Tiếng làng
21:19', 4/8/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của BÙI TẤN PHƯỚC

Minh họa: Tranh Nguyễn Khánh Toàn

Làng Quy Hội vào khuya. Thêm hồi kẻng vang lên. Nhiều người giật mình, tỉnh giấc. Cửa nhà ở các xóm mở toang. Đèn bật sáng trưng. Tiếng người ơi ới, chó sủa om om. Người ở đám chết thằng Nhảy lao nhao: “Kẻng gì? Kẻng gì nữa vậy?”. Tiếng ông Cam - người khâm liệm thằng Nhảy - vọng từ nhà trên: “Kẻng một hồi, làng báo có người chết. Lúc nãy kẻng cho thằng Nhảy cũng thế! Làng có người đi nữa đó!”. Nhiều người tụm đầu xầm xì, đoán gở. Có người bảo: “Hay là bà Bá? Nghe nói hổm rày yếu lắm!”. Bà Xẹp khẽ giọng: “Không đâu! Tôi mới thăm. Bà còn khá! Có thể thằng Chạy bị bệnh viện trả về!”. Ông Xềnh lại có ý khác: “Thằng Chạy chỉ ngồi trên bờ vớt cá. Thằng Nhảy ôm quả đạn xuống ao. Đạn nổ, thằng Nhảy chết, thằng Chạy chỉ bị thương ở hai mắt thôi!”. Mọi người đoán già đoán non. Gã Năm Loi từ nơi đào huyệt thằng Nhảy về, tới đầu sân, thả cuốc xẻng loảng xoảng, hổn hển: “Lão . . . Tuần chết rồi! Chết . . . sau hồi kẻng... báo thằng Nhảy chết!”. Nhiều người vỡ òa: “Trời!” Có người chép miệng: “Chà, nhanh thật! Mới chiều còn trông cháu, giờ đã đi rồi!”. Tôi bàng hoàng, nhớ lại lời lão Tuần đã nói. Ngẫm nghĩ, bùi ngùi, tôi nhủ thầm: “Vậy là thật. Lời lão Tuần đều thật! Lão thực lòng quý tiếng kẻng. Lão đi vì được nghe tiếng kẻng làng, hiếm hoi, mãn nguyện!”.

*

*    *

Lão tên Lượm, họ Nguyễn. Tên, họ của lão là do cụ Bản- cha nuôi của lão đặt. Thực ra lão họ gì không ai biết. Cụ Bản làm một chức Hương trong làng. Vợ cụ nhiều lần sinh nở nhưng không lần nào nuôi được. Một đêm dạo làng, cụ Bản nhặt được một hài nhi bỏ rơi. Cụ mừng rỡ, mang về nuôi và đặt tên Lượm. Thằng nhỏ mặt mũi khôi ngô, người làng luôn miệng trầm trồ, tán phúc. Lên năm tuổi, Lượm bị sốt bại liệt rồi thành người dị tật thọt chân. Cu cậu có dáng đi chấm phảy, khập khiễng nhưng khá lanh lẹ. Lớn lên, Lượm được cha đưa vào làm mõ. Người ta ngại mất lòng cậu Lượm nên gọi Lượm là cậu Tuần.

Từ ngày được cấp cái mõ và chiếc dùi, cậu Tuần hăng hái hẳn. Hằng ngày, cậu trực ở đình, chờ ông lớn sai bảo. Đêm đến, cậu đánh mõ cầm canh hoặc cùng đi tuần làng. Cậu thuộc lòng quy định từng tiếng mõ. Mõ cầm canh một hồi, đêm đánh năm lần vào thời khắc chuyển canh. Mõ họp làng ba hồi sáu tiếng. Mõ thu thuế một hồi ba tiếng, sau đó đánh dồn hai tiếng cách nhịp. Mõ đánh cả ngày, thậm chí vài, ba ngày. Đánh đến khi người làng nộp đủ thuế mới thôi.

Tiếng mõ cậu Tuần rông rốc theo làng qua mấy mùa ngăn đê, chống hạn. Mõ cầm canh lốc cốc đổ dồn theo đêm như tiếng thời gian đếm mùa cực nhọc. Người già nghe mõ, trăn trở thâu đêm. Trẻ con giật mình, khát sữa. Nông phu than phiền “đất nẻ trời cao”, âu sầu “mùa mất đất không”. Con gà, con chó cứ luân phiên tranh âm cùng mõ. Chúng rướn cổ, khụy chân gáy, gù lưng, thóp bụng sủa nhưng vẫn không lấn nổi tiếng mõ làng. Ngày thu thuế, cậu Tuần khua mõ vang đình, sau dạo xóm, đến từng nhà thúc mõ. Dân làng than van. Người xin khất, kẻ nép cửa, trốn rào tránh mặt nhưng vẫn không yên với mõ. Mõ quần đi đáo lại năm lần bảy lượt đinh tai, nhức óc. Nhiều người không chịu nổi đành phải cầm cố vật phòng thân để nộp thuế. Lý trưởng cùng các hương chức làng luôn hài lòng về tay mõ Tuần. Cậu Tuần lấy làm vui, đêm nằm nhịp đùi, tự đắc: “Chỉ có mõ Tuần là vang xa, răm rắp!”. Dân tình ngao ngán, thở dài theo mõ. . .

