Quê ngoại
18:51', 28/7/ 2012 (GMT+7)

. Truyện ngắn của LÊ ĐỨC HOÀNG VÂN

Thằng Lội vừa kéo nong đậu nành từ sân phơi vô bếp thì đã nghe tiếng léo nhéo của thằng Xỉn từ cổng réo vào:

- Lội ơi! Đi học võ chớ!

- Đẩy cổng vô, đợi tao chút.

Lội chưa dứt lời, cái bóng thằng Xỉn đã vút vào bếp, nó nhe răng sún cười khì:

- Sao lúc nào mày cũng “cù cưa” hết vậy, tao mà không rủ, chắc nửa đêm mày mới tới “lò”.

“Lò” mà thằng Xỉn nói đây là lớp võ mà chúng nó đang theo học. Ở cái xứ võ này, hễ con ai đủ 7 tuổi là cha mẹ, ông bà sắm cho một con gà cồ mang tới “lò võ” để xin học võ. Học phí chỉ là con gà cồ, nhưng võ sinh có thể chọn lò võ thích hợp. Còn sư phụ chỉ là những nông dân, ngày làm ruộng, tối truyền nghề võ miễn phí cho lớp em, cháu ngay trên sân phơi lúa nhà mình. Mỗi “lò võ” có thể có “sư tổ” của nhiều phái khác nhau, nhưng trước khi được dạy võ, chúng đều được học thuộc lòng bài “võ đức”, trong đó có một điều mà ai cũng phải nhớ đó là học võ không phải để đánh nhau mà là để tự vệ và bảo vệ lẽ phải. Vì vậy ở cái vùng đất bên dòng sông Kôn lịch sử này,  người dân tuy đa số đều biết võ nhưng sống rất hiền hòa. Ngày mới về đây, nghe ngoại cho đi học võ, thằng Lội háo hức lắm. Lội đã sang tuổi 13, so với “võ sinh” ở đây, nó “trộng” (to tướng) hơn, nhưng khi đi vào học võ thì nó thấy mình vụng về, khó khăn hơn nhiều. Bởi vậy lúc đầu, nó nản, muốn bỏ cuộc. May có thằng Xỉn luôn theo sát, động viên.

- Mày kéo dùm tao một nong đậu ngoài sân vô đi.

Thằng Xỉn nhanh nhẹn kéo nong đậu vào bếp rồi đổ ụp vào nong kia, xong xuôi, hai đứa nắm tay nhau chào ngoại thằng Lội rồi chạy ùa ra cổng.

Thằng Lội nắm tay thằng Xỉn, nói đặc sệt giọng biển:

- Sao lúc nào mầy cũng bắt tao đi học sớm hết vậy mậy?

Xỉn đá phóc vào không trung một cú đá móc rồi chỉ vào mặt Lội:

- Mầy chỉ nhanh cái tay chèo của mày thôi, tao mà không bắt mày đi sớm tập mấy cú đá thì chân mày cứ cứng ngắt như chân trâu ấy.

Thằng Lội xấu hổ nhớ tới những ngày đầu học võ, nó bị con Nhung cùng xóm cười ngặt nghẽo khi học mấy cú đá một cách ì ạch:

- Chân anh Lội chuyên trụ thuyền thúng nên chỉ giỏi trụ ngựa thôi. Đá không được!

Vậy mà nhờ thằng Xỉn kèm cặp, giờ nó đã tiến thối, đá, trụ… hết sức uyển chuyển.

- Mầy phải theo kịp tao để mai mốt chuyển sang lò của bác Tốt chứ, cứ theo mầy, tao không tiến bộ nổi.

- Tao tập rão (mỏi nhừ) cả xương mà mầy còn chê thì tao “nhổ sào” luôn. À! Học xong mầy ghé về nhà tao, tao giảng cho bài tiếng Anh!

- Ừ! Nãy tao xin ba tao tối ngủ nhà mày rồi mà.

Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Trên đường làng, đã thấy lác đác thanh thiếu niên đến “lò võ”, những câu chuyện râm ran...

*

*   *

Đã quá 12 giờ khuya mà thằng Xỉn vẫn chưa đọc thông bài tiếng Anh mới. Thằng Lội ngán ngẩm lắc đầu:

- Sao tay mày múa võ dẻo queo mà miệng mầy nói tiếng Anh cứng ngắc vậy thằng quỷ! Mầy ngồi đó mà tập đọc đi, tao ngủ một giấc chừng nào đọc được kêu tao dậy.

