Nhân Liên hoan trình diễn thơ toàn quốc tại Bình Định:
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…
21:47', 5/8/ 2012 (GMT+7)

Tối 6.8, Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố sẽ khai mạc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, nối tiếp sự kiện Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV. Liên hoan thơ do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức này sẽ góp phần thổi một luồng gió mới vào nghệ thuật trình diễn thơ vốn còn gây nhiều tranh cãi.

 

Một tiết mục nghệ thuật với chủ đề “TRƯỚC HÒN VỌNG PHU” tại buổi tổng duyệt. Ảnh: Văn Lưu

 

Chỉ trong tuần đầu tháng 8 này, trên thành phố biển Quy Nhơn đã diễn ra 2 cuộc tụ hội lớn, một cho võ và một cho thơ. Đây thực sự là một thời điểm đáng nhớ.

Tham dự Liên hoan trình diễn thơ toàn quốc lần đầu tiên này có 17 CLB thơ thuộc Trung tâm văn hóa các tỉnh, thành trong cả nước. Thật cảm động khi Liên hoan được đón tiếp một số CLB thơ ở phía bắc xa xôi như CLB thơ Hương Đào tỉnh Sơn La hay CLB thơ Đà Giang tỉnh Hòa Bình. Thủ đô Hà Nội có 2 CLB tham dự là CLB thơ Tháp Bút và CLB thơ Đường. Các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có đến 2 CLB thơ đăng ký tham dự Liên hoan. Các trung tâm thơ của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hải Phòng đều có CLB thơ tham gia Liên hoan. Đơn vị đăng cai Bình Định cũng có 2 CLB thơ tham dự là CLB Văn học Xuân Diệu và CLB Gia đình Áo Trắng Quy Nhơn. Từ hôm qua (5.8), các CLB thơ đã náo nức về thành phố Quy Nhơn dợt lại chương trình chuẩn bị trình diễn.

“Trình diễn thơ” là một khái niệm khá mới mẻ đối với công chúng yêu thơ ở Bình Định. Loại hình nghệ thuật này bắt đầu du nhập và xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2001 với vai trò lớn thuộc về họa sĩ - nhà thơ Như Huy ở TP.HCM nhưng nơi làm cho nó phát triển, “nổi đình nổi đám” lại chính là Hà Nội. Sau hơn 10 năm, loại hình trình diễn thơ vẫn rất hiếm khi rời xa khỏi hai đầu trung tâm đất nước. Và thực sự cho đến bây giờ vẫn chưa có một “chuẩn sàn” nào cho trình diễn thơ. Tuy nhiên qua các cuộc trình diễn thơ đã được tổ chức có thể thấy điểm chung nhất giữa một tác phẩm thơ trình diễn và một tác phẩm nghệ thuật trình diễn là yếu tố giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả được quan tâm hàng đầu. Trình diễn thơ là hình thức kết nối gần nhất giữa nhà thơ và khán giả. Trong suốt buổi trình diễn, khán giả luôn giữ vai trò quan trọng nhất và là một phần không thể tách rời trong mối quan hệ tương tác với nhà thơ. Nói cách khác, trình diễn thơ không phải chỉ là ngâm thơ hay đọc thơ mà đó là ý muốn để tác phẩm thơ của mình đi vào lòng công chúng một cách hiệu quả nhất bằng rất nhiều phương tiện tương tác. Chính vì vậy mà một tiết mục trình diễn thơ thành công phải tác động mạnh mẽ lên mọi giác quan của khán giả. Khán giả cảm xúc cùng bài thơ không chỉ qua ngôn ngữ thơ, giọng đọc, điệu bộ nhà thơ mà bằng nhiều hình thức khác, cả ánh sáng, âm thanh, âm nhạc, màu sắc sân khấu, ngôn ngữ hình thể…

Tuy nhiên, hiện tại có nhiều quan điểm khác nhau về trình diễn thơ và cũng đã có không ít cuộc trình diễn thơ trong nước gây nên dư luận nhiều chiều, thậm chí phản cảm. Chính vì vậy mà theo nhà thơ Tô Nhuần, Trưởng phòng Văn học Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL, Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ trực thuộc Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành lần đầu tiên tổ chức tại Bình Định, hy vọng sẽ góp phần vào việc đề ra một định hướng đúng đắn cho khái niệm “trình diễn thơ” trong thời gian tới.

Tối nay, sau lễ khai mạc Liên hoan là phần trình diễn đầu tiên của CLB Văn học Xuân Diệu - CLB thơ chủ nhà trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Bám vào 3 chủ đề chính mà Liên hoan đưa ra là: Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tình yêu biển đảo quê hương và Uống nước nhớ nguồn nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, CLB Văn học Xuân Diệu đã dàn dựng một chương trình nghệ thuật trình diễn thơ đặc sắc với sự cộng hưởng giữa các tác giả thơ, các nghệ sĩ, diễn viên và ê kíp biên kịch, đạo diễn, biên đạo, âm nhạc...

Hy vọng Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố năm 2012 tổ chức tại Bình Định không chỉ góp phần giúp Bộ VH-TT&DL chọn ra một hình mẫu trình diễn thơ hiệu quả mà còn giúp thổi một luồng sinh khí mới vào các chương trình thơ trong tương lai ở ngay xứ sở của thơ này!

  • QUANG KHANH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dạy võ cổ truyền cho người nước ngoài là truyền bá văn hóa Việt  (05/08/2012)
Những điều đọng lại  (04/08/2012)
Tiếng làng  (04/08/2012)
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)
Bất ngờ từ những thí sinh nước ngoài  (03/08/2012)
Một số hình ảnh hoạt động trong ngày khai mạc  (02/08/2012)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (02/08/2012)
Âm vang thơ ca… trên vùng đất Võ  (01/08/2012)
Khai mạc triển lãm ảnh võ thuật, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền và trang phục võ cổ truyền  (01/08/2012)
Dâng sách võ học lên vua Quang Trung  (01/08/2012)
Nét mới - Lễ hội đường phố  (01/08/2012)
Lễ khai mạc - Hứa hẹn một chương trình hoành tráng  (31/07/2012)
Khai trương Trung tâm Báo chí Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV  (31/07/2012)