Trùng tu, tôn tạo di tích ở TP Quy Nhơn:
Đã có tín hiệu vui
22:26', 15/8/ 2012 (GMT+7)

Thời gian gần đây, một số di tích tiêu biểu trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Đây là tín hiệu vui trong bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. 

1. Chùa Ông Nhiêu (253 Bạch Đằng) được xây dựng năm 1837, gắn liền với quá trình định cư của người Việt ở đô thị Quy Nhơn. Đây là kiến trúc gỗ đồ sộ nhất và cổ xưa nhất còn tồn tại ở Quy Nhơn, được UBND tỉnh công nhận di tích năm 2002. Trước tình trạng xuống cấp của Chùa Ông Nhiêu, nhiều năm qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu bổ, gia cố chống xuống cấp di tích. Tháng 3.2012, UBND tỉnh đã thông qua quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích lịch sử Chùa Ông Nhiêu với tổng diện tích quy hoạch 5.700 m2; giai đoạn I thực hiện giải tỏa mở rộng 910 m2 được thực hiện trong năm nay. Người dân cũng đã đóng góp kinh phí, công sức để góp phần phục hồi về cơ bản không gian tâm linh Chùa Ông Nhiêu.

 

Chùa Ông Nhiêu sau khi tôn tạo đã khang trang hơn.

Ông Nguyễn Văn Tám, người trông coi Chùa Ông Nhiêu, cho biết: “Kể từ khi được quan tâm tôn tạo, phục hồi hoạt động trở lại cách đây nửa năm, Chùa ông Nhiêu đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh thu hút đông đảo người dân. Nhiều du khách ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nghe tin, cũng tìm đến tham quan và không ngớt khen nơi thờ tự của chùa dù nhỏ nhưng khang trang…”.

Đến thời điểm này, Đình Cẩm Thượng (365 Trần Hưng Đạo) là ngôi đình cổ duy nhất ở Quy Nhơn còn tồn tại. Sau khi đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 7.2010, Đình Cẩm Thượng đã được chính quyền thành phố đầu tư kinh phí để tôn tạo. Sau vài tháng thi công, công trình sửa chữa cổng, tường rào Đình Cẩm Thượng theo kiến trúc truyền thống đã cơ bản hoàn thành phần thô và đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết khác. UBND TP Quy Nhơn cũng đã cấp kinh phí đầu tư dự án phục chế mái, nội thất Đình Cẩm Thượng.

Ở TP Quy Nhơn còn có một di tích tiêu biểu được nhân dân đóng góp xây dựng cách đây gần 45 năm là Đền thờ Đức Thánh Trần (596/17 Trần Hưng Đạo). Hàng năm, tại Đền thờ Đức Thánh Trần đều diễn ra lễ hội tưởng niệm ngày húy kỵ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo do chính quyền và Ban hộ từ đền phối hợp tổ chức rất trang trọng. Năm 2007, Đền thờ Đức Thánh Trần và Tượng đài của Ngài được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Để phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa của Đền thờ Đức Thánh Trần, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành các bước thực hiện giai đoạn I dự án giải tỏa một số nhà dân xung quanh để mở rộng khuôn viên xung quanh di tích…

2. Sự quan tâm đầu tư các dự án tôn tạo bước đầu đối với một số di tích tiêu biểu của thành phố, như di tích Chùa Ông Nhiêu, Đình Cẩm Thượng, Đền thờ Đức Thánh Trần… đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, đem lại sức sống mới cho bộ mặt di tích ở TP Quy Nhơn. Nỗ lực trong việc đầu tư tôn tạo các di tích trên địa bàn là một việc đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu này. Đặc biệt là di tích Chùa Ông Nhiêu hiện vẫn nằm lẩn khuất trong con hẻm nhỏ hẹp, chỉ có một con đường vào di tích là đi xuyên qua…trụ sở khu vực V, phường Trần Hưng Đạo. Việc di dời, giải tỏa một số hộ dân xung quanh khu vực Đền thờ Đức Thánh Trần còn vướng mắc cần sớm được nghiên cứu giải quyết một cách hợp lý. Ông Lê Ngọc Anh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn, cho biết: “Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tiêu biểu trên địa bàn. Sở dĩ các dự án tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian qua triển khai chậm là do phải thực hiện nhiều thủ tục theo đúng quy trình. Theo kế hoạch, hai dự án tu bổ, phục hồi Chùa Ông Nhiêu và Đình Cẩm Thượng được tiến hành song song để khi hoàn thành sẽ cùng gắn kết trong việc giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử, giới thiệu đến với du khách những điểm di tích gắn liền với lịch sử hình thành của đô thị Quy Nhơn…”.

  • HOÀI THU 
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tuồng Bình Định  (13/08/2012)
Ít và chưa phát huy hiệu quả  (13/08/2012)
Khai mạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ VII- 2012  (12/08/2012)
Trò quê  (11/08/2012)
Xanh mát sân trường  (11/08/2012)
La Sinh Môn   (11/08/2012)
Nghĩ về hình thức mới của nhạc võ Tây Sơn  (09/08/2012)
Chất lượng chương trình phát thanh tiếp tục được nâng cao  (09/08/2012)
Nghĩ khác để... làm khác  (08/08/2012)
Sẻ chia những sắc màu thơ  (08/08/2012)
Ra mắt sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”  (08/08/2012)
Hội ngộ hồn thơ bốn phương   (06/08/2012)
Chút xứ Nẫu giữa đất Sài Gòn  (06/08/2012)
Xuất bản sách về Chủ tịch Võ Chí Công  (06/08/2012)
Trình diễn thơ không chỉ là ngâm hay đọc thơ…  (05/08/2012)