Xỉn cười khì, dù gì thì từ ngày theo học thằng Lội, nó đã tiến bộ vượt bậc, cả ngữ pháp lẫn tập đọc, làm cả lớp “lé mắt” rồi. Lúc đầu, cả lớp nó cứ há mồm trước thằng bạn “xóm biển” mới chuyển về quê học, nói tiếng Việt cứng đơ mà lại nói tiếng Anh “như máy” của Lội. Vậy mà bây giờ Xỉn cũng nói khác nào “máy” như lời thầy khen. Sự tiến bộ khiến nó học ở bạn một cách hết sức kiên trì. “Hao điu điu... Hao diu diu”. Thằng Xỉn vừa đọc thầm cái câu mà nó quen đọc là “hao đu giu đu” đó, vừa tắt đèn leo lên nằm kề bên thằng Lội. Chui cha! Thằng này xa biển cả năm mà sao người nó vẫn còn cái mùi tanh tanh, mặn mặn của biển vậy ta? Mùi này làm thằng Xỉn khó ngủ, nó quay ra ngoài cửa sổ thở và bỗng nghe con Vện nhà chú Thành “ặc” lên một tiếng rồi im bặt. Kế đó nó thấy dưới ánh trăng bóng ai ngã vào vách cửa sổ nơi nó nằm, rồi nó lại nghe tiếng chân đi rất khẽ về phía chuồng bò nhà chú Thành. Thằng Xỉn lắng tai nghe. Ở xứ này, người ta có thể đi nhẹ nhàng nhưng bước đi chắc nịch chứ không hề rón rén. Nó chờ bước chân xa dần mới dám đánh thức thằng Lội:

- Suỵt! Tao nghe tiếng chân về phía chuồng bò nhà chú Thạnh.

- Ai?

Thằng Xỉn nói thầm:

- Sao biết được. Hình như hai, ba người.

Thằng Lội ngái ngủ:

- Thì tối, người ta cũng đi tiểu chứ, mày sao…

- Nếu người nhà chú Thạnh sao chó sủa, mà sủa một tiếng rồi tắt luôn, tao nghi…

Thằng Lội tỉnh hẳn người:

- Chết! Coi chừng trộm. Tao với mầy ra rình, nếu là trộm, mình la lên …

- Đồ ngu! Mình la không, nó chạy mất sao? Bây giờ tao ra lấy cái khóa xích xe tao, mầy cầm cây côn, hai đứa bò ra gốc mít nhìn qua nhà chú Thạnh, nếu thật trộm mình dùng khóa xích khóa cổng chú Thạnh rồi la lên, nếu nó nhảy rào, mình cầm côn đánh, vừa đánh vừa la, lúc đấy cả làng thức dậy bao vây, đố nó thoát.

Thằng Lội “ừ ừ” rồi hai đứa nhanh nhẹn làm theo kế hoạch. Thằng Lội nhẹ nhàng leo lên cây mít. Nó phóng mắt nhìn qua hàng rào, phát hiện ra ánh đèn pin lóe lên phía chuồng bò nhà chú Thạnh và hai bóng đen đang cố kéo con “cộ” nhà chú Thạnh ra khỏi chuồng. Lội tụt nhanh xuống gốc mít gật đầu ra hiệu với thằng Xỉn. Hai đứa nhẹ nhàng chạy ra mở cổng. Đúng như dự đoán, cổng nhà chú Thạnh mở toang, Xỉn vội kéo cổng lại và vòng cái khóa xe đạp khóa nhanh rồi bắt ngay cây côn thằng Lội đưa tới, miệng la to: “Trộm bò, bớ bà con, trộm bò nhà chú Thạnh”.

Cả xóm bỗng sáng choang đèn, hai tên trộm vội bỏ con bò phóng ra cổng nhưng cổng đã đóng. Vừa lúc ấy chú Thạnh cũng vừa mở cửa. Hai tên trộm cuống cuồng leo qua rào nhưng đã bị chú Thạnh kéo xuống một tên, còn tên kia vừa nhảy qua rào chưa kịp đứng dậy thì bị cây côn của thằng Xỉn đánh vào đầu choáng váng. Á! Thằng này có võ, nó đứng lên, đá song cước vào ngực thằng Xỉn. Đôi chân hộ pháp của tên trộm chưa kịp chạm vào người thằng Xỉn thì thằng Lội đã nhảy lên đá một cú trời giáng vào lưng tên trộm làm nó nhào chúi xuống đất.

- Trộm! Trộm!

Những bước chân chạy thình thịch, đèn pin quét sáng cả đường làng... Tiếng ai đó la lên: “Mở cổng, mở cổng”.

Thằng Xỉn vội vã mở khóa, người thì vào sân phụ chú Thạnh tìm bắt tên trộm vừa xổng, kẻ vây bắt tên trộm phía ngoài cổng. Đèn trong nhà, ngoài vườn nhà chú Thạnh sáng choang. Mọi người đang gậy gộc tìm kiếm thì thím Thạnh la lên: “Nó đây! Nó đây!”. Từ trong buồng ngủ, thím đã khóa tay tên trộm kéo ra. Mọi người đang dồn về phía đó thì Lội đã nhảy đến đấm móc vào sườn tên trộm vì nó đang phản công thím Thạnh để hòng trốn thoát. Thím Thạnh vừa thở hổn hển vừa cười:

- Nó không thoát đâu. Đừng đánh kẻ cùng đường, con!

