NSƯT Kim Thành:
“Bảo bối” của Nhà hát tuồng Đào Tấn
20:14', 25/8/ 2012 (GMT+7)

Với giới mộ tuồng, sành tuồng ở Bình Định, trong số “đào” ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, nếu Lệ Quyên chiếm ngôi đầu về sắc diện thì danh hiệu “nhất thanh” thuộc về Kim Thành. Gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật tuồng, mới đây, Kim Thành đã được phong Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT)…

NSƯT Kim Thành.

Qua 3, 4 lần xét, đến đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ năm nay may mắn mới mỉm cười với chị. “Đây là vinh quang nghề nghiệp, xin dành hạnh phúc này dâng lên cha tôi - cố Nghệ sĩ nhân dân Đinh Quả - người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong đời nghề của tôi” - Kim Thành chia sẻ.

Tiếp xúc với NSƯT Kim Thành, tôi cảm nhận một vẻ đẹp nữ tính đầy ấm áp toát ra từ sự giản dị, mộc mạc, chân tình và cởi mở! Vóc dáng nhỏ nhắn, không lợi thế về hình thể sân khấu, Kim Thành thường chỉ được giao những vai phụ, nhiều nhất là vai kép con, lão. Gần trọn một đời diễn viên, các vai đào của Kim Thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Phương Cơ trong “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Mã Phụng Thơ trong “Xử bá đao Diệm Thiên Hùng”, Hồ Nô trong “Hộ sanh đàn”, Trại Ba và Kim Liên trong “Ngũ hổ bình Tây”… Nhưng, trên chính vùng đất diễn có phần chật hẹp ấy lại ghi dấu ấn của sự nỗ lực vượt bậc và tài năng Kim Thành: HCV vai Trại Ba, trong vở “Ngũ hổ bình Tây” tại Hội thi tiếng hát hay toàn quốc năm 1992; HCV vai Ngọc Mai, trong vở “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995… Sở hữu thế mạnh vượt trội là giọng hát, Kim Thành trở thành “bảo bối” của Nhà hát tuồng Đào Tấn nói riêng, tuồng Bình Định nói chung.

Những tính từ như cao vút, trong sáng, ngọt ngào, truyền cảm dường như vẫn rất mơ hồ, chung chung để biểu đạt về sức quyến rũ của tiếng hát Kim Thành. Cách đơn giản mà hiệu quả, dễ hình dung, cảm nhận nhất có lẽ là một lần thử nghe Kim Thành luyến láy, nhấn nhá để thấy chị làm chủ làn hơi, cung bậc, tiết điệu mà vẫn rất dung dị, tự nhiên, bay bổng trong từng giai điệu, lời hát. Một lần thử nghe Kim Thành thể hiện các làn điệu hát tuồng, các bài bản tuồng truyền thống để hiểu thêm rằng, bên cạnh chất giọng trời cho ấy là ý thức học hỏi, rèn luyện của chị. 

 

Vào vai đào khá ít, song ở vai diễn nào NSƯT Kim Thành (bên phải) cũng đều thể hiện thành công.

Nhạc sĩ Gia Thiện - Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn - cho rằng Kim Thành là giọng hát vọng số 1 của Nhà hát, bởi: “Kim Thành không chỉ có chất giọng tốt, lời hát hay, mà còn có nền tảng nhạc lý vững, nắm bắt đa dạng các làn điệu hát tuồng ngay từ khi mới bước chân vào nghề nhờ được cha truyền thụ, chỉ dạy từ nhỏ đến lớn. Thêm vào đó, Kim Thành biểu hiện tốt các sắc thái của lời ca, chính xác, tinh tế các trạng thái, cung bậc tâm trạng của nhân vật trong hoàn cảnh kịch”.

Khoảng 20 năm trở lại đây, âm nhạc tuồng phát triển mạnh mẽ, biểu hiện rõ nhất ở việc sáng tác nhạc mới cho tuồng trong các vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, đất dụng võ của Kim Thành càng thêm rộng. Và, chị đã gặt hái nhiều thành công từ sự làm nghề có phần lặng lẽ này, đó là: Giải B, Hội thi tiếng hát hay toàn quốc năm 1982; HCB Giọng hát hay Dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc năm 1999; Bằng khen Tiếng hát hậu trường xuất sắc, trong vở “Mộng Bá Vương” tại Liên hoan sân khấu khu vực miền Trung năm 2003…

Ngoài vai trò nghệ sĩ tuồng, công chúng yêu thích văn hóa - nghệ thuật tỉnh nhà cũng quá quen thuộc với một Kim Thành- nghệ sĩ ngâm thơ. Từng có thời gian tuổi thơ sống cùng cha tại Khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội) - khi ông công tác và giảng dạy tại Đoàn tuồng Liên khu V, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam - Kim Thành có thể đọc thơ giọng Bắc, tổng hòa với giọng nói xứ Nghệ quê mẹ, giọng Bình Định quê cha, đã tạo nên một giọng ngâm thơ Kim Thành đa dạng vùng miền. Cùng năng lực cảm thơ dồi dào, Kim Thành được đánh giá là một trong những giọng ngâm thơ xuất sắc của Bình Định.

  • SAO LY
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số  (22/08/2012)
Cần sự định hướng tốt hơn   (22/08/2012)
Công bố Pác Bó là Di tích quốc gia đặc biệt  (22/08/2012)
Tích cực “xã hội hóa”  (20/08/2012)
Chất lượng được nâng cao  (20/08/2012)
Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định  (19/08/2012)
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)
Dòng sông quê  (18/08/2012)
Tối nay chung kết Hoa hậu Thế giới  (18/08/2012)
Tiếng hát gửi niềm tin  (16/08/2012)
Gặp gỡ “thần đồng” văn chương nhí của Việt Nam  (16/08/2012)
“Kênh đối ngoại” võ cổ truyền  (15/08/2012)
Hai chàng trai đất Võ mê làm phim  (15/08/2012)