Xem đội nhạc võ Tây Sơn của Bảo tàng Quang Trung biểu diễn nhiều lần trong những năm gần đây, tôi có cảm giác độ cuốn hút đang giảm sút… Sự thiếu hấp dẫn này một phần là do đội chưa có thêm được những hình thức biểu diễn mới.
|
Đội nhạc võ Tây Sơn của Bảo tàng Quang Trung đang biểu diễn tại hoa viên Quang Trung (TP Quy Nhơn).
|
Đội nhạc võ Tây Sơn của Bảo tàng Quang Trung đang gặp khó khăn về nhân lực. Nghệ nhân đánh trống Nguyễn Thị Thuận đã có tuổi trong khi các gương mặt kế cận dù đã đào tạo nhưng ít thấy xuất hiện trong các chương trình biểu diễn. Không chỉ thế, khi đội nhạc võ Tây Sơn được mời biểu diễn ở những không gian rộng lớn trong các hoạt động lễ hội, thì âm thanh nhạc võ có vẻ bị “lép” trước âm thanh của các loại hình âm nhạc hiện đại khác. Vì vậy, chương trình biểu diễn của đội nhạc võ Tây Sơn cần được quan tâm để trở nên hoành tráng, đa dạng và gây được ấn tượng mạnh hơn nữa.
Võ sư Hồ Bửu, Giám đốc Võ đường Tây Sơn- Bình Định tại Virginia- Mỹ, trong chuyến về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV vừa qua chia sẻ, ông đang thực hiện tâm huyết quảng bá nhạc võ Tây Sơn đến bạn bè quốc tế. Điều đặc biệt là nhạc võ Tây Sơn mà võ sư Hồ Bửu chuẩn bị quảng bá có hình thức độc đáo riêng. Ông đã đặt làm ở TP Hồ Chí Minh và chuyển sang Mỹ 12 cái trống kích thước lớn, trong đó cái lớn nhất có đường kính 1,2 m. Để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhiều năm qua, võ sư Hồ Bửu đã nghiên cứu nhạc võ Tây Sơn, tuyển chọn các võ sinh có trình độ võ thuật và kiến thức âm nhạc để đào tạo đánh trống. Võ sư Hồ Bửu bố trí nhiều võ sinh cùng đánh trống một lúc trên nền nhạc võ Tây Sơn, cùng cách đánh “võ trống” bằng các động tác võ thuật để tạo sự mạnh mẽ, đẹp mắt, hoành tráng khi ra mắt người xem tại Mỹ trong thời gian tới.
Đây có thể là hướng phát huy nhạc võ Tây Sơn cần được nghiên cứu, tạo điều kiện cho đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung tập luyện các hình thức biểu diễn mới nhằm tạo thêm ấn tượng.
Vừa qua, Công ty TNHH Mỹ Phát đã tặng lại cho Bảo tàng Quang Trung dàn trống sấm 9 chiếc đều có kích thước rất lớn. Nếu quan tâm tạo điều kiện cho đội nhạc võ Tây Sơn có thêm được nguồn nhân lực, đồng thời mời các nhạc sĩ, nhạc công giỏi âm nhạc truyền thống sáng tác những bài trống mang âm hưởng nhạc võ Tây Sơn, truyền dạy cách đánh trống một cách bài bản… thì dàn trống sấm này sẽ hỗ trợ tốt, hoành tráng hơn cho màn biểu diễn trống trận của đội nhạc võ Tây Sơn. Đặc biệt là trong các dịp lễ hội Đống Đa hằng năm tại Bảo tàng Quang Trung.
Bảo tàng Quang Trung đang thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng để xứng tầm hơn. Đội nhạc võ Tây Sơn cũng là một trong những bộ phận quan trọng cần được nâng cấp để tiếp tục trở thành điểm nhấn hiệu quả trong việc quảng bá, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Bảo tàng Quang Trung. Vì vậy, ngoài biểu diễn trống trận Tây Sơn là chủ đạo như hiện nay, Bảo tàng cần nghiên cứu, dàn dựng thêm những tiết mục biểu diễn trống ấn tượng khác trên nền tảng nhạc võ Tây Sơn.
Thử nghĩ đến viễn cảnh không xa, đội nhạc võ Tây Sơn sẽ biểu diễn ở khoảng sân rộng lớn trước tượng đài Quang Trung ở Bảo tàng theo đội hình trọng tâm là dàn trống trận Tây Sơn lâu nay, nhưng thêm sinh động hơn với đội võ sĩ biểu diễn trống bằng động tác võ thuật, cùng âm thanh rền vang của dàn trống sấm được kết hợp hòa quyện, hỗ trợ lẫn nhau trong một chương trình biểu diễn. Chắc chắn du khách trong nước và quốc tế sẽ vô cùng ấn tượng…
Hoạt động suốt mấy chục năm qua, đội nhạc võ Tây Sơn đã góp phần tạo nên “phần hồn” cho Bảo tàng Quang Trung, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc độc đáo của vùng đất võ. Hằng năm, đội nhạc võ Tây Sơn ngoài việc thực hiện hàng trăm chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, còn được mời tham gia phục vụ tại các lễ hội lớn của tỉnh và nhiều địa phương khác trong nước. |
|