La Sinh Môn
19:22', 11/8/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke (Nhật Bản)

Chạng vạng tối, có một gã nô bộc trú mưa tại La Sinh Môn.

Bên dưới cổng thành rộng lớn, ngoài hắn ra chẳng còn ai khác, chỉ thấy một chú dế đang ngồi chồm chỗm trên đầu một cây trụ tròn to sơn son thếp vàng đã tróc lở loang lổ. La Sinh Môn tọa lạc trên đại lộ Chu Tước vốn không thiếu khách bộ hành nam thanh nữ tú diện nón lá, mũ mềm trú mưa ở đó, nhưng hiện tại chỉ có mỗi mình gã nô bộc hết thời ở đấy mà thôi.

Vì sao lại như vậy? Vì rằng mấy năm trở lại đây liên tiếp gặp phải những trận động đất, gió bão, hỏa hoạn nặng nề, mất mùa đói kém liên miên, kinh thành vô cùng thê lương hoang vắng. Theo những gì còn ghi chép lại từ thời ấy, hồi đó có những tượng Phật bằng gỗ, những hoành phi câu đối sơn son thếp vàng bị đập vỡ mang ra bỏ bên đường để bán làm củi. Tình cảnh ở kinh thành như thế nên việc tu sửa La Sinh Môn đương nhiên là chẳng ai quản nữa. Trong khung cảnh thê lương hoang phế đó, lũ chồn cáo và bọn gian manh cướp bóc thừa cơ tìm đến nơi này trú ngụ. Về sau, thậm chí đã thành thói quen, những xác chết vô chủ bị đem vứt ở đó. Vì vậy, khi mặt trời vừa lặn, không khí nơi đây vô cùng ảm đạm, chẳng ai dám đến đây nữa.

Vậy mà, chẳng biết từ đâu, hàng đàn quạ đen lũ lượt kéo đến. Ban ngày chúng lượn lờ trên không om sòm táo tác. Ban đêm chúng đậu la liệt trên đỉnh lầu cổng thành. Đương nhiên là lũ quạ tụ tập tới đây để ăn xác người chết, chúng thải ra những bãi phân lốm đốm trắng khắp nơi. Gã nô bộc mặc chiếc áo khoác quý đã lâu không giặt, đặt đít ngồi lên bậc thềm cao nhất trên chiếc cầu thang bảy bậc, tay mân mê vết loét trên má phải, mù mờ vô thức chờ mưa tạnh.

Gã nô bộc trú mưa? Đúng vậy. Nhưng cơn mưa tạnh đã lâu mà gã vẫn ngồi im tại chỗ. Đúng ra là gã phải về nhà người chủ cũ, tuy nhiên, cách đây bốn năm hôm, ông chủ cũ đã cho gã thôi việc. Như trên đã nói, lúc bấy giờ kinh thành rất tiêu điều, cho nên việc gã nô bộc bị lão chủ nhiều năm nay cho thôi việc cũng là điều dễ hiểu, nó chẳng khác nào dư ba của một cơn sóng lớn mới tràn qua! Chuyện trú mưa của gã nô bộc thực ra chỉ là một cái cớ. Gã chẳng biết phải đi đâu. Mà thời tiết hôm nay càng làm cho gã u sầu, buồn thảm. Cơn mưa từ đầu giờ thân tới giờ dậu vẫn chưa dứt hẳn. Gã nô bộc vẫn không thôi suy nghĩ xem ngày mai sẽ sống thế nào? Tiếng mưa rơi trên đại lộ Chu Tước vẫn đều đều vọng đến tai gã.

Mưa vẫn rơi rào rào trên La Sinh Môn. Từng đám mây đen nặng trĩu bay xiên trên đỉnh lầu cổng thành.

“Phải tìm cách gì để sống chứ, nếu không thì chết đói mất?” ; “ Bới đống rác rưởi có lẫn xác chết tìm cái ăn ư, ghê rợn quá!” ; “ Hay là... đi ăn cướp? Nhưng liệu mình có dám làm?”. Gã hắt xì hơi một tràng dài rồi đờ đẫn bước đi. Màn đêm đã kịp phủ xuống nơi cổng thành, từng luồng gió lạnh buốt thổi thốc tới không chút nể nang khách khí khiến cho gã nô bộc run lên. Con dế trên cây trụ cổng đã biến mất tự bao giờ.

Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) là nhà văn cận đại Nhật Bản nổi tiếng về thể loại truyện ngắn, trường phái tân hiện thực Nhật Bản - khuynh hướng dung hòa giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy mỹ.

