“Cuộc chiến với hành tinh Fantom” là tựa đề cuốn tiểu thuyết dài tập mà cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình đã cho ra mắt độc giả. “Tuổi trẻ, tài cao” chính là những từ mà giới chuyên môn đã dành tặng cho cậu bé.
|
"Tiểu thuyết gia" nhí Nguyễn Bình.
|
Thông minh từ bé cùng khả năng học hỏi cao, 3 tuổi, lẽ ra ở tuổi đó, trẻ nhỏ sẽ vui chơi vô tư cùng bạn bè, làm nũng bố mẹ và muốn làm những điều mình thích thì Nguyễn Bình lại khác, cậu bé lại lựa chọn cho mình con đường thư giãn và giải trí bằng…tri thức.
3 tuổi, cậu bé Nguyễn Bình đã đọc, viết thông thạo, sử dụng máy tính giỏi, biết tiếng Hán, chính thức học tiếng Anh và 5 tuổi đã có hộp thư riêng. Rất nhiều giới chuyên môn cũng như độc giả gọi Nguyễn Bình là “thần đồng” văn chương, thế nhưng cậu bé này lại tỏ ra không hề thích thú với những danh hiệu đó. Với Nguyễn Bình, thần đồng chẳng qua chỉ là…”thằng đần” mà thôi.
Tại buổi giao lưu giới thiệu những cuốn sách mới của Nguyễn Bình, cậu bé đã đưa khách mời đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những câu trả lời hóm hỉnh và thông mình.
Nguyễn Bình- “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”
PV: Em có thể chia sẻ đôi chút về quá trình em viết cuốn sách này?
Nguyễn Bình: Em bắt đầu viết cuốn sách này từ cuối năm 2010, đầu 2011. Ban đầu em có rất nhiều ý tưởng cho tập 1 nhưng không biết viết ý tưởng nào trước, ý tưởng nào sau. Sau một thời gian suy nghĩ, em đã bắt đầu sắp xếp ý tưởng theo một trình tự nhất định và tập 2 em cũng bắt đầu như thế, tập 3 cũng vậy. Tất cả các tập, em đều sắp xếp theo một trình tự mà bản thân đã đưa ra sẵn.
PV: Em có thể nói qua về câu chuyện mà em viết trong 8 tập của “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”?
Nguyễn Bình: Trong 8 tập của “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” là câu chuyện của một nhóm trẻ đánh trả lại người ngoài hành tinh để bảo vệ trái đất. Đồng thời trong cuộc hành trình đó, nhóm trẻ cũng khám phá ra được những điều bí ẩn của nhân loại, của hành tinh.
PV: Lượng kiến thức như vậy liệu có quá khó so với một đứa trẻ chỉ mới 11 tuổi như em không?
Nguyễn Bình: Để viết được cuốn tiểu thuyết đó, em đã tra cứu rất nhiều cuốn sách trong tủ sách và máy tính của em. Em có riêng một tủ sách có đa dạng các cuốn sách về văn hóa, lịch sử và sách về các bí ẩn của nhân loại.
PV: Khi cuốn sách này ra đời cũng có một số người gọi em là thần đồng văn chương. Vậy khi nghe người ta gọi mình là thần đồng, em có cảm giác như thế nào?
Nguyễn Bình: Em không thích danh hiệu thần đồng mà mọi người đặt cho em. Theo quan niệm của em, thần đồng chẳng qua chỉ là “thằng đần” mà thôi.
PV: Trong 3 tập sách mới phát hành, em ấn tượng với tập nào nhất?
Nguyễn Bình: Em hài lòng và ấn tượng nhất với tập 3 bởi vì tập 3 có rất nhiều chủ đề mà em ưa thích.
PV: Trong phần giao lưu trước với khán giả, em có nói rằng trong đầu em đã có ý tưởng của các tập truyện tiếp theo. Vậy hiện tại, em đã có bao nhiêu ý tưởng cho các tập truyện tiếp theo?
Nguyễn Bình: Cho đến thời điểm này, em đã có hết ý tưởng của 8 tập truyện “Cuộc chiến với hành tình Fantom” trong đầu và cả những seri tiếp theo nữa. Em sẽ cố gắng để các tác phẩm sớm được ra mắt độc giả.
