Bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Hoài Ân:
Tích cực “xã hội hóa”
20:35', 20/8/ 2012 (GMT+7)

Hoài Ân hiện có 46 di tích lịch sử - văn hóa được kiểm kê, trong đó 15 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Hơn 10 năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả “xã hội hóa”, công tác tôn tạo, xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn huyện nên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, Hoài Ân đã có 4 di tích được xây dựng khang trang từ nguồn kinh phí xã hội hóa và trở thành các địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của nhân dân địa phương là: di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Đình làng An Thường, Văn chỉ Hoài Ân, Khu di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức.

 
Khu di tích lịch sử Chi bộ Vạn Đức, một công trình xây dựng từ nguồn đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân Hoài Ân và các nhà hảo tâm. Ảnh: VĂN LƯU

Với di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ, ngoài kinh phí của tỉnh, huyện đầu tư xây dựng mặt bằng cảnh quan, điện thờ chính, nhân dân và các nhà hảo tâm đã đóng góp, ủng hộ để mua sắm dụng cụ thờ tự, nội thất phòng trưng bày thân thế sự nghiệp về ông. Năm 2011, với chương trình “Một giọt đồng đúc tượng danh nhân”, tượng của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ đã được Tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đúc tặng và an vị tại đền thờ. Di tích lịch sử Đình làng An Thường, ở xã Ân Thạnh bị chiến tranh tàn phá, nay được xây dựng lại khang trang từ nguồn đóng góp của nhân dân trong làng và người Hoài Ân làm ăn khắp nơi gửi về để xây dựng một số hạng mục chính như đình làng, sân đình, nhà bia… Di tích Văn chỉ Hoài Ân ghi dấu lịch sử tôn vinh truyền thống hiếu học được xây dựng từ năm 1867, bị sập do chiến tranh được huyện đưa vào dự án phục dựng năm 2011, với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa… Ngoài các công trình lớn ấy, ở Hoài Ân còn có những công trình văn hóa, di tích lịch sử được xây dựng bài bản, tổ chức bảo vệ bằng nguồn kinh phí huy động từ sức dân.

Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, công tác xã hội hóa trong bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa tại Hoài Ân đã được cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Làm tốt công tác này phải kể đến các xã: Ân Hữu, Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Tường Tây và 2 trường THPT Hoài Ân, Tiểu học Ân Tường Tây.

Ông Trần Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm VHTT-TT huyện Hoài Ân, cho biết: “Để có được sự đồng thuận của nhân dân, Hoài Ân đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao ý thức của toàn dân, các cấp, ngành đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích. Hàng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hóa để có cơ sở lập đề án tổng thể bảo tồn, tôn tạo”.

Từ thực tiễn ở Hoài Ân cho thấy, một khi người dân đã đồng lòng, chung trách nhiệm thì công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa sẽ từng bước phát triển.

  • VÕ CHÍ HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chất lượng được nâng cao  (20/08/2012)
Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định  (19/08/2012)
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)
Dòng sông quê  (18/08/2012)
Tối nay chung kết Hoa hậu Thế giới  (18/08/2012)
Tiếng hát gửi niềm tin  (16/08/2012)
Gặp gỡ “thần đồng” văn chương nhí của Việt Nam  (16/08/2012)
“Kênh đối ngoại” võ cổ truyền  (15/08/2012)
Hai chàng trai đất Võ mê làm phim  (15/08/2012)
Đã có tín hiệu vui  (15/08/2012)
Hình tượng nghệ thuật độc đáo trong tuồng Bình Định  (13/08/2012)
Ít và chưa phát huy hiệu quả  (13/08/2012)
Khai mạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ VII- 2012  (12/08/2012)