Với hai đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp cùng 12 đoàn tuồng dân lập, Bình Định hội tụ đội ngũ nhạc công truyền thống khá đông đảo. Tuy nhiên, hoạt động âm nhạc truyền thống lâu nay chủ yếu trong vai trò một bộ phận của sân khấu, sức lan tỏa hẹp…
“Nếu tính cả đội ngũ nhạc công ở các đoàn tuồng không chuyên, người làm nghề tự do, lực lượng làm nhạc dân tộc ở tỉnh ta khá hùng hậu nhưng môi trường nghề nghiệp cho họ lại quá hạn chế. Càng đáng tiếc hơn khi Bình Định là một trong những vùng đất của những làn điệu dân ca nổi tiếng, một thế mạnh lớn trong kết hợp biểu diễn với các loại nhạc cụ dân tộc. Môi trường biểu diễn để nhạc công phát huy khả năng, nâng cao tay nghề hẹp, âm nhạc dân tộc ít có cơ hội tiếp cận, chinh phục khán giả…”, NSƯT- nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) - cho biết.
|
Nhạc công truyền thống trong tỉnh có ít cơ hội biểu diễn, khẳng định mình. |
Liên hoan (LH) nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I – năm 2012 (do Bộ VH-TT&DL phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức) diễn ra tại Huế tháng 6 vừa qua được xem là sân chơi hiếm hoi đầu tiên dành cho nhạc công và dàn nhạc dân tộc. Đây là sân chơi rất có ý nghĩa với các nhạc công NHTĐT và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (ĐCKBCBĐ) khi họ được biểu diễn chính danh trong một sân chơi dành cho giới mình. Tại LH này, hai đơn vị nghệ thuật đại diện của Bình Định đã đoạt 1 HCV (hòa tấu “Đất Võ quê tôi”- NHTĐT) và 3 HCB. “LH giúp các nhạc công, đặc biệt nhạc công trẻ ở các đơn vị kịch hát truyền thống ý thức và rèn luyện thêm khả năng biểu diễn, phong cách biểu diễn trên sân khấu. Ở đấy họ thể hiện tài năng như một nghệ sĩ biểu diễn độc lập. Làm được điều này, khi biểu diễn trước khán giả, sức truyền cảm của âm nhạc dân tộc cũng như dấu ấn của người nhạc công thể hiện sẽ thu hút, lôi cuốn hơn”, nhạc sĩ Nguyễn Triều Dâng chia sẻ.
Trong điều kiện môi trường biểu diễn cho âm nhạc dân tộc còn khiêm tốn, LH là sự đáp ứng, dẫu muộn màng, nguyện vọng học hỏi, trình diễn, nâng cao tay nghề của những người đam mê, theo đuổi âm nhạc dân tộc. Kết thúc LH, các đơn vị đều thống nhất kiến nghị Bộ VH-TT&DL tổ chức LH nhạc cụ dân tộc định kỳ 3 năm/ lần.
Riêng ở Bình Định, chưa từng có một cuộc thi, hội diễn nào dành riêng cho nhạc cụ truyền thống, sức lan tỏa của âm nhạc truyền thống hầu như chỉ gói gọn, phục vụ trong hoạt động sân khấu. Theo nhạc sĩ Gia Thiện, nếu tổ chức được các sân chơi nhạc cụ dân tộc, tạo cơ hội cho đội ngũ nhạc công phát huy khả năng, đưa âm nhạc cổ truyền đóng góp sâu rộng hơn vào đời sống văn nghệ quần chúng, hướng công chúng quan tâm hơn tới mảng âm nhạc này… là cách phát huy tiềm năng âm nhạc truyền thống tốt nhất.
|