Đưa di tích tháp Chăm vào phục vụ du lịch:
Loay hoay bài toán khai thác
19:20', 9/7/ 2012 (GMT+7)

Trùng tu, tôn tạo các tháp Chăm và đưa vào khai thác, phát huy giá trị thông qua hoạt động du lịch là hướng đi lâu dài để quảng bá di sản tháp Chăm Bình Định. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả từ khai thác du lịch tháp Chăm còn rất khiêm tốn.

Trong hệ thống 8 cụm 14 tháp Chăm của Bình Định, hiện có 4 khu tháp áp dụng bán vé vào cổng phục vụ khách tham quan. Trong đó Ban quản lý Di tích tỉnh quản lý 3 cụm tháp: Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, Cánh Tiên ở thị xã An Nhơn và Dương Long ở huyện Tây Sơn với vé 7.000 đồng/người từ cuối năm 2011 (trước đó giá 3.000 đồng/người); Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn quản lý tháp Đôi có giá vé 5.000 đồng/người từ đầu năm 2011 (trước đó giá 2.000 đồng/người). Các khu tháp đều được bố trí người gác cổng để bảo vệ, chăm sóc di tích và điều động thuyết minh khi có yêu cầu.

 

Du khách nước ngoài tham quan di tích Tháp Đôi. Ảnh: VĂN LƯU

Giá vé thấp, ít khách tham quan

Lượng khách đến tham quan 4 điểm tháp Chăm có bán vé vào cổng trên không nhiều, dao động khoảng 1-2 trăm lượt khách/tháng. Đến mùa mưa còn thấp hơn. Lượng khách tham quan đông nhất là di tích tháp Đôi với lợi thế ở nội thành Quy Nhơn, có hệ thống cơ sở hạ tầng, cảnh quan khá hoàn chỉnh và đẹp. Tuy nhiên, với số tiền thu từ nguồn bán vé chỉ đạt mức vài chục triệu đồng/năm, không đủ trang trải chi phí thuê bảo vệ. Thêm vào đó, tiền vé cũng là nguồn thu chính và gần như duy nhất tại các di tích này, vì các điểm đều không có dịch vụ hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí phụ trợ hay nguồn thu từ chương trình biểu diễn nghệ thuật tại chỗ.

Theo ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh, sở dĩ các tháp Chăm Bình Định chưa có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch là vì việc trùng tu, tôn tạo chưa hoàn thành đã đưa vào phục vụ tham quan. Tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít đã hoàn thành trùng tu nhưng vẫn còn phải xây dựng một số công trình phụ trợ. Tương tự tháp Dương Long sắp tới sẽ tái khởi động trùng tu toàn bộ 3 tháp phần 12m trở lên và tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, hoàn thiện để đưa vào sử dụng nhà trưng bày. Trong điều kiện công tác trùng tu, tôn tạo còn ngổn ngang, các tháp không đủ thẩm mỹ thu hút du khách.

Một lý do nữa cũng được lãnh đạo Ban quản lý Di tích tỉnh lưu ý là việc khai thác di sản tháp Chăm vào hoạt động du lịch cần phải cân nhắc để bảo đảm hài hòa giữa khai thác và bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa. Việc khai thác du lịch mà cụ thể là nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ du lịch tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến di tích và cảnh quan, môi trường của di tích. Đây cũng là cái khó khách quan khiến di tích tháp Chăm một thời gian đưa vào phục vụ du lịch chưa nằm trong các địa chỉ du lịch nổi bật của tỉnh.

Đâu là hướng mở?

Từ năm 2006, đã có hẳn một cuộc tọa đàm “Làm thế nào để phát huy giá trị hệ thống di tích tháp Chăm Bình Định” để tìm nguyên nhân và lời giải cho câu chuyện đánh thức tiềm lực di sản tháp Chăm, song đến nay vấn đề vẫn còn là nỗi băn khoăn lớn.

Có ý kiến cho rằng, việc thí điểm giao một vài tháp Chăm cho cơ quan, đơn vị chuyên về du lịch, đặc biệt du lịch văn hóa quản lý (có tư vấn, giám sát của ngành văn hóa) để có điều kiện, cách thức phù hợp tổ chức khai thác như trường hợp Hầm Hô, Ghềnh Ráng hay gần nhất là tháp Đôi cần được tham khảo, nghiên cứu. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, cảnh quan và tôn tạo theo hướng tôn vinh vẻ đẹp đặc trưng của mỗi tháp; xây dựng bảo tàng chuyên đề văn hóa Chăm; kết nối di sản văn hóa Chăm giữa đền tháp và cảng thị, di chỉ gốm Chăm… và đặc biệt, xây dựng và tái lập không gian văn hóa được xem là những hướng mở để tháp Chăm phát huy vẻ đẹp trong lòng du khách. Trong đó, ý tưởng về việc phục hồi không gian văn hóa cho tháp Chăm được xem là “hấp lực” quan trọng để đánh thức di sản tháp Chăm. Tuy nhiên, việc phục hồi những yếu tố phi vật thể để di tích phát huy vẻ đẹp trong tính chỉnh thể nội dung và hình thức là điều cần thiết song rất khó, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong khi chờ đợi việc hoàn thành công cuộc trùng tu, tôn tạo các tháp, các đơn vị quản lý cũng đồng thời nâng chất đội ngũ thuyết minh. Đó phải là người am hiểu về tháp Chăm, lịch sử- văn hóa Chăm trên đất Bình Định. Bên cạnh đó, cũng cần xuất bản những tờ gấp giới thiệu (bằng song ngữ) bỏ túi về niên đại, đặc điểm kiến trúc, nét độc đáo… của các tháp Chăm Bình Định để cung cấp cho du khách!

Mặc dù lọt vào danh sách 100 điểm đến hấp dẫn của Việt Nam (đầu năm 2011) do các đơn vị du lịch trong nước đề cử, song hiệu quả du lịch mà hệ thống tháp Chăm mang lại cho địa phương vẫn còn rất khiêm tốn; tính lan tỏa chưa cao. Xem ra con đường “lấy di sản nuôi di sản” còn khá nhọc nhằn...

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Lễ hội Văn hóa-Du lịch VN tại Hàn Quốc  (09/07/2012)
Điều còn lại của mùa thi…  (09/07/2012)
An Nhơn tập trung cho điểm nhấn Thành Hoàng đế  (08/07/2012)
Họp báo Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh  (08/07/2012)
Việt Nam thắng lớn tại LH Điện ảnh truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế 2012  (08/07/2012)
Hai người già và một khúc sông  (08/07/2012)
Cuộc gặp gỡ bất ngờ  (08/07/2012)
Công viên, những điểm nhấn đẹp cho Quy Nhơn  (09/07/2012)
Họp báo Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Hà Nội  (07/07/2012)
TÁC GIẢ SÔNG CÔN MÙA LŨ ĐÃ QUA ĐỜI  (06/07/2012)
Nhớ nghệ sĩ Lưu Hạnh  (05/07/2012)
Gần gũi và ngày càng phong phú  (04/07/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (05/07/2012)
Phát hiện một bộ xương lạ, kích thước lớn ở Nhơn Hải  (04/07/2012)
Núi rừng vào hội  (02/07/2012)