Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở huyện Phù Cát:
Ít và chưa phát huy hiệu quả
19:50', 13/8/ 2012 (GMT+7)

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động văn hóa- thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở. Tại huyện Phù Cát, do nhiều nguyên nhân nên TCVHCS chưa thật sự phát huy hiệu quả sử dụng.

Số lượng ít, hiệu quả thấp

Nằm trên địa bàn thị trấn Ngô Mây, các TCVH cấp huyện tiêu biểu của Phù Cát có thể kể đến: Bảo tàng huyện, Thư viện, Nhà thi đấu đa năng, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên, Công viên văn hóa Ngô Mây, Khu Quảng trường văn hóa huyện. Ít về số lượng và những địa chỉ văn hóa này cũng chưa phát huy được hiệu quả sử dụng. Tại thị trấn Ngô Mây, hiện vẫn còn tồn tại một cơ sở văn hóa khá quan trọng là Rạp chiếu bóng Ngô Mây, tọa lạc ở vị trí đắc địa nhưng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

 

Doanh nghiệp tư nhân Cát Việt đã đầu tư xây dựng khu sinh hoạt văn hóa - thể thao tại thị trấn Ngô Mây.

- Trong ảnh: Chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo.

Cùng tình trạng như vậy, gọi là Nhà thi đấu đa năng nhưng quy mô hoạt động của cơ sở này không đủ đáp ứng nhu cầu tập luyện, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Nhà thi đấu cũng chỉ phục vụ 3 môn: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền; vì thế nhiều người dù yêu thích chơi đá bóng, tennis… cũng đành ngậm ngùi! Anh Võ Ngọc Thanh, người chơi cầu lông hàng ngày tại Nhà thi đấu, cho biết: “Sáng nào, tôi cũng phải tranh thủ đến sớm để giành sân, chứ đi muộn 10-15 phút là không còn chỗ, khổ nhất là dịp hè phải ngồi ngoài chờ đến lượt chơi. Nhà thi đấu có 4 sân cầu lông, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu; tương tự ở môn bóng bàn và bóng chuyền cũng vậy!”. Do khả năng phục vụ khiêm tốn của Nhà thi đấu nên hầu như chỉ đáp ứng được nhu cầu chơi thể thao của người dân tại thị trấn; còn người dân các xã lân cận như Cát Tân, Cát Tường, Cát Hanh dù có nhu cầu, sở thích cũng đành chịu thiệt.

Đầu năm 2012, Doanh nghiệp tư nhân Cát Việt đã từng bước đưa vào hoạt động Khu sinh hoạt văn hóa - thể thao (khu phố An Bình, thị trấn Ngô Mây), tổng diện tích trên 10.000 m2, phục vụ các môn thể thao: bóng đá (sân cỏ nhân tạo), bida, bóng chuyền, tennis, cầu lông, hồ bơi, ngoài ra còn có khu trưng bày sinh vật cảnh và hội trường tổ chức sự kiện. Sự ra đời và hoạt động của cơ sở thể thao tư nhân này đã bổ sung kịp thời, cùng với Nhà thi đấu huyện, phục vụ tốt hơn nhu cầu tập luyện thể thao của người dân trong huyện.

Đến nay, Phù Cát vẫn là “vùng trắng” về thiết chế Nhà văn hóa cấp xã. Tuy 18 xã, thị trấn của huyện đều đã được xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng, song chủ yếu làm nơi họp hành cho cán bộ, nhân dân địa phương, còn thiếu nhiều điều kiện và trang thiết bị để có thể hoạt động thay thế cho thiết chế Nhà văn hóa. Toàn huyện chỉ có 2 xã tổ chức được thư viện xã là Cát Sơn và Cát Lâm, nhưng theo thời gian cả 2 thư viện này cũng không còn hoạt động!

 

Phù Cát là huyện duy nhất trong tỉnh đầu tư xây dựng và duy trì tổ chức được Bảo tàng cấp huyện. Do vậy, cần phát huy tối đa hiệu quả thiết chế văn hóa này.

Cần đầu tư xây dựng bổ sung

Sự khiêm tốn về số lượng của hệ thống TCVHCS huyện Phù Cát đặt ra vấn đề cần được xây dựng, bổ sung để phát huy vai trò phục vụ đời sống văn hóa ở cơ sở. Để giải quyết tình trạng này không chỉ trông chờ vào kinh phí của Nhà nước, mà cần phải huy động các nguồn lực xã hội.

Ông Võ Văn Long, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phù Cát, cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống TCVH của huyện Phù Cát khá nghèo nàn là công tác xã hội hóa văn hóa - thể thao của huyện phát triển chưa mạnh. Hiện nay, 18/18 xã, thị trấn của huyện đều triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, quy hoạch quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa - thể thao… Đồng thời, việc đáp ứng 2/19 tiêu chí về thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình xây dựng đời sống văn hóa thí điểm tại 2 xã Cát Trinh, Cát Khánh hy vọng sẽ góp phần từng bước cải thiện bộ mặt của hệ thống TCVHCS của huyện”.

Cũng cần nói thêm rằng, Phù Cát là huyện duy nhất của tỉnh đầu tư xây dựng và duy trì tổ chức được TCVHCS như Bảo tàng cấp huyện. Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư, các TCVH ở Phù Cát cũng cần năng động, đổi mới quản lý, hoạt động để tránh thực trạng vừa nghèo vỏ, vừa rỗng ruột.

  • TƯỜNG MINH - THỤC QUYÊN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ VII- 2012  (12/08/2012)
Trò quê  (11/08/2012)
Xanh mát sân trường  (11/08/2012)
La Sinh Môn   (11/08/2012)
Nghĩ về hình thức mới của nhạc võ Tây Sơn  (09/08/2012)
Chất lượng chương trình phát thanh tiếp tục được nâng cao  (09/08/2012)
Nghĩ khác để... làm khác  (08/08/2012)
Sẻ chia những sắc màu thơ  (08/08/2012)
Ra mắt sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”  (08/08/2012)
Hội ngộ hồn thơ bốn phương   (06/08/2012)
Chút xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn  (06/08/2012)
Xuất bản sách về Chủ tịch Võ Chí Công  (06/08/2012)
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…  (05/08/2012)
Dạy võ cổ truyền cho người nước ngoài là truyền bá văn hóa Việt  (05/08/2012)
Những điều đọng lại  (04/08/2012)