Gã nô bộc rụt cổ lại, kéo vạt áo khoác phủ qua vai, nhìn ngó mông lung dường như muốn tìm lấy một nơi kín đáo vừa để tránh gió vừa không bị ai nhòm ngó, có thể yên tĩnh ngủ qua đêm. Gã chợt phát hiện ra thang gác dẫn lên lầu cũng sơn son thếp vàng và khá rộng rãi. Nhìn lên lầu thấy có mấy người nhưng họ đều đã chết. Gã đưa tay sờ vào thanh gươm dắt bên lưng, nhấc chân với chiếc giày cỏ đặt lên bậc cuối của cầu thang.

Một lát sau, gã nô bộc nhìn thấy ở khoảng giữa cầu thang có một người co rúm tựa một con mèo đang lấm lét nhìn quanh. Dưới ánh lửa lúc mờ lúc tỏ gã nhìn thấy một người đàn ông với chòm râu ngắn ngủn và một vết loét to bên má phải, đương nhiên đó cũng là một xác chết. Lên thêm mấy bậc nữa gã nô bộc nhìn thấy một người đang đốt lửa, ánh lửa chập chờn lay động làm ánh lên mơ hồ mấy tấm mạng nhện giăng trên trần lầu. Gã hiểu rất rõ, kẻ đốt lên ngọn lửa kia dứt khoát không thể là một người tầm thường.

Gã nô bộc như một con thạch sùng chợt đứng khựng lại, hiểu ra rằng chẳng hề dễ dàng chút nào để bước tới bậc cao nhất của cầu thang, liền áp sát người xuống thấp, vươn cổ ra  thận trọng nhìn lên lầu. Ở đó đang có mấy thi thể bỏ ngổn ngang, bừa bãi. Ánh lửa yếu ớt, bập bùng đủ để nhìn thấy những xác người cả nam lẫn nữ trần truồng, còm nhom, rách rưới. Những thi thể này chẳng có vẻ gì là những người đã từng sống, nó giống những con tò he hơn, há hốc mồm, thè lưỡi, tay dang ra nằm sõng soài trên đất.

Mùi hôi thối xộc lên nồng nặc từ đám xác chết khiến gã nô bộc phải bịt mũi lại. Nhưng ngay lúc đó gã đột nhiên giật nẩy mình không còn cảm thấy hôi thối nữa: ngồi xổm trong đống xác chết là một người đàn bà già nua vừa lùn vừa ốm trông như một con khỉ mặc chiếc áo màu cọ xám. Tay phải mụ ta cầm cây đuốc bằng cành tùng đang cháy, mắt chăm chăm nhìn vào mặt người chết bên cạnh, một người có mái tóc đẹp, hình như là một cô gái.

Gã nô bộc vừa hoảng sợ vừa hiếu kỳ, bị kích động quá mạnh khiến cho tim gã như ngừng đập. Quả như người xưa nói, gã sợ đến sởn tóc gáy! Mụ già bỏ cây đuốc xuống nền nhà, hai tay nâng đầu người đàn bà đã chết, và… giống như khỉ mẹ bắt rận cho khỉ con, mụ nhổ từng sợi từng sợi tóc người chết.

Nhìn thấy cảnh tượng đó, nỗi sợ hãi trong lòng gã nô bộc từ từ biến mất, đồng thời lòng căm giận đối với mụ già mỗi lúc một dâng lên. Chỉ trước đây ít phút gã nô bộc không hề do dự khi phải chọn việc có thể chết đói thay vì đi làm kẻ cướp thì bây giờ ý nghĩ của gã đã hoàn toàn thay đổi. Bó đuốc cành tùng bốc cháy phần phật trên sàn gác.

Gã nô bộc không hiểu vì sao mụ già lại nhổ tóc người chết và cũng chưa thể phán đoán rõ ràng việc đó là đúng hay sai, chỉ biết rằng, trong một đêm mưa gió như thế này việc lần mò nhổ tóc người chết là một tội ác không thể tha thứ được! Đương nhiên gã nô bộc quên khuấy rằng chính gã cũng vừa quyết định sẽ trở thành kẻ cướp.

Gã nô bộc sờ tay vào chuôi gươm, lao thẳng tới trước mặt mụ già. Mụ già kinh hoàng  bỏ chạy.

“Đứng lại!” - Gã nô bộc bước tránh những xác chết dưới chân, đuổi theo mụ già, quát lớn. Mụ già cố đẩy gã ra để chạy thoát nhưng gã đã kịp kéo tay mụ lại, hai người xoắn lấy nhau trong đống xác chết. Chẳng lâu la gì, gã nô bộc đã quật ngã mụ đàn bà xuống sàn gác, giữ chặt hai cánh tay gầy guộc của mụ như đang nắm cặp chân gà.

“Mụ đang làm gì, nói mau! Nếu không ta giết!”.

