Từ thời Đào Tấn, những hình tượng nhân vật là đồng bào dân tộc thiểu số đã được các nhà soạn tuồng xây dựng khá đầy đủ và chăm chút, như: Tiều phu, Tiết Cương, Châu Thương. Mô tuýp nhân vật này thường được xây dựng tay xách búa đốn củi, râu quai nón, cách bước chân thể hiện đặc trưng của người dân và cuộc sống vùng cao. Đặc biệt, Đào Tấn đã sáng tạo ra nhân vật Hồ Nô là một cô gái người Thượng rất thật thà, thủy chung, đôn hậu và gan dạ. Trong vở tuồng Hộ Sanh Đàn của Đào Tấn, hình tượng cô gái người Thượng Hồ Nô gắn liền với hình tượng Kỷ Lan Anh đã tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đào Tấn còn đưa cả những làn điệu Lý Thượng dành riêng cho nhân vật Hồ Nô hát. Vì thế, hình ảnh Hồ Nô được nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn say sưa, hứng khởi và được nhiều người xem thích thú, ấn tượng.
|
Nắng soi dòng suối Păng Pơi - vở tuồng có đề tài về đồng bào dân tộc thiểu số rất thành công của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. |
Còn hình tượng Thạch Sanh, tuy không phải là đồng bào dân tộc ít người nhưng lại là một con người: “Núi rừng quen bước tới lui, Chim thú vốn là bè bạn”. Việc đưa Thạch Sanh từ một nhân vật nổi tiếng trong cổ tích dân gian Việt Nam vào nghệ thuật tuồng và dàn dựng như một nhân vật trung hậu của đồng bào miền núi với cuộc sống ngày ngày lên rừng đốn củi, đốt than, thấy tiền bạc không ham chỉ trọng điều nhân nghĩa; đã thể hiện được cuộc sống đoàn kết, gắn bó với các dân tộc miền núi và gây được nhiều cảm tình với khán giả thuộc dân tộc ít người khi xem vở tuồng này của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Những vở tuồng hiện đại viết về dân tộc ít người của tuồng Bình Định cũng có khá nhiều, có thể kể đến: Nắng soi dòng suối Păng Pơi, Những người con của tác giả Nguyễn Thứ; Giấu mặt hay Mối tình qua tết Li Boong của tác giả Kim Anh; Khởi nghĩa Ba Tơ của tác giả Kim Hùng; Tình cá nước của tác giả Dũng Hiệp; Chuyện tình nàng Sa Mi của Lưu Mộng Long; Chuyện tình Âu Lạc của Phùng Dũng, đều là những câu chuyện có tình tiết hấp dẫn và nêu bật hình tượng cao đẹp của những dân tộc miền sơn cước. Đó là những tù trưởng, tộc trưởng như Si Thoong, Sơn Tùng; là công chúa như Sa Mi, Nàng Mai; có người thì áo thô khố vải, nông dân, tiều phu một đời sống trong núi rừng hoang dã nhưng tấm lòng hào hiệp, anh hùng như Y Tích, Y Ro, Xi Pua, Kan Mên, Kan Bé… đã góp phần tô đẹp thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vở tuồng Nắng soi dòng suối Păng Pơi đi diễn ở đâu cũng được khán giả nồng nhiệt tán thưởng. Thậm chí, các đoàn tuồng nghiệp dư cũng dàn dựng vở này để tham gia các hội thi, hội diễn và biểu diễn phục vụ đồng bào địa phương mình, như Đoàn tuồng Dương Cốc (Hà Tây), Đoàn tuồng Gia Lâm (Hà Nội).
Trong các vở tuồng lịch sử về đề tài Quang Trung, như: Quang Trung đại phá quân Thanh, Tây Sơn tụ nghĩa, các tác giả, đạo diễn, diễn viên đã cùng đồng cảm, sáng tạo và thể hiện thành công hình tượng nhân vật thuộc dân tộc ít người vùng cao, mà tiêu biểu là hình tượng bà Chúa lửa.
Song song với hoạt động sáng tác, dàn dựng, Nhà hát Tuồng Đào Tấn còn biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi trong và ngoài tỉnh. Tiếng hát tuồng âm vang, tiếng trống, chiêng rộn ràng của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã chiếm được cảm tình của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chúng ta chưa làm tốt việc biểu diễn phục vụ nghệ thuật tuồng cho đồng bào các dân tộc miền núi, bởi số lượng buổi diễn, vở diễn chưa nhiều, chưa đa dạng và thời gian phục vụ chưa đều đặn, địa bàn phục vụ cũng chưa rộng khắp. Đây là những điều mà chúng ta cần phải khắc phục!
|