Một đêm đi tuần. Vớ được mớ củ khoai, cậu Tuần cùng mấy chân đinh nhóm lửa tại miếu Ông, nướng khoai đánh chén. Không biết vì say men hay ngủ quên mà các vị để lửa bén mồi cháy miếu. Ngọn lửa bốc cao hừng hực một góc làng. Cậu Tuần nghe nóng chân, giật mình bật dậy, dụi mắt. Thấy lửa lớn, cậu chụp dùi thúc mõ. Có lẽ vì run tay nên tiếng mõ cậu kỳ quặc, lúc dày, lúc thưa, lúc bôm bốp, lúc bành bạch. Người làng chẳng hiểu mõ báo gì nên không ai bận tâm. Mõ càng đánh, lửa càng cháy lớn. Không thấy người ứng cứu, cậu Tuần ngưng mõ, hô hoán: “Cháy! Cháy! Bớ làng! Cháy!”. Làng vẫn im lặng. Đình thấy lửa ngút trời, biết hỏa hoạn nên tập trung trống làng gióng, thúc. Tiếng trống đình mỗi lúc một to, đùng đùng, rồng rộc như biết chạy. Cậu Tuần nghe trống đến gần cứ ngỡ dân làng đang truy hô, vây bắt kẻ đốt miếu nên quẳng mõ, xách guốc, giục đám tuần tháo chạy. Miếu cháy tan tành. Đình đổ tội cho dân, dân kêu trời không thấu. Cậu Tuần cùng đám đinh đêm ấy trốn bặt, biệt xứ, mãi đến thời Việt Minh mới dám quay về. . .

Vợ chồng cụ Bản lần lượt qua đời. Trước khi mất, hai cụ viết giấy hiến toàn bộ gia sản cho Mặt trận Việt Minh. Anh Tuần liêu xiêu về làng. Mọi vật đã thay đổi. Ngôi nhà mái ba gian hai chái lợp ngói âm dương ngày xưa anh ở, nay đã là trụ sở làm việc của chính quyền. Ruộng đất cả mươi mẫu giờ cũng thành của chung. Dân làng có đất trồng, ruộng cấy, đủ ăn, đủ chi viện cho chiến trường. Anh Tuần ngỡ ngàng nhưng không dám thắc mắc.

Sống trong ngôi nhà tranh vách đất do làng góp dựng, anh Tuần như chiếc bóng mờ sương. Ở tuổi xấp xỉ ba mươi, tứ cố vô thân, tật nguyền lại một thời tai tiếng, anh Tuần khó lấy được vợ. Anh lẳng lặng đi, thui thủi về, tự cuốc, bừa; tự gieo, cấy. Đôi chân không đều bước của anh dần quen lối đi mới của làng nhưng anh vẫn còn nơm nớp chuyện năm xưa. Anh sợ tiếng trống đắp đê, sợ tiếng đục thợ mộc, sợ cả tiếng chong chóng gió khua mõ đuổi chim ngoài bãi, thậm chí sợ luôn tiếng ne cù trổng của trẻ con bên nhà. . .

*

*    *

Kẻng làng - âm thanh mới của thời đại ngân vang khắp đất trời Tổ quốc. Những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm, kẻng làng liên tục báo tin vui, mừng đón ngày thống nhất. Kẻng mít tinh, kẻng họp mặt, kẻng diễu hành-biểu dương, kẻng đồng hành cùng nhịp sống mới. Bước vào làm ăn tập thể, kẻng là âm hiệu của làng. Kẻng làm bằng vỏ bom, vỏ đạn, âm thanh trong trẻo, ngân xa lạ thường. Kẻng treo ở nhà kho, gốc me, tán thị giữa làng, do ông đội sản xuất đánh. Hiệu lệnh kẻng do làng quy định. Kẻng báo giờ làm, kẻng khua hội họp, kẻng gõ chia rơm, chia thóc, kẻng bảo đắp đập, vét mương, kẻng báo hỏa hoạn, thiên tai, chết chóc. . . Kẻng làm nên hồn làng nghĩa tình, đông vui.

