Ông Lê Quý Dương, Tổng đạo diễn Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012:
“Muốn đưa ra cách hiểu mới hơn về võ cổ truyền”
20:44', 17/7/ 2012 (GMT+7)

Tổng đạo diễn Lê Quý Dương

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV – Bình Định 2012 sẽ diễn ra từ ngày 1.8 đến 3.8 với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc. Ông Lê Quý Dương, Tổng đạo diễn của Liên hoan đã chia sẻ về việc dàn dựng các chương trình.

* Ý tưởng của ông khi dàn dựng các chương trình trong Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012 là gì ?

- Tâm huyết lớn nhất của ban tổ chức, những người tham gia dàn dựng trong Liên hoan lần này là mong muốn định vị và chắp cánh cho thương hiệu võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng trở thành một thương hiệu quốc tế. Trên nền chung này, tôi muốn đưa ra một cách hiểu mới hơn về võ cổ truyền. Đó là ngoài việc được hình thành và phát triển từ truyền thống lịch sử vẻ vang, võ cổ truyền còn là một hệ phương pháp để bồi dưỡng và xây dựng, phát triển nhân cách công dân trong thời đại hội nhập và phát triển. Tôi có khát vọng lớn hơn nhiều là qua Liên hoan sẽ tạo bước khởi đầu để góp phần xây dựng và phát triển Quy Nhơn trở thành một thành phố võ thuật quốc tế trong nhiều năm tới… Trên cơ sở này, tôi đã làm việc với ban tổ chức Liên hoan để có thể tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

* Chương trình nghệ thuật khai mạc luôn là điểm nhấn trong các kỳ Liên hoan. Ông đã đầu tư cho chương trình khai mạc năm nay như thế nào?

- Nét mới của chương trình nghệ thuật khai mạc năm nay là yếu tố nghệ thuật, văn hóa, lịch sử sẽ kết hợp nhuần nhuyễn với yếu tố võ thuật. Chương trình nghệ thuật lễ khai mạc kết cấu thành 3 phần với nhiều đại cảnh sân khấu hóa: Tự hào quê hương Bình Định (phần I), Vinh quang Hoàng đế Quang Trung (phần II), Hội nhập bốn phương về miền đất Võ (phần III). Chương trình có thủ pháp dàn dựng đồng hiện liên hoàn, kết nối chặt chẽ giữa các không gian biểu diễn nhằm tạo nên một sân khấu quảng diễn mang tính tổng thể cao. Thủ pháp dàn dựng đồng hiện liên hoàn cho phép tái tạo các sự kiện lịch sử như những lát cắt, tạo nên mối quan hệ giữa người biểu diễn và người xem. Nâng cao đẳng cấp nghệ thuật của chương trình trên cơ sở vừa đủ dữ kiện lịch sử, vừa giữ nguyên bản sắc dân tộc nhưng được thể hiện rất hiện đại để phù hợp với khán giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thành viên các đoàn võ thuật về tham gia Liên hoan sẽ được trực tiếp tham gia biểu diễn để tạo nên thành công chung cho chương trình khai mạc, chứ không phải đến làm khán giả như trước đây.

 

Chương trình nghệ thuật khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV – Bình Định năm 2012 sẽ được dàn dựng với những nét mới sinh động.

- Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ III.  Ảnh: VĂN LƯU

 

* Vậy đâu là chương trình mới lạ của Liên hoan, thưa ông ?

- Lễ hội đường phố Võ cổ truyền Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan được sáng tạo và dàn dựng với mục đích cụ thể là tạo nên không gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Tổng thể nội dung của Lễ hội đường phố Võ cổ truyền Việt Nam được chia thành 5 cụm chủ đề: Miền đất võ thuật, Vùng trời thơ văn, Nghĩa khí Tây Sơn, Đồng vọng non sông, Vòng tay bè bạn. Lễ hội đường phố được sáng tạo trong ý nghĩa triết học sâu sắc là làm sống dậy một cách sinh động và ấn tượng “dòng chảy của linh khí” tiềm ẩn trong trời đất và con người Bình Định. Tham gia trong Lễ hội đường phố có 30 đoàn diễu hành trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn với lực lượng là toàn bộ các nhóm VĐV võ thuật chuyên nghiệp và võ sinh các lò võ ở Bình Định, các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế, sinh viên, thiếu nhi, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh… tạo nên chất cộng đồng đậm đặc, không khí lễ hội đông vui.

* Được biết, Lễ dâng hương dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung sẽ có thêm phần tặng trống. Cái phần “thêm” này bắt đầu từ đâu? 

- Năm 2008, chúng tôi đã đầu tư 500 triệu đồng làm dàn trống sấm 9 chiếc từ ý tưởng các nhân vật lịch sử trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và Văn thần Võ tướng. Chiếc trống sấm lớn nhất có đường kính 1,4m tượng trưng cho Quang Trung – Nguyễn Huệ, hai chiếc trống sấm nhỏ hơn có đường kính 1,2 m tượng trưng cho Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, 6 chiếc trống sấm còn lại có đường kính 0,9 m tượng trưng cho các Văn thần Võ tướng. Trải qua 5 năm, dàn trống sấm này đã mang “tinh thần Tây Sơn” đến nhiều lễ hội, địa danh trên khắp cả nước. Vì vậy, trong Lễ dâng hương dâng hoa, Công ty TNHH Mỹ Phát của chúng tôi sẽ tặng lại dàn trống sấm 9 chiếc cho Bảo tàng Quang Trung để sử dụng trong các dịp lễ hội. Ngoài ra, 50 cái trống mới đường kính 50 cm làm ở TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được đem đến tham gia trong buổi lễ, để có ý nghĩa tâm linh trước khi được Công ty TNHH Mỹ Phát tặng cho các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định, cùng đánh lên trống trường chung mang “âm vang hào khí Việt”. 

* Xin cảm ơn. Chúc ông dàn dựng các chương trình Liên hoan thành công.

  • HOÀI THU (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Họp báo Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (17/07/2012)
An Giang công bố Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (17/07/2012)
Bình Định tham gia 6 tiết mục  (16/07/2012)
Đêm thơ nhạc Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu hưởng ứng Liên hoan Quốc tế Võ  (16/07/2012)
“Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định” ra mắt tập đầu  (16/07/2012)
Thiếu không gian, cơ hội thể hiện   (16/07/2012)
VTV phát sóng trọn bộ 50 tập Ký sự nước Lào  (15/07/2012)
Lòng tốt  (15/07/2012)
Nguyễn Trung Trực - một anh hùng dân tộc đặc biệt   (16/07/2012)
Cầu xây xong đã lâu…  (15/07/2012)
Những cánh hồng trong tay  (13/07/2012)
Phòng GD-ĐT Quy Nhơn và Phù Mỹ đoạt giải Nhất  (13/07/2012)
Julia Hồ đăng quang Hoa hậu người Việt hoàn cầu 2012  (12/07/2012)
Sinh động, dễ tiếp thu  (11/07/2012)
Xây dựng đời sống văn hóa ở Công an tỉnh  (11/07/2012)