Kết thúc Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố 2012:
Sẻ chia những sắc màu thơ
21:5', 8/8/ 2012 (GMT+7)

Trong lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố diễn ra tại TP Quy Nhơn đã gặt hái thành công khi tạo ra sân chơi thiết thực cho những người yêu thơ khắp mọi miền đất nước. 

Phần lớn các chương trình của 13 CLB thơ tham gia Liên hoan đều cho thấy sự chuẩn bị khá tốt về nội dung và hình thức thể hiện, đem đến những sắc màu thơ đa dạng, thể hiện được sự rung cảm, đồng điệu của những tâm hồn yêu thơ trong cả nước khi sáng tạo những tác phẩm bám sát 3 chủ đề chính của Liên hoan là Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tình yêu biển đảo quê hương, Uống nước nhớ nguồn…

 

Các tiết mục trình diễn thơ của CLB Văn học Xuân Diệu đã gây được ấn tượng bởi sự mới lạ và giàu cảm xúc.

Ngày hội những người yêu thơ

CLB thơ Tao Đàn mùa xuân của Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An đã đem về Liên hoan một chương trình thơ gây ấn tượng với những tiết mục hát dặm kể về Bác Hồ, những bài thơ xúc động, thể hiện cảm nhận riêng về đề tài thương binh - liệt sĩ. Đại diện duy nhất của TP HCM là CLB Sài Gòn Thi hội cũng đã tạo được ấn tượng tốt qua các tiết mục trình diễn thơ, nhạc giàu cảm xúc. Liên hoan thơ cũng khẳng định dòng thơ Đường vẫn có sức cuốn hút, phát triển qua sự góp mặt của các CLB thơ đường thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội.

Ngoài việc thể hiện các chủ đề theo quy định, Liên hoan còn là dịp để các CLB thơ bày tỏ tình cảm sâu nặng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương. CLB thơ Dáng Kơ Nia (Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai) gây ấn tượng với chương trình mang đậm hơi thở rừng núi đại ngàn qua việc trình diễn bài thơ Rượu cần theo làn điệu dân ca Bana, đem đến nhiều cảm xúc với bài thơ Tượng nhà mồ, bài thơ phổ nhạc Về Ya Ly… CLB thơ Hội Văn hóa doanh nhân (Trung tâm Văn hóa TP Hải Phòng) đem đến chương trình ngập tràn sắc hoa phượng đỏ với nhiều bài thơ sáng tác gắn liền với loài hoa đặc trưng của thành phố cảng này như ca khúc thơ phổ nhạc Thành phố hoa phượng đỏ, bài thơ Nghĩ về sắc phượng, cùng tiết mục hát văn đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ. CLB thơ Đà Giang (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Bình) đem đến không khí của vùng núi rừng Tây Bắc qua những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường, cách thể hiện tác phẩm thơ nồng nàn và sâu lắng, nên đã có 4 tiết mục đạt giải khá của Liên hoan.

Nhà thơ Nguyễn Thị Bình, CLB thơ Đà Giang, tâm sự: “Trải qua 3 ngày di chuyển gần 1.500 cây số để vào TP Quy Nhơn tham dự Liên hoan thơ, mọi mệt mỏi của đoàn chúng tôi đều tan biến khi được sống trong những ngày hội ngộ bạn bè thơ trong khắp cả nước. Giao lưu, thưởng thức nhiều bài thơ, cách trình diễn thơ hay, chúng tôi đã học hỏi được nhiều để nâng cao hơn chất lượng sáng tác, trình diễn thơ…”. 

 

Tiết mục trình diễn bài thơ Hoàng Sa của CLB thơ Dáng Kơ Nia (Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai).

Liên hoan thơ đã thêm sự sinh động hơn qua các gian thơ riêng của các CLB thơ trước sân Trung tâm Văn hóa tỉnh. Phần lớn các gian thơ đều được trưng bày đẹp, giới thiệu các ấn phẩm thơ, thư pháp phong phú, thể hiện sức sáng tạo dồi dào của các hội viên. Nhằm tạo thêm sân chơi thiết thực trong Liên hoan, Hội VHNT tỉnh cũng đã tổ chức cuộc thi thơ nhanh vào tối ngày 7.8. Mỗi CLB thơ đã cử một đại diện tham gia cuộc thi sáng tác thơ nhanh trong khoảng thời gian 15 phút, có chủ đề quê hương, đất nước, con người Bình Định. Kết quả nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân (CLB Văn học Xuân Diệu, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định) cùng nhà thơ Đỗ Đức Yên (CLB thơ Hoa Sen, Trung tâm Văn hóa TP Vũng Tàu) đoạt giải nhất. 