Ông Tuần theo kẻng ra đồng nhưng khó khăn đủ bề. Ông không có bò để cày, không có người cùng tát. Người ta biết ông chân yếu nên ngại làm chung. Ông đành tự cuốc, tự kéo bừa, tự làm gầu sòng trụ tát. Hiệu quả công việc ông Tuần làm hàng ngày chẳng thua kém mọi người. Nhiều người thấy vậy đề nghị tăng công điểm và bầu ông là xã viên xuất sắc. Ông Tuần thấy vui, ham việc đồng làng. Ông không bỏ lỡ lời kẻng gọi, ngoại trừ đau nằm một chỗ. Ông thích nghe kẻng gọi bình minh lúa đồng reo gió, thích kẻng khua đêm trăng rọi sân làng, thèm kẻng dắt con rước đèn tháng tám. Làng đã quen ông, ông lại thân làng. . .

Cùng xóm có cô Mận lỡ thì. Người không đẹp nhưng mặn mà, có duyên. Nghe đâu cô có người thương đã hy sinh ở chiến trường. Nhà neo đơn, cô ra đồng đơn chiếc. Biết ông Tuần làm được gầu sòng, cô đến nhờ. Ông Tuần vui vẻ nhận lời, làm cho cô chiếc gầu bằng nhôm vừa tát. Thế là đồng hợp tác lại có gầu sòng sóng đôi.

Mùa theo mùa. Nước theo mương, gầu lại theo sòng. Hai chiếc gầu sòng của ông Tuần - cô Mận cùng đung đưa đều khắp ruộng cao ruộng trũng. Làng rộn mùa vui. Một bận, ông Tuần vụng về gợi: “Ấy tát một mình, đây cũng một mình, sao mình không ráp thành một đôi gầu giai cho đỡ cực? Đây tát gầu giai nhẹ tênh chứ không như người ta tưởng!”. Cô Mận mỉm cười nghiêng nghiêng vành nón lá. Rồi đồng lại có thêm đôi bờ sòng gầu giai từ ấy. Đám cưới của ông Tuần và cô Mận diễn ra sau mùa gặt, được làng đứng ra lo liệu. Ông đội trưởng làm chủ hôn họ trai. Ông đội phó làm chủ hôn họ gái. Tiếng kẻng keng keng thay cánh thiệp hồng. . .

Một ngày mùa tất bật. Người gánh lúa về kho; tốp cắt, bó dọc đồng. Từ làng, kẻng thúc đôi dồn dập. Người làm đồng giật mình, nhìn làng thấy khói, vụt hô hoán: “Lửa! Làng có lửa bà con ơi!”. Không cần biết nhà ai, dứt tiếng, người làm đồng đã lao tới làng. Người ta ào đến đám cháy, vừa chạy, vừa giục: “Cháy nhà Tuần bà con ơi!”. Cánh gánh lúa về kho có mặt sớm nhất. Có người đã leo lên được mái tranh giật, đập. Ai nấy sốt việc. Người xách nước, người chuyền, người tạt, người cào. Thoáng chốc, mái lửa được dập tắt. Ông Tuần mặt mũi lấm lem, hổn hển: “Cảm ơn bà con! Không có bà con nhà tôi cháy hết!”. Bà Mận ngồi ôm thằng Muộn, tay run bần bật, nghẹn ngào: “Không có làng chắc con tôi bị thiêu rồi!”.

*

*    *

Vào thời mở cửa - hội nhập, làng ít dùng đến kẻng. Việc làng thường được thông báo qua loa cầm tay. Lão Tuần đã vào tuổi tám mươi. Thằng Muộn - con trai lão đã học xong bác sĩ rồi tình nguyện về làng làm ở trạm xá xã. Bác sĩ lấy vợ làng và sinh được một cu cậu kháu khỉnh. Lão Tuần mừng rỡ nhưng lòng chưa an. Lão thèm nghe tiếng kẻng đến thẫn thờ. Có lúc lão cầm hai lưỡi cuốc va vào nhau, mắt lão mơ màng theo tiếng ngân ngắn ngủi. Lão bảo với tôi: “Kẻng chỉ có tiếng, không có lời nhưng nói được nhiều điều hay. Kẻng đánh thức đời tôi, cho tôi cuộc sống. Chỉ mong sao cuối đời, tôi được nghe một hồi kẻng nữa, rồi đi!”. . .

  • B.T.P
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)
Bất ngờ từ những thí sinh nước ngoài  (03/08/2012)
Một số hình ảnh hoạt động trong ngày khai mạc  (02/08/2012)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (02/08/2012)
Âm vang thơ ca… trên vùng đất Võ  (01/08/2012)
Khai mạc triển lãm ảnh võ thuật, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền và trang phục võ cổ truyền  (01/08/2012)
Dâng sách võ học lên vua Quang Trung  (01/08/2012)
Nét mới - Lễ hội đường phố  (01/08/2012)
Lễ khai mạc - Hứa hẹn một chương trình hoành tráng  (31/07/2012)
Khai trương Trung tâm Báo chí Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV  (31/07/2012)
Hai “điểm nhấn” trước ngày khai mạc  (30/07/2012)
Cơ hội quảng bá đặc sản đất Võ  (29/07/2012)
Làm đẹp thành phố chào mừng Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam  (28/07/2012)