Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định
16:28', 19/8/ 2012 (GMT+7)

(Ghi lại tâm sự của nhà thơ TẾ HANH trong lần hầu chuyện cùng ông)

Nhà thơ Tế Hanh.

Nhà thơ Tế Hanh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng vào tuổi cận kề 90 (12 giờ 20 phút ngày 16.7.2009 tại Hà Nội (1921-2009). Tuy nhiên cuộc đời và sự nghiệp của ông – một nhà thơ lớn của dân tộc còn mãi với đất nước, với Bình Định - quê hương thứ hai của ông.

Lần đó vào tháng 5 năm 1993, tôi ra Hà Nội công tác. Sau khi đến Bộ Văn Hóa Thông tin xin được Bộ trưởng cấp phép cho tờ báo Bình Định xuất bản ba kỳ /tuần, tôi tranh thủ đến thăm nhà thơ Trinh Đường ở khu tập thể Trung Tự. Tôi được nhà thơ Trinh Đường và vợ ông - chị Hải tiếp đón thân tình như đối với một người em gái ở quê ra. Biết tôi có ít thời gian ở Hà Nội, nhà thơ Trinh Đường đã lên kế hoạch sít sao. Trước hết là đi thăm vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc- Đỗ Bạch Mai. Đó là cặp nhà thơ khá nổi tiếng mà ông Trinh Đường rất quý mến. Bế Kiến Quốc đã là bạn học cùng lớp với tôi thời học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn Đỗ Bạch Mai tôi chỉ biết là phu nhân của Quốc. Nhà thơ Trinh Đường muốn “hai cô em gái mà ông quý mến làm bạn thơ với nhau”.

Ông Trinh Đường còn đưa  tôi đến nơi mà  trước những năm 1975 tôi ở với ba mẹ tôi ở đường Quan Thánh, Thụy Khuê. Thật tình là nhà thơ Trinh Đường muốn đưa tôi tới hầu chuyện diện kiến một người ông rất trân trọng, đó là nhà thơ Phùng Quán, ở khu nhà phía hồ Tây, đằng sau trường cấp 3 Chu Văn An, nơi mà tôi đã đầy ắp kỷ niệm thời
học sinh. Đang từ phía Bắc- nơi có hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sau đó tôi và nhà thơ Trinh Đường vội đạp xe xuống phía Nam cách gần chục cây số đến gặp nhà thơ Tế Hanh ở đường Nguyễn Thượng Hiền, cạnh hồ Thiền Quang. Tôi vô cùng biết ơn sự sắp xếp của nhà thơ Trinh Đường. Một phần tôi rất mong được gặp nhà thơ Tế Hanh, một nhà thơ lớn của dân tộc (*); là nhà thơ tôi rất hâm mộ và nhất là “Bài thơ tình ở Hàng Châu” nổi tiếng của ông đã ám ảnh nhiều thế hệ học văn, làm thơ suốt bao thập niên qua; và cả vì  lời nhà thơ Trinh Đường nói “Tế Hanh giờ mắt mờ rồi chẳng đi đâu xa được, thương lắm…”.

Nhà thơ Tế Hanh cùng gia đình sống thanh bần trong một căn gác của khu tập thể nhà số 10, đường Nguyễn Thượng Hiền. Khi bước vào nhà ông, hai tay tôi vội bắt tay nhà thơ Tế Hanh đang ngồi trên tấm phản giữa nhà mà lòng tôi trào dâng một niềm yêu thương vô bờ bến. Sau khi được nhà thơ Trinh Đường giới thiệu với nhà thơ Tế Hanh, tôi chỉ thưa được với ông mấy lời thăm hỏi ngắn gọn. Rồi hai nhà thơ tri kỷ hình như quên mất sự có mặt của một người phụ nữ lạ ở xa đến, họ như “xáp” vào nhau hàn huyên về các nhà thơ, cùng nhau đọc những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ hay của các nhà thơ mà họ yêu mến và không ngớt lời tán dương “Xuân Diệu tài tình quá!” “Chế Lan Viên thật tuyệt!…” “
Sao mà Hàn Mặc Tử viết xuất thần như thế!”… “ghê gớm thật!” là cụm từ mà nhà thơ Trinh Đường liên tục thốt lên để ca ngợi những câu thơ tuyệt đỉnh tài hoa. Rồi sau đó hai người đọc thơ cho nhau nghe. Nhà thơ Trinh Đường hay để Tế Hanh đọc nhiều hơn. Mắt nhà thơ Tế Hanh như sáng ra và nhìn về một hướng xa xăm khi ông đọc những bài thơ tâm huyết của mình. Một hồi lâu, như sực nhớ còn có tôi bên cạnh, nhà thơ Tế Hanh dừng chuyện bàn thơ với Trinh Đường, ông ân cần hỏi han tôi về gia đình và quê hương Bình Định.