Gợi mở cho “trình diễn” thơ  

Sáng ngày 8.8, Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố đã bế mạc. Ban tổ chức Liên hoan đã trao: 5 giải xuất sắc toàn đoàn cho các đơn vị: Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội, Trung tâm Văn hóa tỉnh Gia Lai.

Ban tổ chức cũng đã trao 7 giải xuất sắc, 39 giải khá cho các tiết mục tham gia Liên hoan. Trong đó, CLB Văn học Xuân Diệu có 2 tiết mục thơ phổ nhạc đạt giải xuất sắc là Trước Hòn Vọng Phu (thơ Văn Trọng Hùng, nhạc Vũ Trung), Làng ven sông (thơ Lệ Thu, nhạc Lê Trung Tín). 

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, tổng kết: “Liên hoan được tổ chức nhằm góp phần định hướng hoạt động của các CLB thơ bám sát những chủ trương hoạt động của Đảng, Nhà nước. Đồng thời giúp cho Cục Văn hóa cơ sở chỉ đạo các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố thực hiện tốt chức năng tổ chức hoạt động cho các CLB thơ. Đây cũng là lần đầu tiên có một cuộc họp mặt của CLB thơ ở khắp các vùng, miền trong cả nước, với nhiều hình thức trình diễn thơ phong phú, sáng tạo có chất lượng nghệ thuật cao…”. Tuy nhiên, những ai trông chờ vào những hình thức mới thực sự mang tính “trình diễn” trong Liên hoan, thì đều ít nhiều thất vọng. Phần lớn các chương trình trình diễn thơ của CLB thơ trong Liên hoan cũng chỉ ở những hình thức quen thuộc như đọc, ngâm, hát thơ phổ nhạc…

Chương trình trình diễn thơ của CLB Văn học Xuân Diệu (Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định) được dàn dựng khá công phu, kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật để làm nên các tiết mục được kết nối tốt xuyên suốt các chủ đề của chương trình thông qua khả năng dẫn dắt của các ca sĩ, nhà thơ. Trong đó, được nhiều người đánh giá có sự mới lạ, gây nhiều cảm xúc là những tiết mục trình diễn thơ Trường Sa, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan, nhận xét: “Các tác phẩm trong Liên hoan đã thể hiện các nhà thơ Bình Định không chỉ yêu quý, tự hào quê hương, mà còn mở rộng ra với mọi miền đất nước để lắng nghe tiếng chuông nơi thành cổ Quảng Trị, tiếng gọi của những người anh hùng liệt sĩ trong hang tối mịt mùng… để sáng tạo nên những tác phẩm thơ đặc sắc”.  

Liên hoan cũng cho thấy hướng gợi mở thêm cho những cách trình diễn thơ thông qua các làn điệu cải lương, bài chòi, làn điệu dân ca ở các vùng miền. NSND Hoài Huệ, thành viên Ban giám khảo Liên hoan, góp ý: “Khi một bài thơ được chuyển thể qua làn điệu dân ca hay các hình thức diễn tấu khác thì phải đảm bảo chuyển tải được nội dung, ý nghĩa của bài thơ, chứ không nên bớt lời đi một cách tùy tiện. Điều cần lưu ý là phần thơ chuyển thể khi trình diễn phải thể hiện rõ được lời, chứ không phải nhòe và khó nghe như một số CLB đã thể hiện…”.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ra mắt sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”  (08/08/2012)
Hội ngộ hồn thơ bốn phương   (06/08/2012)
Chút xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn  (06/08/2012)
Xuất bản sách về Chủ tịch Võ Chí Công  (06/08/2012)
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…  (05/08/2012)
Dạy võ cổ truyền cho người nước ngoài là truyền bá văn hóa Việt  (05/08/2012)
Những điều đọng lại  (04/08/2012)
Tiếng làng  (04/08/2012)
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)
Bất ngờ từ những thí sinh nước ngoài  (03/08/2012)
Một số hình ảnh hoạt động trong ngày khai mạc  (02/08/2012)
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần IV - năm 2012  (02/08/2012)
Âm vang thơ ca… trên vùng đất Võ  (01/08/2012)