Vài năm nay, phong trào văn nghệ quần chúng ở Bình Định đã lan tỏa, với nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, những hạn chế trong khâu tổ chức, nội dung tư tưởng của các tiết mục tham gia… cho thấy cần phải có sự định hướng để phong trào phát triển tốt hơn.
Những cuộc liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng diễn ra từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nên những “luồng gió mát” về văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của đông đảo người dân, đặc biệt đối với bà con vùng sâu, vùng xa.
|
Một tiết mục trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ VII - 2012 do Công an tỉnh tổ chức giữa tháng 8. |
Văn nghệ quần chúng cũng cần... “chuyên nghiệp”
Theo những người có chuyên môn, tâm huyết với sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng, nhiều chương trình văn nghệ quần chúng gần đây có sự dễ dãi trong tổ chức, quản lý xuề xòa vì tâm lý “vui là chính”. Điều này dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa, thay vì từng bước nâng cao chất lượng chung cho phong trào.
Việc dàn dựng không chỉ mất thời gian, công sức mà còn phải có kinh phí với mức đầu tư vài
chục triệu đồng cho một chương trình nghệ thuật quần chúng tương đối bài bản tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh. Thế nhưng, nhiều chương trình văn nghệ quần chúng không thể hiện được bản sắc riêng của địa phương hay ngành, nghề của đơn vị mình.
Trong nhiều chương
trình văn hóa - nghệ thuật tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan, chất lượng nghệ thuật của nhiều tiết mục múa là đáng lo ngại nhất. Các đơn vị dàn dựng múa minh họa huy động đông người, đầu tư trang phục, đạo cụ tốn kém, nhưng cốt lõi là ngôn ngữ múa thì không được quan tâm. Nhiều tác phẩm múa tên gọi, ý tưởng dàn dựng, cách thể hiện không ăn nhập với nhau. Sở dĩ có thực trạng trên là bởi “vào mùa” hội diễn, nhu cầu dàn dựng tiết mục múa rất lớn, nhưng lực lượng biên đạo được đào tạo bài bản chỉ quanh quẩn vài gương mặt quen thuộc. Nhiều người chỉ có chút ít năng khiếu múa phong trào, chưa qua lớp đào tạo diễn viên múa cũng đứng ra dàn dựng. Biên đạo Hoàng Việt trăn trở: “Dàn dựng tiết mục múa không chỉ đòi hỏi đáp ứng các chức năng, nhiệm vụ của nghệ thuật quần chúng, mà còn phải biết khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền… Nhưng, đáng buồn là hiện đang tồn tại tình trạng dàn dựng tiết mục theo kiểu “đạo” ý tưởng của các biên đạo múa giỏi nơi khác, sao chép y nguyên hoặc lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nhiều tiết mục múa được dàn dựng bởi người “tay ngang” nên chất lượng nghệ thuật thấp”.
|
Chất lượng các tiết mục múa trong phong trào văn nghệ quần chúng cần được nâng cao hơn.
- Trong ảnh: Hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành GD-ĐT Bình Định năm 2012. |
Để phong trào tốt hơn
Các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức để phục vụ nhu cầu giao lưu, giải trí của cán bộ, công nhân, viên chức, người dân. Nhưng dù mang tính giải trí, thì các chương trình văn nghệ quần chúng cũng phải đảm bảo yếu tố lồng ghép chức năng phản ánh, giáo dục chân - thiện - mỹ.
Nhạc sĩ Hữu Thuần góp ý: “Một số hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh nên được duy trì sự ổn định, tổ chức thường xuyên, có đổi mới để nâng cao chất lượng; giảm tư duy tham gia cho có nên đầu tư hời hợt, không đạt yêu cầu cần thiết. Đồng thời, quan tâm hơn đến việc tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng có quy mô cho lực lượng thanh thiếu niên, để phát hiện và gầy dựng hạt nhân cho phong trào”.
Nhìn nhận một cách khách quan, chất lượng các chương trình nghệ thuật quần chúng còn thấp còn do yếu tố… ban giám khảo. Trong một số hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thành phần ban giám khảo phần lớn là người “ngoại đạo”. Có hội thi, hội diễn, các tiết mục múa chiếm số lượng lớn, nhưng thành phần ban giám khảo không có người nào am hiểu múa để “cầm cân nảy mực”. Hệ quả là ban giám khảo thường cũng chỉ đánh giá chung chung, không đưa ra những góp ý, định hướng cụ thể để việc dàn dựng các tiết mục lần sau tốt hơn.
Nhiều hội thi, hội diễn có quy mô lớn, diễn ra liên tục nhiều ngày, nhưng chỉ làm “âm thầm” trong hội trường nên có rất ít khán giả đến xem, làm giảm tính đại chúng và lãng phí đầu tư cho các tiết mục “diễn một lần”. Dẫn chứng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ VII - 2012 do Công an tỉnh tổ chức vừa qua, có nhiều tiết mục nghệ thuật phong phú, chất lượng, nhưng việc biểu diễn trong hội trường Công an tỉnh đã khiến Hội diễn chưa phát huy hiệu quả trong việc thể hiện hình ảnh sinh động của người chiến sĩ công an nhân dân đến với đông đảo công chúng. Vì thế, khi tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các đơn vị, địa phương cũng cần lưu ý đến địa điểm thuận lợi, thời gian công diễn các tiết mục xuất sắc có thể thu hút đông đảo công chúng đến xem.
|