1.
Tháng 8, mùa thu này, quê hương miền đất Võ lại vinh dự đăng cai tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV-Bình Định 2012, được đón mừng những đại biểu đại diện cho tinh hoa võ cổ truyền dân tộc của mọi miền đất nước và quốc tế hội tụ về nguồn, tri ân tổ tiên, giao lưu học hỏi, biểu dương tinh thần thượng võ và tôn vinh di sản văn hóa dân tộc.
|
Khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ III tại Sân vận động Quy Nhơn. (Ảnh tư liệu)
|
Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, hầu như tất cả những anh hùng lưu danh sử sách từ Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi đến Nguyễn Huệ - Quang Trung, Hồ Chí Minh đều là những bậc văn võ song toàn, võ công hiển hách, đều là những bậc tiền bối có công sáng lập và phát triển nền võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tinh thần thượng võ của dân tộc ta hình thành và phát triển trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chống áp bức, bất công và chống giặc ngoại xâm để sinh tồn và phát triển. Nền võ học Việt Nam trong các thời đại đã có bước phát triển rực rỡ, đào tạo hàng ngàn tạo toát, tạo sĩ (tiến sĩ, cử nhân võ) ra giúp nước. Tuyệt nhiên không có việc môn phái này tranh giành với môn phái kia, cậy sức, cậy tài để xưng hùng, xưng bá, để trị người. Vì vậy, võ cổ truyền dân tộc Việt Nam là nền võ thuật chân chính, đoàn kết, thu phục nhân tâm vì đất nước và dân tộc.
Ngày nay, trên khắp đất nước ta, đâu đâu cũng có người giỏi võ. Võ cổ truyền của cha ông được những võ sư tâm huyết truyền dạy trong các võ đường, các câu lạc bộ, trong trường học, được vận dụng trong các loại hình văn hóa, nghệ thuật và theo chân con cháu Lạc Hồng phát triển ra các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ các trung tâm võ thuật: Thăng Long - Hà Nội và vùng phụ cận, Bình Định và các tỉnh miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và lục tỉnh đến các môn phái võ Việt ở nước ngoài đều nô nức tụ tập về đây liên hoan “trẩy hội”, đã đem đến cho cho nhân dân Bình Định tình cảm mến yêu, sự xúc động và niềm tự hào sâu sắc. Sự hội ngộ lần thứ IV có ý nghĩa trọng đại, khẳng định sức sống của lễ hội văn hóa truyền thống và tôn vinh thương hiệu: Bình Định - quê hương miền đất Võ. Bình Định chúng ta như một người con trong đại gia đình văn hóa võ dân tộc, được tin yêu giao giữ “từ đường”, làm chủ nhân ngày “tế hiệp”, là niềm vinh dự, tự hào to lớn. Dĩ nhiên, cùng với niềm vinh dự, tự hào là trách nhiệm lớn lao, phải cố gắng, phấn đấu cao nhất cho liên hoan thành công rực rỡ, để không phụ niềm tin yêu của đồng bào cả nước và kiều bào ta khắp năm châu.
2.
Điểm lại ba lần Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam trên quê hương Bình Định, chúng ta đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Mỗi lần liên hoan chúng ta đón vài chục đoàn võ thuật trong nước và gần 40 đoàn võ thuật từ các quốc gia và vùng lãnh thổ về dự. Hậu duệ của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam đã cùng nhau thành kính dâng hương, hoa trước tượng đài Quang Trung - anh hùng dân tộc, đền thờ Tây Sơn tam kiệt. Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng, tưng bừng, các đoàn võ sư, võ sĩ đều hân hoan biểu dương lực lượng, tôn vinh di sản văn hóa Việt. Những hoạt động biểu diễn, thi đấu, giao lưu diễn ra sôi nổi, phấn chấn đã khẳng định sức hấp dẫn, sức sống, sự tiếp nối và phát triển của võ cổ truyền Việt Nam và dòng võ cổ truyền Bình Định. Sau lễ bế mạc, điều đọng lại sâu sắc là sự lưu luyến với mảnh đất và con người Bình Định, tình cảm yêu mến hướng về cội nguồn của bạn bè trong nước, của đồng bào xa xứ và các võ sinh nước ngoài đã coi Bình Định, Việt Nam là quê hương. Tuy nhiên, sau 3 lần liên hoan, chúng ta vẫn còn những niềm nuối tiếc, trăn trở. Đó là số lượng đoàn võ thuật trong nước, quốc tế tham gia lần sau tăng không nhiều so với lần trước. Nội dung, chương trình, hình thức tổ chức liên hoan ít có sự đổi mới, lực lượng tham gia của chủ nhà chưa thật đa dạng, phong phú. Các bài trình diễn và lực lượng trình diễn ít được đổi mới, nâng cao. Lực lượng võ sư, võ sĩ hùng hậu của các võ đường dân gian, các câu lạc bộ võ thuật quần chúng tham gia còn ít. Công tác tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau liên hoan chưa ngang tầm sự kiện. Sức hút và lan tỏa của liên hoan với toàn xã hội trong nhân dân còn hạn chế, chưa tạo được không khí ngày hội võ thuật rộng lớn.
