|
Ảnh minh họa |
Ở bài thơ “Lời ghi thêm trên bia mộ tập thể” của nhà thơ Mai Thìn có dòng đề từ: “Kính viếng hương hồn 153 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng, hy sinh ngày 24.1.1968 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định”.
Tìm hiểu bài thơ mới biết ngôi mộ tập thể mà nhà thơ Mai Thìn đề cập thuộc địa phận thôn phương Danh, thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là một di tích lịch sử, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên đất Bình Định. Bài thơ của nhà thơ Mai Thìn như một “lời ghi thêm”, thêm một tấm lòng, một nghĩa cử, một nén hương lòng để tưởng nhớ, tri ân. Chỉ là lời ghi thêm thôi, nhưng đây chính là tình cảm và trách nhiệm của nhà thơ với mong muốn được góp chút gì hữu ích đền ơn đáp nghĩa những người đã đổ máu xương cho dân tộc ta làm nên chiến thắng.
Có phải thế chăng mà lời thơ trong toàn bộ bài thơ mang đậm chất tráng ca, nhưng lại dồn nén bao cảm xúc yêu thương, trân trọng nhất của nhà thơ:
“Nơi đây
một trăm năm mươi ba người đã ngã xuống.
Ngôi nhà này xây bằng một trăm năm mươi ba bát hương một trăm năm mươi ba cái đầu một trăm năm mươi ba trái tim hừng hực lửa
bao nhiêu năm qua một trăm năm mươi ba con tim hòa nhịp xình xịch đoàn tàu ra Bắc vào Nam; một trăm năm mươi ba cái đầu tròn xanh nhựa sống xuôi ngược nhà máy cánh đồng hải đảo biên cương… “
Nếu như chưa hiểu được, chưa biết gì về những sự kiện lịch sử có liên quan đến bài thơ thì hẳn đây chỉ là một bài thơ đơn thuần về đề tài chiến tranh và người lính. Nhưng khi tìm hiểu kỹ về ngôi mộ tập thể và cuộc chiến đấu oanh liệt của 153 chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng, thì hiển hiện trong ta cái không khí thiêng liêng của một thời hoa lửa. Lời thơ như nhắc ta nhớ về mảnh đất Bình Định những năm tháng anh dũng chiến đấu kiên trung mà cho đến hôm nay người dân xứ Nẫu vẫn khắc sâu vào tâm khảm.
Một trong số đó là trận chiến đấu của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng, với khí thế dũng mãnh tiến vào giải phóng thị trấn Đập Đá (An Nhơn) mùa xuân 1968. Trong cuộc chiến ác liệt một mất một còn với kẻ thù, có 153 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Và chính nơi đây đã hình thành một ngôi nhà chung, một ngôi mộ chung của 153 liệt sĩ, mà tuổi đời phần lớn mới mười chín đôi mươi. Các anh đến từ nhiều miền đất nước: Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… và có đến hai phần ba quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Chính vì thế mà nơi đây, ở trong ngôi nhà chung, ngôi mộ chung này là: “một trăm năm mươi ba bát hương”, “một trăm năm mươi ba trái tim hừng hực lửa”, “một trăm năm mươi ba con tim hòa nhịp”, và “ Một trăm năm mươi ba cái đầu tròn xanh nhựa sống xuôi ngược nhà máy cánh đồng hải đảo biên cương…”.
Chính nơi đây, trong 5 ngày đêm quần nhau với địch, tương quan lực lượng ngày càng chênh lệch, có lúc chỉ có 1 chiến sĩ mà chống chọi với 50 tên địch, nhưng các anh đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng khiến cho quân thù vô cùng khiếp sợ. Tinh thần đó, ý chí đó đã đi vào trong những vần thơ Mai Thìn, mang hào khí của cuộc chiến ba anh em nhà Tây Sơn thuở trước: “Nơi đây. Một trăm năm mươi ba ngọn cờ, một trăm năm mươi ba thớt voi ì ầm đánh tan giặc dữ; một trăm năm mươi ba áo bào đỏ rực đất Tây Sơn”.