PV: Em có thể bật mí về các seri tiếp theo?
Nguyễn Bình: Seri tiếp theo có chủ đề về những loài vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chuột,… Đó đều là những loài vật có trí thông minh như con người và chúng có hẳn một kho báu riêng từ thời xa xưa. Thế nhưng, “vì ham muốn”, con người lại cố tìm ra nguồn kho báu đó để giữ cho riêng mình. Điều này đã khiến loài vật nổi giận và cuộc chiến giữa hai loài chính thức nổ ra.
PV: Vậy em được thừa hưởng những gì từ bố của em- nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa?
Nguyễn Bình: Em không thừa hưởng ở bố trong việc viết sách mà em chỉ được thừa hưởng ở bố việc ham đọc sách và giữ gìn sách cẩn thận thôi. (Cười).
PV: Cảm ơn em về cuộc trò chuyện này!
|
"Cuộc chiến với hành tinh Fantom" đã được phát hàng 3 trong 8 tập.
|
Những nhà chuyên môn nói gì?
Chu Lai- nhà văn kỳ cựu Việt Nam đã từng có những nhận xét rất chân thành về “tiểu thuyết gia” 11 tuổi này. Ông cho rằng: “Chuyên nghiệp trong cách hành văn, trong năng lực miêu tả và nhất là trong khắc họa tâm lý cũng như tính cách nhân vật. Chuyên nghiệp nhưng vẫn thơ trẻ. Và chỉ có một tâm hồn rất thơ trẻ như thế mới có thể có một sức tưởng tượng lung linh rành mạch như vậy".
Đồng quan điểm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng: “Lâu lắm rồi Việt Nam chúng ta mới xuất hiện một nhà văn trẻ tuổi. Nguyễn Bình như một hiện tượng văn chương mang lại điều gì đó rất ý nghĩa cho cuộc sống. Nguyễn Bình nghiêm túc trong văn chương nhưng tâm hồn cháu vẫn rất trẻ thơ và… trí tưởng tượng vô cùng phong phú mang đậm nét thơ ngây của trẻ”.
Nhà xuất bản trẻ Phạm Sĩ Sáu- người trực tiếp biên soạn cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình cho rằng: “Ở đây, Nguyễn Bình đang bắt đầu trở lại với kỷ nguyên, kỷ nguyên của trí tưởng tượng, kỷ nguyên của những tâm hồn trẻ thơ và Nguyễn Bình đã thay mặt các em nhỏ để truyền tải tiếng nói của trẻ thơ đến nhân loại…”.
“Thần đồng”- Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ trước tài năng trẻ Nguyễn Bình. Ông cho rằng: “Nguyễn Bình là một cậu bé vô cùng thông minh. Ở Việt Nam từng có rất nhiều các em nhỏ sáng tác văn, thơ như Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ,…thế nhưng đặc biệt nhất vẫn là cậu bé Nguyễn Bình bởi cậu là trường hợp đầu tiên viết tiểu thuyết, văn xuôi mà viết văn xuôi vô cùng khó, không phải ai cũng có thể làm được…”.
Ngoài ra, nhà thơ còn chia sẻ thêm rằng rất nhiều nhà văn có tên tuổi viết tiểu thuyết chỉ được khán giả hào hứng đón nhận tập đầu, sang tập 2 là đuối và đén tập 3 chẳng còn gì nữa, thế nhưng Nguyễn Bình lại khác, 8 tập của cậu bé vẫn giữ nhịp độ đều đều, đây là một câu chuyện hoàn toàn tưởng tượng ở xứ sở nhưng không có ở Việt Nam và tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện của cậu bé.
“Cậu bé Nguyễn Bình rất thông minh, làm việc rất nghiêm túc và chịu khó học hỏi. Mọi chi tiết cậu bé viết đều rất tinh tế, sáng tạo và có ý tưởng. Đó là một tài năng cần được phát huy. Đây chính là tài năng, thần đồng của Việt Nam”- Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.
. Theo VOV Online |