Chút xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn
20:21', 6/8/ 2012 (GMT+7)

Quán ăn đặc sản Bình Định thu hút thực khách trước hết bằng những cái tên quán khá độc như Ở Quãy, Nẫu Xì Gòn. Người xứ mình nghe qua vội ghé quán vì đã biết ngay là quán của đồng hương. Người nơi khác cũng thử ghé quán để thỏa trí tò mò cái tên quán là lạ.

Chị Đỗ Ngọc Sương, 29 tuổi, chủ quán Ở Quãy (ở 535 đường 3/2, phường 8, quận 10), vui vẻ chia sẻ, sở dĩ chọn tên quán “Ở Quãy” - theo cách phát âm của người Bình Định nghĩa là “ở ngoài đó”, nghe tên quán chắc hẳn những người Bình Định đều biết, người chưa biết sẽ thấy ngồ ngộ và muốn vào cho biết. Ngoài cái tên rặt tiếng người xứ Nẫu, quán “Nẫu Xì Gòn” (ở 133 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) còn hút mắt người đi đường bằng dòng chữ “Để thâu nhớ quãy” treo bên dưới bảng hiệu. Chị Lê Thị Tuyết Nga, đầu bếp chính của quán Nẫu Xì Gòn cho biết, ông chủ quán vốn là người Bình Định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Yêu và nhớ món ăn quê mình nhưng lại không dễ để tìm thấy chúng giữa nơi đất khách, nên ông quyết định mở quán để những người Bình Định được tìm về quê hương qua các món ăn đậm chất quê.

 

Bảng hiệu độc đáo của quán Nẫu Xì Gòn.

Gây ấn tượng bằng tên quán đậm chất địa phương, nhưng điểm thật sự đủ sức giữ chân thực khách đến với quán lại là hương vị đặc trưng Bình Định. Cô Hồ Thị Dương, 52 tuổi, ở quận Thủ Đức - là khách quen của quán Nẫu Xì Gòn - tâm sự: “Tôi biết đến quán nhờ bạn bè giới thiệu. Thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè, người thân đến quán để được thưởng thức những món ăn với nguyên liệu và hương vị đúng chất quê nhà, như cái bánh xèo đổ cùng tôm đất tươi giòn cuốn rau sống chấm với nước mắm xoài, hay bát bún chả cá, bún sứa, lát hành chua, tương ớt chính hiệu Bình Định…”.

Đầu bếp của quán cũng là người Bình Định nên hương vị của các món ăn không lẫn với món ăn của các miền quê khác. Đa số nguyên liệu chế biến món ăn ở các quán này đều có nguồn gốc từ Bình Định. Chị Đỗ Ngọc Sương cho biết vì muốn giữ nguyên hương vị đặc trưng của món ăn nên chị đã chủ trương nhập nguyên liệu từ Bình Định như hành chua, tương ớt, lá hẹ, chả cá, sứa, tré, nem, bánh tráng… Những nguyên liệu này đều do mẹ chị đặt mua ở các chợ Quy Nhơn rồi gởi theo xe vào.

Còn đầu bếp chính của quán Nẫu Xì Gòn thì bảo các món ăn của quán phải luôn giữ “chất” Bình Định. Chẳng hạn, bánh xèo, bánh ướt, bánh hỏi nhất định phải được làm từ loại gạo tẻ ở quê mình mới tạo ra được vị thơm ngon; phải nem Bình Định thì mới chua chua măn mẳn, giòn giòn sừng sực; tô bún sứa phải được nấu từ loại sứa chân, ăn kèm với xoài xanh thái mỏng, đậu phụng rang giã giập…

Sau một thời gian mở cửa, các quán ẩm thực xứ Nẫu đều đã thu hút được một lượng lớn thực khách từ khắp mọi miền đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Chị Sương chia sẻ: “Tôi rất hy vọng quán “Ở Quãy” không chỉ là chốn gặp gỡ và tìm về của những người con Bình Định xa quê mà còn là nơi để tất cả mọi người thưởng thức nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực xứ Nẫu, qua đó phần nào hiểu được vẻ đẹp con người và quê hương đất Võ dù có thể chưa một lần đặt chân đến Bình Định”.

  • NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xuất bản sách về Chủ tịch Võ Chí Công  (06/08/2012)
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…  (05/08/2012)
Dạy võ cổ truyền cho người nước ngoài là truyền bá văn hóa Việt  (05/08/2012)
Những điều đọng lại  (04/08/2012)
Tiếng làng  (04/08/2012)
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)
Bất ngờ từ những thí sinh nước ngoài  (03/08/2012)
Một số hình ảnh hoạt động trong ngày khai mạc  (02/08/2012)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (02/08/2012)
Âm vang thơ ca… trên vùng đất Võ  (01/08/2012)
Khai mạc triển lãm ảnh võ thuật, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền và trang phục võ cổ truyền  (01/08/2012)
Dâng sách võ học lên vua Quang Trung  (01/08/2012)
Nét mới - Lễ hội đường phố  (01/08/2012)