Sau một hồi thưa chuyện cùng ông tôi cũng có vẻ dạn dĩ dần khi đứng trước nhà thơ “cây đa cây đề” của nền văn học nước nhà, tôi liền chớp thời cơ “phỏng vấn” nhà thơ Tế Hanh:

- Thưa nhà thơ, được biết quê nhà thơ ở Quảng Ngãi, và đã có rất nhiều bài thơ đầy ắp những kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình như “Quê hương”, “nhớ con sông quê hương”, đã được nhiều độc giả yêu thích, thuộc làu. Nhưng mọi người cũng còn được biết nhà thơ có nhiều gắn bó với Bình Định? Như được bắt đúng tâm trạng, nhà thơ Tế Hanh chẳng một phút chần chừ, như đã có sự chờ đợi từ lâu để được bộc lộ những tình cảm của mình với Bình Định, ông nói ngay: - Thật khó xác định Bình Định đã trở thành quê hương thứ hai của tôi từ lúc nào. Mặc dù tôi đã từng đi học, hoạt động cách mạng và tham gia công tác trên khắp cả miền Trung. Nhưng nơi tôi dừng chân lại và gắn bó tình yêu cuộc đời mình ở đó, chính là Bình Định. Có thể từ thuở vua Quang Trung - Nguyễn Huệ thần tốc ra Bắc dẹp giặc Thanh, dấu chân của người, tiếng nói của người đã vang vọng kêu gọi tôi ngay từ lúc tôi cất tiếng khóc chào đời… Nói như vậy - Tế Hanh nói - cũng có nghĩa là, như trong mối quan hệ xã hội, các nơi khác là những người bạn thân, sự gắn bó của tôi như là với những người bạn chí thân; còn Bình Định là người yêu vậy.

Nói rồi ông cười. Tiếng cười rất tự nhiên chân tình đầy tâm tưởng của ông làm cho nhà thơ Trinh Đường và tôi hết sức xúc động và  càng thấy cuộc trò chuyện có một ý nghĩa thân mật lạ lùng. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng nhà thơ Tế Hanh nói chân tình tự tấm lòng. Bởi thực tế trong gia đình, người vợ hiền thục, điểm tựa của cuộc đời ông chính là một cô gái Bình Định xinh đẹp. Và bởi không phải chỉ nói cho vui, nên liền sau đó ông đã kể cho chúng tôi nghe những chặng đường đầy kỷ niệm trong cuộc đời mình.

“Cách mạng Tháng Tám, tôi tham gia khởi nghĩa ở Huế. Sau đó về Đà Nẵng làm ủy viên giáo dục trong Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Toàn quốc kháng chiến 19.12.19946, tôi làm trong mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, đến năm 1947 tôi về Quảng Ngãi dạy trường tiểu học bình dân miền Nam Trung bộ. Năm 1948, thành lập Hội Văn nghệ Liên khu 5, tôi ở trong Ban Thường vụ của Hội. Và Hội Văn nghệ Liên khu 5 cũng như phần lớn các cơ quan thuộc Liên khu 5 hồi đó đều đóng tại Bình Định. Và có thể nói rằng từ đó cho đến kết thúc chín năm kháng chiến, hòa bình lập lại (1954) hầu hết thời gian tôi ở Bình Định. Có thể nói, từ đó  cuộc đời tôi đã gắn bó vĩnh viễn với Bình Định. Các vùng tôi đã qua ở Bình Định và có nhiều kỷ niệm không thể quên là Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn… Tôi không được như các anh Xuân Diệu, Chế Lan Viên học ở Bình Định - tôi học ở Huế, nhưng thời gian chín năm kháng chiến ở Liên khu 5, tôi được gắn bó nhiều với mảnh đất Bình Định. Trong cuộc đời làm thơ của tôi , thì chín năm kháng chiến chống Pháp là một sự thử thách vì tôi là người xuất hiện trong phong trào Thơ mới đã được tặng thưởng của Tự lực Văn Đoàn năm 1939 (năm 1940 mới công bố) khi tôi còn là một học sinh ở Huế. Và tập thơ đầu tiên của tôi có tên là Hoa Niên được nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn in năm 1945.