Khổ cuối bài thơ được bắt đầu bằng cụm từ lặp lại: “Nơi đây”. “Nơi đây/ Một trăm năm mươi ba chiến sĩ công nhân trí thức nông dân chưa một lần nghỉ phép/ Một trăm năm mươi ba con người bằng thịt bằng xương, một trăm năm mươi ba vạn vết thương, một trăm năm mươi ba triệu nỗi buồn chưa bao giờ nguôi ngớt…”. Lời thơ, giọng thơ khác lạ và gọn sắc. Các hình ảnh cứ liên tiếp xuất hiện như những biểu hiện ôm chứa nhiều cấp ý nghĩa đời sống. Ý nọ bồi đắp cho ý kia. Chất liệu thơ như gạch xếp lên nhau mà thành công trình, không thấy vôi vữa. Nhà thơ không nói ý mình mà để tự hình ảnh thơ lên tiếng.
Nhận ra được tiếng nói hình ảnh trong thơ Mai Thìn không phải lúc nào cũng dễ, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi lòng tác giả, thái độ của tác giả, tình yêu chân thành và vô cùng mặn nồng của tác giả với quê hương Bình Định. Anh đã dùng thứ ngôn ngữ đặc biệt (ngôn ngữ thi ca) để phát ngôn cho những đau thương mất mát mà thế hệ mình, quê hương mình, đất nước, nhân dân mình đã trải qua. Nhiều bài thơ trong tập Lặng lẽ xanh của Mai Thìn là tiếng thơ đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng, của nhân dân tri ân những con người đã ngã xuống cho sự bình yên và phát triển của Tổ quốc hôm nay.
Nhà thơ Thanh Thảo đã viết: “Bao nhiêu người chết thảm trong chiến tranh, bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh khi còn rất trẻ, đã có yêu cầu được phát ngôn, được nói. Ai sẽ nói thay họ, nói giùm họ trong khoảng khắc, trong sự mong manh, với những tiếng kêu không rõ lời, nếu không phải là nhà thơ”. Vậy thì, chính lịch sử bi tráng của dân tộc đã “đặt hàng” cho các nhà thơ mà nhà thơ Mai Thìn là một trong số đó.
Đến với bài thơ “Lời ghi thêm trên bia mộ tập thể” của nhà thơ Mai Thìn là đến với một tấm lòng tri ân tưởng nhớ. Bởi nghệ thuật cao nhất của bài thơ này là… một tấm lòng. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương thì, bài thơ đã bớt “những óng ánh ngôn từ” để “tìm tới chỗ có thơ, có nỗi lòng con người”.
Lời ghi thêm trên bia mộ tập thể
(Kính viếng hương hồn 153 liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng, hy sinh ngày 24.1.1968 tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định )
Nơi đây
một trăm năm mươi ba người đã ngã xuống.
Ngôi nhà này xây bằng một trăm năm mươi ba bát hương một trăm năm mươi ba cái đầu một trăm năm mươi ba trái tim hừng hực lửa
bao nhiêu năm qua một trăm năm mươi ba con tim hòa nhịp xình xịch đoàn tàu ra Bắc vào Nam; một trăm năm mươi ba cái đầu tròn xanh nhựa sống xuôi ngược nhà máy cánh đồng hải đảo biên cương…
một trăm năm mươi ba nén hương một trăm năm mươi ba ngọn cờ một trăm năm mươi ba thớt voi ì ầm đánh tan giặc dữ; một trăm năm mươi ba áo bào đỏ rực đất Tây Sơn.
nơi đây
một trăm năm mươi ba chiến sĩ công nhân trí thức nông dân chưa một lần nghỉ phép; một trăm năm mươi ba con người bằng thịt bằng xương, một trăm năm mươi ba vạn vết thương, một trăm năm mươi ba triệu nỗi buồn chưa bao giờ nguôi ngớt…
Mai Thìn | |