn thăm dò nhiều đợt. Họ rà tới rà lui, đào đi bới lại tan nát một vùng đất nhưng chẳng thấy gì. Có người lội vào tận xóm ra giá năm cây vàng cho người biết vị trí hài cốt người lính Mỹ khùng chết năm bảy hai. Nhiều người đem chuyện hỏi thím Hai, thím lắc đầu. Có người quả quyết: “Chỗ này! Chính mắt tôi thấy nó nằm chỗ này. Nếu ai đó lấp thì cũng chỉ gần đây thôi!”. Vậy là họ đào. Cứ thêm một người chỉ chỗ là họ lại đào. Đào tan tành, nhão bét. . .

Cánh đồng Đèo rộng gần năm mươi héc ta nhưng chỉ gieo được một mùa lúa, chờ ăn nước trời. Hợp tác xã nông nghiệp quyết tâm ngăn hóc Ké thành hồ thủy lợi cung cấp nước tưới cho đồng. Sau nhiều tháng đo ngắm, cắm tiêu, hình hài con mương dẫn nước từ hồ về đồng sẽ băng ngang vườn nhà thím Hai và xuyên đúng nấm mồ người lính Mỹ. Đầu tiên thím tỏ ý không hài lòng nhưng sau nghĩ đến cái lợi chung, thím chấp thuận. Thế là thím Hai lại khổ vì cái mộ. Thím chọn ngày đầu tuần, hì hục đào cái hố sâu cạnh mộ con trai. Rồi thím lại bí mật đào nấm mộ cũ, nhặt từng cọng tóc, cái răng, mẩu xương… cho vào lu sành, đậy nắp, dịch chuyển. Lần này thím đặt cái thẻ bài dưới cùng, trên phủ lớp đất đen rồi mới đến thứ tự bộ hài cốt. Chôn lấp xong, thím lại thì thầm bên mộ con, như giãi bày: “Hết chỗ chôn rồi con à! Để nó nằm chỗ khác, lỡ bọn xấu biết, chúng đào đem bán, mẹ lại thành người có tội!”.

*

*  *

Tuổi bảy mươi, thím Hai đã là bà của hai cháu ngoại song vẫn còn cứng cáp. Vợ chồng cô Ba nhiều lần nài nỉ thím lên phố thị sống cùng nhưng thím từ chối. Thím bảo: “Ở đây yên tĩnh, mẹ theo mấy con bò, trông coi mồ mả, nhang khói tổ tông. Lên đó ồn ào, ngồi không, mẹ không chịu nổi!”.

Một ngày hè nóng nực. Thím Hai ra hóng mát dưới bóng tre. Từ ngõ, một người đàn bà có tuổi, tóc vàng, da trắng cùng một thanh niên cao to bước vào. Anh thanh niên cất tiếng Việt lơ lớ: “Chào bà!”. Người đàn bà tiếp lời: “Bà cháu tôi về vùng đất này tìm hài cốt người thân. Nắng quá, bà vui lòng cho nghỉ nhờ!”.

Thím Hai bất ngờ, ấp úng: “Ờ, ờ! Mời, mời!”. Thím luống cuống, xách ghế nhổm dậy, mời khách vào nhà. Sau một hồi trò chuyện, bà cháu người nước ngoài chìa chiếc thẻ bài cho thím Hai. Thím Hai cầm cái thẻ đi vào trong nhà lục lọi tìm tờ giấy cũ. Chợt thím khẽ reo: “Đúng rồi!”. Thím Hai bước lại bên khách, thở phào: “Vậy là tốt rồi!”. Khách đứng phắt dậy, tròn mắt: “Bà biết gì về con tôi phải không?! Tôi xin bà rủ lòng thương! Tôi đã đi tìm suốt hơn hai mươi năm qua. Tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu nhà chức trách. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người lính Mỹ trở về nhưng chỉ nhận được chiếc thẻ bài này và bốn chữ AN SON - VIET NAM. Tôi và cháu tôi cố học tiếng Việt, văn hóa người Việt, quyết tìm bằng được hài cốt người thân, mong bà thương tình!”.

Rồi khách kể lể: “Những lính Mỹ về nước đã bảo rằng con tôi đến Việt Nam vài tháng thì bị đưa đi tác chiến. Thấy cảnh máu đổ, người chết, nó hoảng loạn rồi mắc bệnh tâm thần. Họ có đề nghị nhà chức trách trả về Mỹ chữa trị nhưng vì ngại bị kiện, bị đền bù nên con tôi bị giữ lại. Khi rút quân, người ta bỏ rơi. Cũng may, có người gỡ được một chiếc thẻ bài trên cổ con tôi trước ngày tháo chạy!”.

Thấy thím Hai nhìn trân trối người thanh niên vạm vỡ, bà Tây phân trần: “Nó là cháu tôi, con của người đã chết! Ngày bố nó sang Việt Nam, nó mới tròn một tháng. Khi còn ở nhà, bố nó bồng bế, hôn, ru nó suốt!”. Thím Hai đưa tay áo chặm khóe mắt, giọng nghèn nghẹn: “Hèn chi tôi thấy cha nó cứ đứng ôm con ngỗng lắc lư như ru con khi đoàn lính Mỹ đã đi xa!”. Rồi thím lại quay sang anh thanh niên: “Bố cậu đang nằm ngoài kia! Trên người còn một thẻ bài nữa, giống hệt cái này!”.

Thím Hai kể lại toàn bộ cuộc chôn lấp, giữ, đắp, chuyển mộ người lính Mỹ xấu số cho khách. Thím bảo rằng: “Vì lương tâm con người tôi làm vậy chứ không ai chấp nhận hoặc cho phép. Cũng vì lẽ đó mà tôi chôn chặt, cam chịu suốt mấy mươi năm qua!”.

Khách nghe xong nước mắt cũng chảy ròng.

  • B.T.P
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công viên, những điểm nhấn đẹp cho Quy Nhơn  (07/07/2012)
Họp báo Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Hà Nội  (07/07/2012)
TÁC GIẢ SÔNG CÔN MÙA LŨ ĐÃ QUA ĐỜI  (06/07/2012)
Nhớ nghệ sĩ Lưu Hạnh  (05/07/2012)
Gần gũi và ngày càng phong phú  (04/07/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (05/07/2012)
Phát hiện một bộ xương lạ, kích thước lớn ở Nhơn Hải  (04/07/2012)
Núi rừng vào hội  (02/07/2012)
Toàn tỉnh có 321.839 hộ được công nhận gia đình văn hóa  (02/07/2012)
Kỷ niệm 190 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu  (02/07/2012)
Trên 7 triệu USD tài trợ trùng tu di tích Cố đô Huế  (01/07/2012)
Lão Hương Nhuế hát Bội  (30/06/2012)
Ðất lạ  (30/06/2012)
Tiếng hát trên thao trường  (29/06/2012)
Trò chuyện với người níu hồn Võ Việt  (29/06/2012)