Trong tâm hồn tôi luôn có nhiều sự trăn trở, cũng như các nhà thơ khác, tôi muốn hồn thơ mình vừa có thêm cái mới của thời đại đem đến nhưng trên thực tế phần nhiều thay đổi hồn thơ thì ý muốn không cũng không được mà còn phải cần có thời gian. Theo tôi sự thay đổi của một nhà thơ không gặp những chuyển biến của cách mạng  như chiến tranh hay những sự thay đổi bản chất trong cuộc đời riêng như tình yêu, sự chia tay, mất mát, cái chết… thì có lúc có những tác phẩm tốt, nhưng cũng có lúc không có ngay được những tác phẩm như ý mình muốn. Nhìn lại những tác phẩm viết trong cuộc kháng chiến ở Khu 5, tôi thấy đó như là một sự tìm tòi mò mẫn thử nghiệm. Tôi đã ra được trong kháng chiến các tập thơ: Hoa mùa thi, Hai đêm bình nghị, bây giờ đọc lại tôi thấy có hai nhược điểm, lúc thì trừu tượng cầu kỳ, lúc thì quá dễ dãi. Có đôi bài được người ta chú ý nhưng không được toàn diện, như bài “Người đàn bà Ninh Thuận” viết năm 1949; “Bà mẹ canh biển”; viết về Bình Định cũng chỉ được đôi câu…

Sau khi tập kết ra Bắc, từ năm 1956, những kỷ niệm gắn liền với Bình Định thúc giục tôi viết về Bình Định nhiều hơn và có nhiều bài sâu, chất lượng tốt hơn, như bài “Mặt quê hương” viết năm 1963. Mặt em như tấm gương/Anh nhìn thấy quê hương… Cũng như ở Quảng Ngãi, Bình Định đã đi vào thơ tôi như là máu thịt với những bài viết về Phù Mỹ, như ‘Bà mẹ canh biển”, “Mặt quê hương”, “Buồn riêng vui chung”… Trong bài “Buồn riêng vui chung” tôi viết: Chúng ta có những nỗi buồn riêng/Trong cảnh nước nhà chia cắt /Quằn quại máu sôi trào nước mắt/ Quảng Ngãi anh và Bình Định em

Và da diết lạ trong bài “Nhớ Quy Nhơn”, đã đăng ở báo Nghĩa Bình: Lần này ta lại nhớ Quy Nhơn/Tâm trí nao nao sáng chập chờn/Bình Định bao giờ em trở lại?/Hàng dừa trong gió gọi từng cơn. Tôi còn có nhiều bài thơ viết về ba nhà thơ nổi tiếng ở đất Bình Định là Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu , Chế Lan Viên…”. Với giọng Quảng hơi nặng nhưng ấm áp, Tế Hanh dốc tâm sự lòng mình, ông nói buồn là mắt ông thật tệ, nhiều năm nay không viết bình thường được. Ông viết là viết theo trí nhớ của bàn tay chứ không hề nhìn thấy gì.

