Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012:
Những điều đọng lại
23:21', 4/8/ 2012 (GMT+7)

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - Bình Định 2012 đã diễn ra thành công trên nhiều phương diện, đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát triển võ Việt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn trong công tác tổ chức…

 

Lễ hội đường phố đã tạo nên nét mới cho chương trình Liên hoan. Ảnh: Hoài Thu

 

Sức hấp dẫn của Liên hoan lần này được khẳng định ngay từ chương trình khai mạc. Nhờ được quảng bá rộng rãi nên lễ khai mạc đã lôi cuốn người dân đến ngồi kín các khán đài, kiên nhẫn chờ đợi đến hơn 9 giờ đêm để được thưởng thức chương trình nghệ thuật dàn dựng hoành tráng, ngập tràn những sắc màu… Lễ hội đường phố Võ cổ truyền Việt Nam cũng thực sự tạo được sự mới lạ đối với người xem, với cách “bày tiệc” dân dã nơi đường phố, giới thiệu lần lượt từng màn trình diễn để mọi người có thể tập trung thưởng thức...

Lan tỏa rộng khắp

Đóng góp quan trọng cho thành công của Liên hoan là hoạt động biểu diễn và giao lưu võ thuật không chỉ diễn ra ở 6 võ đường nổi tiếng mà còn ở những di tích, thắng cảnh, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa ở các địa phương. Là nơi “tương tác” trực tiếp giữa các võ sư, võ sĩ với nhau và giữa họ với người dân địa phương, các sàn biểu diễn đã góp phần phát huy vốn quý võ cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Lan, 60 tuổi, ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, chia sẻ: “Được tận mắt theo dõi người nước ngoài biểu diễn võ cổ truyền, người dân chúng tôi rất tự hào; chỉ mong các Liên hoan sau này sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi biểu diễn như vậy”.

Ở Liên hoan lần trước, võ đường Hồ Sừng (thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) đã “lỡ hẹn” với các đoàn vì con đường đi vào võ đường còn khó khăn. Võ sư Hồ Sừng cùng đông đảo học trò rất phấn khởi khi Nhà nước đã đầu tư làm con đường bê tông mới, giúp hai chiếc xe buýt chở 6 đoàn võ thuật trong nước và quốc tế có thể vào đến tận sân vườn nhà. Võ sư Hồ Sừng tâm sự: “Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với võ đường. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội được đón nhiều đoàn võ thuật trong nước và quốc tế về giao lưu. Từ đó, các em võ sinh, người dân ở đây thấy được sự hấp dẫn, lan tỏa khắp bốn phương của võ cổ truyền Việt Nam, góp phần kích thích phong trào võ thuật ở địa phương…”.

Liên hoan lần này đã có sự lan tỏa rộng hơn nhờ có thêm 8 chương trình hưởng ứng diễn ra ở nhiều địa điểm, nhiều địa phương, phục vụ nhiều đối tượng để tạo nên không khí lễ hội thực sự rộn ràng khắp nơi. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, Hội Bài chòi cổ dân gian, Triển lãm trang phục, binh khí và hình ảnh võ cổ truyền Việt Nam qua các kì Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam… có điều kiện đến với công chúng, tạo nên “chất văn” gắn kết, hòa quyện trong những ngày võ. Trong đó, Cúp đối kháng võ cổ truyền Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định là một điểm nhấn quan trọng. Cách thức tổ chức các trận đấu ở khu vực công cộng ngoài trời tạo được không khí hào hứng hơn cho các võ sĩ cũng như người xem, vì vậy đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân mê võ. Và việc đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đoạt cúp toàn đoàn cũng là nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với phong trào tập luyện tại các địa phương trong tỉnh.

 

Hoạt động giao lưu võ thuật cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

- Trong ảnh: Màn song đấu bằng song côn của các võ sĩ môn phái Tráng sĩ đạo Việt Nam đến từ Australia. Ảnh V.TRANG

 

Thoáng băn khoăn

Dù đã được đầu tư nhiều công sức, nhưng Liên hoan lần này vẫn chưa có nhiều những chương trình mang tính “chiều sâu”. Các chương trình chính vẫn có sự lặp lại về nội dung, trong đó, sự đầu tư kinh phí phần lớn dồn vào chương trình nghệ thuật khai mạc là chưa hợp lý và chưa tạo được sự mới lạ, độc đáo. Cuộc thi Người đẹp Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đã qua 3 lần tổ chức, nhưng không có yếu tố mới lạ nên dường như đang “nhạt” dần. Những nhà tổ chức vẫn chưa khai thác, dàn dựng tốt về mặt nội dung để nêu bật ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp võ thuật của cuộc thi mang tầm quốc tế.

