|
Một tiết mục biểu diễn võ tại buổi tổng duyệt chương trình Lễ hội đường phố. Ảnh: Văn Lưu |
Nằm trong chương trình của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV- Bình Định 2012, Lễ hội đường phố bắt đầu lúc 20 giờ ngày 2.8 tại đại lộ Nguyễn Tất Thành là nét mới độc đáo tại Liên hoan lần này…
Chương Lễ hội đường phố đã huy động hơn 1.000 diễn viên, võ sinh tham gia bằng việc bố trí “24 cụm” để thể hiện 5 chương gồm: “Miền đất võ thuật”; “Vùng trời thơ văn”; “Nghĩa khí Tây Sơn”; “Đồng vọng non sông” và cuối cùng là “Vòng tay bè bạn”.
Lễ hội đường phố của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV được bắt đầu bằng đoàn 3 rồng vàng, tượng trưng cho 3 vua triều Tây Sơn: vua Thái Đức, vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh. Tiếp đó là màn biểu diễn của các đoàn võ thuật tay không và roi. Roi là loại binh khí được sử dụng khá rộng rãi, không chỉ nổi tiếng ở đất Thuận Truyền - Tây Sơn. Đất võ nổi tiếng những đường roi bí truyền: “Đâm so đũa”, “Roi đánh nghịch”, “Phá vây”… Sau cụm võ sinh múa roi sẽ đến các cụm gồm: đoàn biểu diễn võ thuật với long đao của VĐV nam; đoàn biểu diễn võ thuật với côn lửa của VĐV nữ. Nét chủ đạo của bài côn lửa là từ nền tảng các bài: “Roi Thái sơn”, roi “Hắc đảnh ô sơn”, roi “Tam thâu tùy hành pháp”.
Sau khi thưởng thức màn biểu diễn võ thuật đẹp mắt, người xem sẽ “dịu lòng” với chương II mang tên “Vùng trời thơ văn”. Mở đầu cho chương này là đoàn diễu hành của các thiếu nữ dự thi Người đẹp quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Đây vừa là nét đẹp truyền thống, vừa là “chất thơ” của Liên hoan Võ cổ truyền. Sau đoàn diễu hành của những người đẹp sẽ đến đoàn diễu hành với trang phục và mặt nạ tuồng. Cụm này sẽ thể hiện Bình Định đã được mệnh danh là “cái nôi” tuồng hát bội bởi từ vùng đất này đã sản sinh ra những bậc thầy sáng tác, biểu diễn và hát bội đã thành nghệ thuật đặc sắc, là vốn quý trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật đất nước.
Tiếp đến là đoàn diễu hành của các tiên nữ “Ghềnh Ráng tiên sa” với hình ảnh của các địa danh thắng cảnh của Bình Định; đoàn diễu hành của các thi sĩ với bút nghiên và những phiến thơ có in những áng thơ hay. Những bậc tài tử văn chương Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…, là người Bình Định hoặc sống và thành danh ở Bình Định, vẫn mãi là niềm ngưỡng mộ của các thế hệ về bút nghiên thi phú. Người ta thường dùng chữ “trời văn” đi kèm với “đất võ” khi nhắc tới Bình Định là vậy.
Nếu ở chương I và chương II, người xem được thưởng thức các màn biểu diễn võ đặc sắc và trải lòng với những áng thơ hay, những thiếu nữ sắc nước hương trời thì chương III giúp người xem ôn lại thời oanh liệt và những chiến công hiển hách của ba anh em nhà Tây Sơn được tái hiện qua chương “Nghĩa khí Tây Sơn” gồm các cụm diễu hành: Đoàn trống trận Tây Sơn với 39 cờ có thêu chữ “Nghĩa khí Tây Sơn”. Trong tiếng trống vang dội là sự xuất hiện của đoàn xa giá 32 người rước bức chiếu lên ngôi của vua Quang Trung, tiếp đến là đoàn bộ binh của Tây Sơn với các chiến binh cầm binh khí khác nhau và đoàn nữ binh Tây Sơn với 50 nữ binh múa bài “Song phượng kiếm” nổi tiếng của Bùi Thị Xuân. Cụm cuối cùng sẽ là đoàn thủy binh của Tây Sơn.
Ở chương IV và chương V mang tên “Đồng vọng non sông” và “Vòng tay bè bạn” với sự tham gia của các nghệ sĩ và diễn viên Trường múa TP Hồ Chí Minh (thể hiện cho trận chiến đánh thành Gia Định); đoàn nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang tái hiện trận Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh tan 5 vạn quân Xiêm, làm nên chiến thắng vang dội của quân Tây Sơn…
|