Nghe ông nói, nhìn đôi mắt nâu của ông vẫn mở to, thật thương cảm vô cùng. Nhà thơ Trinh Đường nói “Tế Hanh viết thử xem”. Nhà thơ Tế Hanh liền nhờ cô Yến, người vợ tảo tần đảm đang lấy giúp ông giấy bút. Ông cầm lấy bút, giấy, dùng các ngón tay cái và tay trỏ vuốt góc tờ giấy như định hình trang giấy, rồi đặt nhẹ xuống phản, sau đó ông lấy ngón tay trỏ của bàn tay trái đặt lên trang giấy làm dòng kẻ và viết theo “dòng kẻ nổi” đó, ông viết: Anh theo các phố đó đây/Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em.

Lặng lẽ nhìn ông viết câu thơ lên dốc, trong khi vẫn nói, vẫn cười mà chúng tôi không ngăn được dòng nước mắt… Khi tôi bày tỏ, qua cuộc nói chuyện này, nhà thơ muốn nhắn gửi gì đến những người viết trẻ ở Bình Định? Nhà thơ tế Hanh với đôi mắt nâu nhìn xa xăm, ông nhớ lại. “Ngày 31.3.1975 Bình Định giải phóng, tôi cùng Vương Linh vào Quy Nhơn, vừa lúc gặp anh Nguyễn Văn Bổng từ phía Nam ra, vui mừng khôn xiết. Sau đó chúng tôi có tổ chức buổi gặp mặt với một số anh em trí thức và học sinh ở Quy Nhơn. Tại cuộc gặp mặt xúc động này, với niềm tự hào của một người con Bình Định, tôi cũng có những phát biểu với anh em bằng sự xúc động chân thành. Tôi nói Bình Định có những ưu thế mà không phải nơi nào cũng có được, đó là quê hương của anh hùng Tây Sơn Quang Trung- Nguyễn Huệ; là nơi có rất nhiều di tích của dân tộc Chiêm Thành, là cái nôi của tuồng cổ. Bình Định còn một đặc biệt khác nữa là một trong những trung tâm quan trọng của phong trào Thơ Mới với sự nổi tiếng của các nhà thơ Hàn mặc Tử , Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan và Bích Khê nữa. Bích Khê tuy là người Quảng Ngãi nhưng học ở Bình Định và trưởng thành ở Bình Định. Và tôi tự hào về Bình Định – vì đó là quê hương thứ hai đã gắn bó máu thịt với tôi”.

Với tấm lòng của một người con Bình Định, nhà thơ lớn của dân tộc nhắn gửi đến những bạn viết trẻ ở Bình Định: Đứng về những người làm văn học, ông mong rằng những thế hệ trẻ hãy viết nhiều hơn và viết cho xứng đáng với truyền thống lịch sử của đất Bình Định anh hùng cũng như hãy viết và trưởng thành xứng đáng với thế hệ cha anh – như ông nói là: Hàn Mặc Tử đã “đổ bộ” về Quy Nhơn, còn Xuân Diệu từ Bình Định đi ra khắp nước và thế giới đã làm rạng danh quê hương, đất nước mình…

Hà  Nội, tháng 5.1993 - Quy Nhơn 7.2012

  • BÙI THỊ XUÂN MAI

(*) Theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ Mai Quốc Liên: Có một thông lệ là nếu xếp 5 Đại gia thơ Việt Nam (để dịch và giới thiệu ra nước ngoài) thì đầu tiên là Tố Hữu, rồi đến Huy Cận - Xuân Diệu (hai “ông hoàng” của thơ mới), tiếp đến là Chế Lan Viên và Tế Hanh.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)
Dòng sông quê  (18/08/2012)
Tối nay chung kết Hoa hậu Thế giới  (18/08/2012)
Tiếng hát gửi niềm tin  (16/08/2012)
Gặp gỡ “thần đồng” văn chương nhí của Việt Nam  (16/08/2012)
“Kênh đối ngoại” võ cổ truyền  (15/08/2012)
Hai chàng trai đất Võ mê làm phim  (15/08/2012)
Đã có tín hiệu vui  (15/08/2012)
Hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tuồng Bình Định  (13/08/2012)
Ít và chưa phát huy hiệu quả  (13/08/2012)
Khai mạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ VII- 2012  (12/08/2012)
Trò quê  (11/08/2012)
Xanh mát sân trường  (11/08/2012)