Một điều cũng rất đáng được lưu tâm là đến nay, sau 4 lần tổ chức Liên hoan, các đoàn Quốc tế vượt ngàn dặm xa xôi về nhưng hầu như vẫn chỉ tham gia một số ít hoạt động biểu diễn là chính. Một số màn biểu diễn dự kiến có sự tham gia nhiều hơn của các đoàn quốc tế đã không thực hiện được, một phần do các đoàn có mặt quá sát ngày diễn ra Liên hoan. Thực tế này đòi hỏi trong những kỳ Liên hoan tới, cần có thêm sự “đột phá” để đổi mới nội dung, cách dàn dựng các chương trình hoạt động trên cơ sở hướng đến mục đích phải phục vụ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng chính tham gia.

 

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ hội đường phố của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

Trong các hoạt động tại Liên hoan lần này, chương trình ít gây được tiếng vang nhất chính là “Triển lãm sản phẩm làng nghề và ẩm thực Bình Định” tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh. Sở dĩ chương trình này không thành công là do cách thức tổ chức chưa phù hợp và tạo được sức hút. Dù mang tiếng là “ẩm thực Bình Định”, nhưng những món ăn đặc trưng của đất Võ chưa nhiều và chưa tạo được sự quan tâm của du khách. Nếu chúng ta đưa các món ăn đặc sản của Bình Định vào các chương trình chiêu đãi, hoặc tổ chức bằng hình thức “phố ẩm thực” với việc bố trí một cách tự nhiên trên một con đường đẹp, rộng rãi, với các quầy hàng gồm các món ăn của Bình Định, mời các “nghệ nhân” trình diễn cách chế biến các món ăn để thành viên các đoàn xem và thưởng thức thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Có thể nói Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV- Bình Định 2012 thành công trên nhiều phương diện. Liên hoan đã thu hút đông đảo sự quan tâm của giới truyền thông bởi có đến hàng trăm phóng viên các báo, đài từ khắp nơi về dự và đưa tin. Nhưng điều đáng tiếc là Ban Tổ chức chưa có những quy định cụ thể về khu vực dành cho báo chí tác nghiệp tại các sự kiện, nên một số phóng viên gặp phải khó khăn, đặc biệt trong việc ghi lại các hình ảnh.

  • TỔ PV VĂN HÓA - XÃ HỘI

* Helene Trần (Trưởng đoàn Cửu Long võ đạo Pháp):

“Qua 4 lần đến với Liên hoan, tôi thấy lần này Ban Tổ chức đón tiếp các đoàn chu đáo hơn, các chương trình tại Liên hoan đẹp hơn, hoành tráng hơn nhưng vẫn chưa hấp dẫn lắm. Chúng tôi là những người sống xa quê hương và truyền dạy võ cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài, mỗi kỳ Liên hoan là dịp để chúng tôi đưa các môn sinh nước ngoài về đây để họ hiểu hơn về con người, quê hương vùng đất Võ. Chương trình giao lưu với các võ đường cần được tổ chức nhiều hơn, tạo thêm động lực để chúng tôi nhiệt tình tham gia các kỳ Liên hoan tiếp theo…”.

 

* Julia Robert (Huấn luyện viên Giao long quốc tế võ đạo):

“Đối với các võ sinh nước ngoài, tập võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là rèn luyện sức khỏe, mà qua đó, chúng tôi còn làm quen với tiếng nói, văn hóa của các bạn. 2 lần liên tiếp về Việt Nam dự Liên hoan, tôi đều đặc biệt ấn tượng với không khí tại các lò võ. Được chứng kiến người dân địa phương tập võ và say mê theo dõi các buổi biểu diễn võ thuật, chúng tôi càng có thêm động lực để tiếp tục tập luyện võ cổ truyền Việt Nam”. 

 

 

* David Basset (Võ sư Tinh võ đạo):

“Tôi rất vinh dự đại diện cho các môn sinh Tinh võ đạo lần đầu tiên được “hành hương về đất Tổ”, trực tiếp giao lưu với nhiều môn phái khác ngay trên vùng đất của võ cổ truyền Việt Nam. Ở nước ngoài, võ cổ truyền Việt Nam còn mang nặng tính gia truyền. Về Việt Nam tham dự Liên hoan lần này, một trong những mối quan tâm của chúng tôi là việc tăng cường mối giao lưu giữa các võ phái qua việc vận động thành lập Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi rất trông đợi sự ra đời của tổ chức này”.

  • C.TÂM - V.TRANG

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếng làng  (04/08/2012)
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)
Bất ngờ từ những thí sinh nước ngoài  (03/08/2012)
Một số hình ảnh hoạt động trong ngày khai mạc  (02/08/2012)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (02/08/2012)
Âm vang thơ ca… trên vùng đất Võ  (01/08/2012)
Khai mạc triển lãm ảnh võ thuật, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền và trang phục võ cổ truyền  (01/08/2012)
Dâng sách võ học lên vua Quang Trung  (01/08/2012)
Nét mới - Lễ hội đường phố  (01/08/2012)
Lễ khai mạc - Hứa hẹn một chương trình hoành tráng  (31/07/2012)
Khai trương Trung tâm Báo chí Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV  (31/07/2012)
Hai “điểm nhấn” trước ngày khai mạc  (30/07/2012)
Cơ hội quảng bá đặc sản đất Võ  (29/07/2012)