Tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa là hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thông qua tác phẩm sân khấu, nhiều quy định của pháp luật được “mềm hóa”, giúp người dân dễ hiểu, cảm nhận, suy ngẫm; từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
“Văn nghệ hóa” luật
Trung tuần tháng 6.2012 vừa qua, UBND xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật và Hội diễn văn nghệ quần chúng với sự tham gia của hơn 100 diễn viên không chuyên đến từ 8 thôn và 2 đơn vị trường học tại địa phương.
|
Một tiết mục tại Hội thi tìm hiểu pháp luật do UBND xã Hoài Xuân tổ chức vào trung tuần tháng 6.2012. Ảnh: VĂN LỰC |
Trong 2 đêm diễn, đêm nào Hội thi và Hội diễn cũng thu hút hàng ngàn người dân tới khu sinh hoạt văn hóa xã. Những nội dung “khô khan” trong một số văn bản pháp luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự... được “mềm hóa” qua những tiểu phẩm hài, kịch ngắn, các tiết mục hò, vè... không chỉ làm người xem hứng thú, chăm chú theo dõi mà còn giúp họ nhanh chóng nắm bắt các quy định của pháp luật, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình.
Anh Nguyễn Thanh Trương, một nông dân ở thôn Thuận Thượng 1, xã Hoài Xuân, nhận xét: “Nhờ theo dõi các tiết mục, tôi biết thêm nhiều điều, nhất là hiểu hơn về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ... Tôi sẽ vận động gia đình, người thân, bà con hàng xóm chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật trong cuộc sống hàng ngày”.
Ông Nguyễn Xuân Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Hoài Xuân, cho biết: “Từ 10 năm qua, năm nào xã chúng tôi cũng tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa. Đây thực sự là một hoạt động bổ ích và hiệu quả, bởi qua hội thi, chúng tôi lồng ghép công tác tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân trong xã; giúp mọi người nâng cao kiến thức, sống và làm việc theo các quy định của pháp luật”.
Hội thi vừa nêu trên tại xã Hoài Xuân, chỉ là một trong số rất nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, được các địa phương trong tỉnh tổ chức thời gian gần đây. Trong đó, có một số được đánh giá cao như: Hội thi phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, do UBND huyện Tuy Phước tổ chức; Hội thi phụ nữ với việc tìm hiểu Luật Đất đai và công tác bảo vệ môi trường, do Hội LHPN huyện Phù Mỹ tổ chức; Hội thi pháp luật trong đời sống phụ nữ và hội viên hội cựu chiến binh, đã và đang được UBND thị xã An Nhơn tổ chức...
Tại những hội thi như thế, sau khi xem văn nghệ, bà con lại râm ran bàn luận những vấn đề gần gũi, liên quan đến cuộc sống của mình như: Thế nào là kết hôn trái pháp luật; hành vi nào bị coi là bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình; hàng thừa kế theo quy định của pháp luật... Cứ người nọ hỏi thì hai, ba người trả lời, sôi nổi như một cuộc tọa đàm, trao đổi kiến thức pháp luật thực sự.
Nên phát huy, nhân rộng
Thực tế, những năm trước đây, công tác tuyên truyền, PBGDPL tại một số xã, thị trấn trong tỉnh thường rơi vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân chính được xác định là do hình thức tuyên truyền pháp luật khô khan, không thu hút nên rất khó “kéo” người dân tham gia các buổi tuyên truyền.
Ông Phạm Văn Lẽ, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ nhớ lại: Trước đây, khi tuyên truyền pháp luật được thực hiện bằng hình thức tuyên truyền miệng, công tác PBGDPL tại địa phương gặp không ít khó khăn, hạn chế. Thậm chí nhiều lần, báo cáo viên ở huyện đến chờ tại trụ sở thôn nhưng bà con không tham dự, mặc dù xã đã thông báo bằng hình thức đánh kẻng, thông báo qua loa phát thanh, phát hành giấy mời... Đến cuối quý III năm 2011, các ban, ngành của xã Mỹ Hiệp “ngồi lại” với nhau và đi đến thống nhất tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa.
Theo đó, tất cả 17 thôn trong xã đều tiến hành tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật với nội dung tập trung vào một số lĩnh vực như: pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Hôn nhân và gia đình; Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở...
“PBGDPL thông qua hình thức sân khấu hóa làm những quy định “khô, cứng” trong các văn bản luật trở nên “mềm” hơn. Bà con nhân dân cũng hứng thú hơn khi vừa được xem biểu diễn, vừa được nghe tuyên truyền pháp luật. Những diễn viên nghiệp dư thể hiện các tiết mục tấu hài, hò, vè... trên sân khấu chính là những “tuyên truyền viên” đưa pháp luật đến với bà con một cách sinh động, dễ hiểu”, ông Lẽ nói.
Thực tế cho thấy, PBGDPL về bản chất không phải là công việc khó; nhưng để tuyên truyền có hiệu quả, nội dung tuyên truyền thực sự đọng lại trong tâm trí của đối tượng được tuyên truyền lại là vấn đề không đơn giản. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp, nhận định: “Có nhiều hình thức để đưa pháp luật đến với mọi người như: Tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý; tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa... Trong đó, tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả rất thiết thực. Đây chính là cầu nối quan trọng để đưa pháp luật đến với người dân một cách gần gũi, thuận lợi nhất và giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phát huy được hiệu quả thực sự trong cuộc sống”.
|