Mọi người cầm dây trói tay chân hai tên trộm, chuẩn bị đem lên đồn công an thì thím Thạnh bỗng ngồi thụp xuống cạnh cổng khóc nức nở:

- Hu hu, nó đánh chết con Vện tôi rồi! Hu… hu… Vện ơi! Vện ơi …

*

*   *

Thằng Lội vừa nhảy chân sáo vào cổng vừa mở miệng định khoe với ngoại về chuyện nó và thằng Xỉn được nhà trường tuyên dương trong buổi tổng kết năm học về thành tích phát hiện và vây bắt băng trộm bò chuyên nghiệp thì nó khựng lại vì thấy dáng cao kều của chú Út đang ngồi trong nhà ngoại. Nó nhào vào nhà, reo lên: “Chú Út! Chú Út”.

Khi đôi tay rắn rỏi của chú Út ôm chầm lấy Lội, nó cảm nhận cả mùi gió mặn và hơi sóng biển phả vào người. Nó nhớ dáng mẹ nó gầy gầy gánh cá chợ xa, nhớ đứa em tròn trục, nhớ những đứa bạn đen nhẻm... Mắt nó rưng rưng nhớ tới ba trong lần cuối ra biển và không trở lại trong trận bão năm kia, làm cho nó phải lìa xóm biển về với ngoại vì mẹ nó không đủ sức nuôi bà nội và hai anh em nó đi học…

Chú mới được Nhà nước hỗ trợ tiền mua ghe mới. Nhà mình bàn để chú xin bà ngoại cho cháu về lại dưới học, cháu thích không?

- Nhà có ghe mới! Nhà có ghe mới! - Lội mừng nghẹn, nó ứa nước mắt gật đầu.

*

*   *

Lội xin chú Út cho ở lại để làm thủ tục chuyển trường và chơi với bạn bè thêm vài tuần. Tuy nhớ nội và mẹ, nhớ em và nhớ biển da diết, nó cũng quyến luyến vùng quê ngoại bên dòng sông Kôn êm đềm này biết mấy.

Khi dòng sông lấp lánh ánh sáng ban mai, ngoại và bạn bè Lội đã rồng rắn tay xách nách mang hành lý của Lội (thực ra chỉ có cái ba lô sờn và cái cặp da cũ với mấy bịch đậu phụng, khoai lang bà ngoại gửi). Thằng Xỉn buồn bã:

- Mầy đi, lớp mất một tay tiếng Anh cừ khôi.

Lội an ủi:

- Thì mầy cũng giỏi rồi.

Xỉn thở dài:

- Nhưng xa mày tao buồn quá. Vả lại không có mày, tao lại tệ thôi.

- Mai mốt tao mua băng dạy tiếng Anh tặng mày, mày học theo băng sẽ tiến bộ hơn thôi.

Con Nhung nhìn Lội, vô tư:

- Anh Lội nhớ hè sang năm về thăm “nhà” nghe, lại tiếp tục học võ chớ!

- Ừ! Sang năm anh dẫn bé Bột về, em dạy võ cho nó với nghe!

- Ừa! em sẽ là nữ sư phụ đáng yêu nhất làng.

Chuyến xe buýt đỗ xịch lại, Lội vội vã lên xe. Khi xe chuyển bánh, nó còn cố nhìn qua kính, thấy đôi mắt mờ đục ngân ngấn nước của ngoại, đôi tay vẫy lia lịa của thằng Xỉn và đôi mắt to tròn đượm buồn của con Nhung. Lòng nó cồn lên một nỗi buồn xa cách.

Những thảm lúa xanh rì cứ chạy lùi, chạy lùi về phía sau. Thằng Lội như thấy phía trước nó là đại dương mênh mông quen thuộc như đang tung sóng đón chào nó về với biển.

  • L.Đ.H.V
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gian nhà trống của cha  (28/07/2012)
Vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn!  (28/07/2012)
TỰ HÀO VÀ HY VỌNG  (27/07/2012)
Giao lưu Dancesport các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên  (26/07/2012)
Nhà sàn H’re mai này còn không?  (26/07/2012)
Chuyển động tích cực  (25/07/2012)
Triển lãm ảnh và binh khí võ cổ truyền sẽ gây ấn tượng  (25/07/2012)
Giữ lửa “Văn hóa đọc” cho thiếu nhi  (24/07/2012)
Ca sỹ Trọng Tấn, Anh Thơ chính thức bị tạm dừng biểu diễn  (24/07/2012)
NSND Xuân Hợi trong lòng người hâm mộ tuồng   (23/07/2012)
Sắc đẹp song hành cùng “võ thật”  (23/07/2012)
Chuẩn bị cho ngày hội lớn  (22/07/2012)
Nén hương lòng từ một bài thơ  (22/07/2012)
Trao tặng sách Lịch sử Võ học Việt Nam  (22/07/2012)
Nhà đẹp với gốm  (21/07/2012)