Chúng tôi vẫn hay gọi chiếc xe đạp đặc biệt của ông Bảy là “gallery di động”, trên đó những chiếc mặt nạ không được bao bọc bởi lớp kính dày, ánh đèn lung linh mà phơi mình, dãi dầu với nắng mưa, gió bụi. Suốt 17 năm qua, ông Bảy đã ghi dấu ấn qua việc làm ra hàng chục nghìn mặt nạ đủ màu sắc, hình dạng.
Hồi nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Bảy hay theo ông bà coi diễn tuồng mỗi tối tại quê nhà ở xã An Hòa, huyện An Lão. Khi đã trưởng thành vào TP Hồ Chí Minh, với niềm say mê những nét vẽ ấn tượng trên khuôn mặt các diễn viên tuồng khi xưa, cộng với chút khéo tay, ông Bảy quyết định sản xuất mặt nạ tuồng để bán.
|
Ông Nguyễn Văn Bảy (đội mũ) giới thiệu mặt nạ tuồng cho khách hàng. |
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Bảy kể: “Gian nan lắm! Tôi cứ chở mặt nạ đi rồi chở về. Cả tháng trời có khi chẳng bán được cái nào. Nhưng tôi không nản. Những khuôn mặt sinh động trên sân khấu hát bội quê nhà ngày nào thôi thúc tôi. Đêm nào, tôi cũng hì hục nghiên cứu, mày mò. Có câu “văn ôn võ luyện”, tôi cũng ôn, cũng luyện nhưng luyện cọ với niềm tin luyện hoài thế nào những chiếc mặt nạ của tôi cũng ấn tượng hơn, thu hút hơn”. Dần dần, ông Bảy làm ra những chiếc mặt nạ tinh xảo hơn. Rồi ông Bảy được lên báo, người ta gọi ông là “nghệ nhân đường phố”. Nhiều người tìm đến gian hàng của ông vì những chiếc mặt nạ tuồng Bình Định độc đáo khắc họa những trung, liêm, hỷ, nộ, ái, ố… cuộc đời. “Chính cái duyên bền chặt với nơi chôn nhau cắt rốn đã mách bảo và chỉ đường cho tôi đến với mặt nạ tuồng. Vì thế, mỗi nét vẽ của tôi chứa cả cái tình với quê hương, với tuổi thơ…”, ông Bảy bộc bạch.
Gian hàng mặt nạ nhỏ trên chiếc xe đạp này mang đến cho ông Bảy nhiều niềm vui lớn. Ở cái tuổi gần ngũ tuần, ông Bảy vui nhất, mừng nhất là nuôi được gia đình nhỏ của mình bằng chính cái nghề mà mình say mê. Mặt nạ tuồng cũng đem đến cho ông những người bạn ở khắp nơi. Năm 2006, một người khách du lịch Mỹ đã mua 100 cái mặt nạ cỡ nhỏ để đem về làm quà cho bạn bè. Ngày hôm sau, ông Bảy không khỏi bất ngờ khi thấy người khách ấy đã đứng chờ ông tự lúc nào để tặng tấm ảnh ông đứng bên “những đứa con tinh thần” của mình. Lần khác, một Việt kiều Đức đã ghé chỗ ông để xem mặt nạ và đặt hơn 5.000 mặt nạ cỡ nhỏ để gửi sang Đức. Mấy bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên Đại học Kiến trúc cũng mê mặt nạ tuồng của ông Bảy. Lần đầu tiên vào TP HCM, Nguyễn Nhật Huy (sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) đã một mực nhờ bạn dẫn đến chỗ ông Bảy. Nhật Huy cho biết: “Nhìn thấy chiếc mặt nạ của chú Bảy do một người bạn gửi ra làm quà, tôi thật sự ấn tượng với cách phối màu và những đường nét uyển chuyển. Thật khó tin là những chiếc mặt nạ ấy được vẽ bởi một người tay ngang…”.
|