Ở miền quê Trung bộ, những ngôi nhà hay xây cất kiểu na ná như nhau. Nhà nào cũng vậy, thường nhỏ và thấp nhưng luôn chừa khoảng sân cho thật rộng để phơi lúa thóc, hoa màu và luôn có những cái chái hiên. Chái sau thường để các nông cụ. Chái bên hông để lúa bắp, khoai củ, giống má… Và chái trước, quanh năm suốt tháng luôn thấy có lu nước với gáo dừa móc kề bên. Có nhà còn kê gần đó một cái chõng tre, để người nhà ra ngồi chơi hóng gió; để khách lỡ đường ghé uống nhờ gáo nước, ngồi nghỉ chân.
Tôi ra đời ở nhà quê, sống hết một thuở ấu thơ rồi một thời niên thiếu, quen thuộc và gắn bó với hết thảy những gì ở nơi ấy. Rồi xa quê và ra phố sống. Tiếng là ở phố nhưng nhiều thứ nhà quê vẫn có thể tìm gặp được ở đây. Một cái giếng xây với năm bảy gia đình lân cận dùng chung. Nhà quê cũng có, mà thành thị cũng có. Rồi những cái sân, khu vườn, cây cỏ… Nhưng vẫn có những thứ mà thành phố không thể nào có được.
Hồi còn nhỏ đi đâu về, việc đầu tiên tôi làm là chạy vội tới cái chái hiên và vục thật mạnh cái gáo dừa vô lu nước. Phải vục mạnh như vậy để thấy nước sóng sánh trong đó, trước khi múc cái gáo nước ngọt lịm và mát rượi ấy uống từng ngụm lớn. Phải uống một cách thèm khát, cho nước tràn ra khỏi miệng chảy xuống cả cổ, cả áo, thì mới có cảm giác thích thú. Tôi thường thấy những người khách đi đường vô nhà xin nước, có khi một người, có khi tới mấy người. Họ uống nước rồi lại cái chõng tre ngồi phe phẩy nón, hóng chút gió mát rồi lại uống thêm một lần nữa, mới chào chủ nhà đi. Cũng có những nhóm khách coi bộ vội vã và chỉ có một người trong nhóm vô nhà xin nước. Người này dùng nón để lấy nước và bưng nón nước ấy ra tận ngoài ngõ cho những người kia uống. Bởi đó cái nón nước được chuyền cho hết người nọ tới người kia. Cái cách họ uống nước không bằng ly, gáo dừa, ca nhựa… mà uống bằng cái nón đội trên đầu mới ngộ nghĩnh và khéo léo làm sao! Uống như vậy rất khó. Vậy mà nước ít bị đổ ra ngoài, nếu có đổ thì cũng chỉ đổ có chút đỉnh.
Sau này khi đã lớn thêm, tôi cứ hay ngẫm nghĩ về cái chái nhà, lu nước, rồi cái gáo dừa, chõng tre… Không biết ai đã có sáng kiến để tạo ra những vật dụng ấy rồi lại sắp đặt chúng bên nhau. Thật là hợp lý và hữu ích cho đời sống nơi thôn dã. Tất cả làm nên khung cảnh của một quê nhà đơn sơ, dung dị mà thật ấm lòng. Những vật dụng tưởng như rất là bình thường ấy đã chuyên chở theo nó những ý nghĩa hết sức nhân văn. Đó chính là sự tốt bụng, lòng hiếu khách của người dân quê Việt Nam đôn hậu. Họ đã dạy cho chúng ta bài học về lòng vị tha, biết quan tâm tới người khác một cách chân chất, mộc mạc mà cũng rất thực tế. Thì có gì đáng kể đâu. Chỉ là những gáo nước, múc từ cái ảng chứa nước mưa hay xách lên từ cái giếng nhà, vậy mà có thể giúp cho người lỡ đường qua được cơn khát. Chỉ là cái chõng tre cho người mệt nhọc một chỗ ngồi nghỉ chân. Để có thể đi tiếp một đoạn đường, làm tiếp một công việc… Thử tính lại mà coi: cái lu chứa nước mưa đâu có mấy năm đồng, gáo múc nước thì tự làm lấy bằng sọ dừa khô cắt ra rồi dùi lỗ, xỏ thanh tre qua làm tay cầm. Chiếc chõng thì làm từ vài cây tre già đầu ngõ, hạ xuống, róc hết mắt rồi chặt khúc, mấy khúc dưới gốc làm chân, khúc ở trên được chẻ ra làm vạt… Chỉ là những thứ cây nhà lá vườn, cộng thêm một ít công của chủ nhà nhưng càng nghĩ càng nhìn ra sự độc đáo. Bởi, tất cả những vật dụng đơn sơ ấy đã tạo nên một nét đẹp rất riêng của làng quê, một không - gian - Việt khó có thể tìm gặp được ở bất cứ nơi đâu.
|