Gã nô bộc kéo mụ già đứng dậy, rút gươm ra khỏi vỏ, huơ huơ trước mặt. Mụ già nín lặng, người run bắn lên như cầy sấy, mắt mở to kinh hãi. Gã nô bộc ý thức được rằng, mạng sống của mụ ta hoàn toàn nằm trong tay mình, nên hả dần cơn giận và muốn biết chuyện gì đã xảy ra, liền cúi xuống nhìn mụ già chậm rãi nói:

“Ta không phải là quan tuần tra mà chỉ là khách qua đường, không thể bắt trói mụ được. Hãy nói cho ta biết vì sao mụ lại ở đây vào lúc này? Cuối cùng thì mụ đã làm gì?”.

Với hai hốc mắt đỏ bầm của loài chim ăn thịt, mụ già ngước nhìn gã nô bộc, thở hổn hển và phát ra một giọng khàn khàn như loài quạ:

“Nhổ tóc… Nhổ tóc… để làm tóc giả mà…”.

Nghe mụ già trả lời, gã nô bộc cảm thấy rất thất vọng, gã thấy khinh miệt hơn là căm giận. Thấy thái độ của gã nô bộc có dịu đi đôi chút, mụ già vừa nắm chặt lọn tóc của người chết vừa phát ra cái giọng ì oạp như cóc nhái, phân trần:

“Nhổ tóc người chết là không đúng rồi, có điều, những người này, lúc sống họ cũng đã từng làm những nghề thất nhân tâm như vậy. Người đàn bà mà lão nhổ tóc đây lúc trước đã bắt rắn lấy thịt phơi khô làm cá khô bán cho lính. Nếu không chết vì bệnh dịch, lúc này mụ ta sẽ cũng làm như thế. Cá khô của mụ ngon lắm, lính mua tới tấp có lúc không có mà bán. Mụ ta làm thế cũng đâu có xấu, bởi nếu không mụ sẽ chết đói! Ông bảo lão làm việc xấu, nhưng không làm lão chết đói mất, có cách nào khác nữa đâu, chắc là bà ta sẽ tha tội cho lão thôi”. Đại thể là mụ già đã nói những lời như thế.

Gã nô bộc tra gươm vào vỏ, tay trái nắm chuôi gươm, tay phải sờ lên chỗ loét trên má phải, lạnh lùng nghe mụ già nói. Lúc này sự tức giận lại bùng lên trong lòng gã. Không còn sự chọn lựa nào nữa, gã đã quyết định.

“Sự thực là như thế sao?”

“Đúng là như vậy, thưa ông!”

Câu trả lời của mụ già vừa dứt, gã nô bộc cười gằn một tiếng, bước lên trước một bước, tay phải kéo mạnh vạt áo khoác của mụ già, hung hãn nói:

“Vậy thì ta sẽ lột chiếc áo này của mụ! Chớ oán hận ta làm gì! Nếu không làm thế ta cũng sẽ chết đói!”.

Gã nô bộc lột sạch quần áo của mụ già, đạp mụ ngã sấp vào đống xác chết, sải bước tới cửa thang gác, dưới nách là bộ áo quần màu cọ xám vừa cướp được, lao thẳng xuống thang gác, mất hút giữa đêm mưa mù mịt.

Chẳng bao lâu sau, mụ già tưởng như đã chết, thân thể lõa lồ, lồm cồm bò dậy từ đống tử thi, mồm lẩm nhẩm những gì không rõ, nhờ ánh sáng chập chờn của ngọn đuốc cành tùng, bò đến cửa thang gác, vuốt vuốt mớ tóc bạc trắng, ngắn cũn, rối bù trên đầu, nhìn vọng ra xa. Bên ngoài là một màn đêm đen kịt.

Không ai biết gã nô bộc đi đâu về đâu!

  • TRÀ LY (dịch)

(từ bản Trung văn của Lâu Thích Di, trong tập “Đại toàn tập Truyện ngắn hay nhất” Quyển thượng. NXB Văn nghệ Bách Hoa Châu, thành phố Nam Xương, Trung Quốc, tháng 1.2011)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghĩ về hình thức mới của nhạc võ Tây Sơn  (09/08/2012)
Chất lượng chương trình phát thanh tiếp tục được nâng cao  (09/08/2012)
Nghĩ khác để... làm khác  (08/08/2012)
Sẻ chia những sắc màu thơ  (08/08/2012)
Ra mắt sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”  (08/08/2012)
Hội ngộ hồn thơ bốn phương   (06/08/2012)
Chút xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn  (06/08/2012)
Xuất bản sách về Chủ tịch Võ Chí Công  (06/08/2012)
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…  (05/08/2012)
Dạy võ cổ truyền cho người nước ngoài là truyền bá văn hóa Việt  (05/08/2012)
Những điều đọng lại  (04/08/2012)
Tiếng làng  (04/08/2012)
Thành công tốt đẹp  (04/08/2012)
“Võ cổ truyền Việt Nam giúp tôi tự tin”  (04/08/2012)
Ấn tượng “Lễ hội đường phố”  (03/08/2012)