Sau mỗi kỳ liên hoan, phong trào quần chúng luyện tập võ thuật vẫn trầm lắng. Công tác nghiên cứu, giảng dạy võ thuật chưa được quan tâm đầu tư. Việc đưa võ thuật vào trường học, vào phong trào thanh thiếu niên như một môn thể thao nhằm nâng cao kỹ năng, thể lực, rèn luyện ý chí, nhân cách chưa được triển khai. Việc đầu tư nâng cấp các võ đường thành các địa chỉ du lịch miền đất võ chưa được quan tâm đúng mức. Đề án xây dựng Học viện Đào tạo võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định triển khai chậm, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Và điều trăn trở chung của giới võ thuật dân tộc trong nước và quốc tế là đến nay chưa hình thành được tổ chức Liên đoàn Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam.
3.
Chương trình Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV, năm 2012 tại Bình Định đã được chuẩn bị, chia làm 2 phần: Chương trình chính gồm: Lễ dâng hương, dâng hoa; lễ khai mạc; cuộc thi người đẹp miền đất võ; lễ hội đường phố và lễ bế mạc. Chương trình hưởng ứng gồm: thi đấu cúp đối kháng võ cổ truyền; hoạt động biểu diễn võ và giao lưu với các võ đường; hội thảo “Nâng tầm võ Việt” và thành lập Ban Sáng lập Liên đoàn Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam; triển lãm võ thuật; đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, Hội Bài chòi… Sự phân chia đó cho chúng ta cảm giác chương trình còn nặng bề nổi và nhẹ bề sâu.
Với kinh nghiệm qua nhiều lần liên hoan trước cho thấy nếu việc tổ chức thành công lễ khai mạc, bế mạc hội thi người đẹp, lễ hội đường phố tạo ra không khí phấn chấn cho liên hoan nhưng vẫn chưa đủ. Bởi 4 năm đã qua, võ cổ truyền dân tộc cả trong và ngoài nước đều có nhiều thay đổi, phát triển và tiến bộ. Cuộc về nguồn lần này, từng đoàn và mỗi đại biểu đều mong muốn được trao đổi, học hỏi những điều mới mẻ để trau dồi thêm chuyên môn. Các võ sĩ, võ sinh được biểu diễn những kết quả tập luyện mới. Các võ sư, các nhà nghiên cứu muốn được trình bày, báo cáo những thành quả nghiên cứu khoa học của võ cổ truyền, trao đổi thảo luận để tìm hiểu thành tựu phát triển của các môn phái. Đồng thời cùng nhau xây dựng kế hoạch, nội dung tiến tới thành lập Liên đoàn Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Liên hoan cũng là dịp soát xét lại những việc chưa làm và cần phải làm trong thời gian tới, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để sớm thành lập Học viện Võ thuật Việt Nam… Bởi vậy, thành công của các chương trình hưởng ứng lại là thước đo kết quả chuyên môn của các cuộc liên hoan.
Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV tại Bình Định là một sự kiện có tầm quốc gia, là ngày hội truyền thống của nhân dân. Nó đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các cấp, các ngành, của cơ quan chủ quản Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và trực tiếp là sự đổi mới của Ban Tổ chức. Công tác thông tin, tuyên truyền báo chí trước, trong và sau liên hoan phải được đầu tư thỏa đáng, ngang tầm với sự kiện. Đây là dịp chúng ta quảng bá với cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về đất nước, con người Bình Định, giới thiệu truyền thống thượng võ, nhân văn của quê hương. Bởi vậy, cần tổ chức xuất bản các ấn phẩm, các đĩa hình, các bài viết giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam và võ cổ truyền Bình Định. Vận động các nghệ nhân chế tác hàng lưu niệm và làm các kỷ yếu các cuộc liên hoan.
Với tất cả sự háo hức, đợi chờ, chúng ta tin cuộc liên hoan lần thứ IV sẽ thành công tốt đẹp.
|