Tờ quyết định bất ngờ
20:25', 25/8/ 2012 (GMT+7)

Truyện ngắn của LÝ THỊ MINH CHÂU

Nó nhận chân làm tạp vụ ở Công ty Hoàng Hoa chuyên doanh hàng thêu xuất khẩu. Đồng lương không nhiều, nhưng công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, lại làm ngoài giờ nên chạy đi, chạy lại mà có thêm tiền, nên cũng ổn.

Không đẹp lắm nhưng ngoại hình khá “hot”, nó làm cho nhiều ánh mắt của lũ con trai trong công ty ngày thêm dài ra. Nó chỉ lủi thủi lo xong công việc của mình. Khi thiên hạ còn nằm nướng trên giường thì nó đã tới công ty lau nhà, rửa ly tách, cắm phích nước, thay trà. Khi tất cả đã ngăn nắp, nó ra về thì thiên hạ mới lục tục đi làm. Nó ngán nhất cái cầu thang đá đen bóng quá, nhiều tầng quá, lau không khô sẽ giữ lại dấu giày, dấu dép thì toi công nên đặc biệt chú ý nơi này. Đôi khi người ta thấy nó lom khom lau từng bậc thang tỉ mỉ bằng đôi bàn tay không găng, cũng e ngại, nên chùi giày thật sạch trước khi lên lầu. Ai đó, hớ hênh trây bẩn ra thì nó lau sạch lại mà không hề có một lời oán trách. Mấy tay không công, rỗi việc bàn tán vào ra. “Nhan sắc có đấy, mà sao không kiếm việc gì thích hợp hơn, chẳng hạn bán hàng, tiếp thị…”. “Điên thật, chân dài thế kia, ba vòng nức nở thế kia, làm người mẫu, diễn viên điện ảnh còn được nữa đấy”.

 

“Đừng coi mặt mà bắt hình dong, đoán hưu đoán vượn, không thể cá chép cá mè một lứa được. Thấy người ta lao động tần tảo thế kia là biết lương thiện rồi, đâu thể bì với các cậu là con ông nọ, bà kia. Nên có cái nhìn sáng sủa hơn đi!” - giám đốc đi qua, nghe chuyện, ôn tồn nói. Thế là hết tán vào bàn ra.

Công việc của nó có mấy ông bảo vệ giám sát, mở cửa vào và khóa cửa khi nó đi ra. Nó không phải lau dọn phân xưởng sản xuất, chỉ phải gom rác ở các nơi này tập trung vào nơi quy định. Ở đó, nó chọn ra những mảnh vải còn dùng được, chỉ thêu, vài ba giấy can mẫu mã cho vào túi xách mang về. Nó chưa bao giờ hội họp gì với công ty, cần công việc gì đã có mấy ông bảo vệ truyền đạt. Hôm công ty mất mấy cây vải, bọn bảo vệ phùng mang trợn mắt quy tội cho nó. Nó điếng người, chỉ biết khóc mà không đủ lời chứng minh được sự trong sạch của mình. Hàng ngày, nó vẫn ra về với những rẻo vải vụn, vài con chỉ thêu dở dang mà người ta vứt bỏ. Mấy ông bảo vệ thừa biết trong túi xách nó có gì, nhưng đổ vạ cho nó là dễ nhất nên cứ thế mà hắt sang.

Chuyện tới tai giám đốc:

- Em làm ở đây được bao lâu rồi?

- Dạ, hơn ba năm.

- Nhanh thế cơ à!

- Vâng ạ.

- Em có nghe gì về chuyện mấy cây vải bị mất cắp không?

- Dạ, em nghe bảo vệ nói, cũng không biết là sao.

- Người ta bảo hàng ngày em vẫn đi về với cái túi xách đen…

- Vâng, đó là cái túi vải duy nhất em có, một người bạn tặng đã lâu. Em xin vài mẩu vải vụn, ít chỉ thêu thừa…

- Như vậy là khó cho em rồi, hàng hóa bị mất có liên quan đến công việc mà em sưu tầm.

- Em chỉ nói thật lòng thôi, cây vải dài cả mét, nặng mấy chục cân làm sao giấu trong túi em được. Hơn nữa, mỗi lần em gom các bao rác có bảo vệ mở cửa, đóng cửa. Có cánh cũng không bay qua mắt các ông ấy được, xin ông cho kiểm tra lại.

- Thôi được rồi, em về đi.

- Vâng, chào giám đốc. Ngày mai em có đi làm tiếp không?

- Có chứ, công việc của em vẫn bình thường.

- Dạ!

Sáng hôm sau khi đi làm về, nó đạp xe ra chợ mua ít rau về nấu mì cho cả nhà ăn sáng. Chỉ có mì và cháo thôi, hai món đó là thực đơn chính của bữa sáng mà. Khi về tới căn nhà ọp ẹp của mình, nó tá hỏa, xe hơi của ai mà hai, ba chiếc đậu nghênh ngang thế. Nhà nó ở hút sâu trong con hẻm. Quanh co, ngoằn ngoèo tới lui đều khó. Nó vào nhà, líu quíu khi thấy ông giám đốc và mấy người ở phòng tổ chức cùng với hai nhân viên bảo vệ đang ở trong nhà. Nó chào mà hình như chẳng ai nghe. Người ta mải mê ngắm những bức tranh thêu khá đẹp trên những mảnh vải rẻo được căng trên những thanh tre khô lượm đâu đó. Có hơn mười em khuyết tật đang ngồi xo ro gần đó và một chàng trai ngồi hí hoáy vẽ bên cây nạng gỗ.

Lấy bó rau xà lách ra, nó trút cái giỏ lên bàn. Vài miếng vải thêu đầu thừa đuôi thẹo, nhúm chỉ thêu rối như tơ vò. Các em khuyết tật chia nhau vuốt lại thẳng thớm, lắp vào khung căng, chỉ thêu xếp theo màu thẳng tắp. Ông giám đốc bảo nó đi nấu mì cho các em ăn đi, cứ để ông tự nhiên. Hàng trăm tranh thêu trên vải rẻo mà chẳng có tấm nào vuông vức, ông hiểu ra sự thật. Ông ngồi xuống trò chuyện với các em khuyết tật để hiểu ra rằng các em mồ côi cơ nhỡ được nó đùm bọc cháo rau để học nghề, sau này ra đời kiếm cơm. Còn anh thương binh kia là người truyền đạt, dạy dỗ, anh cũng không có thù lao gì. Căn nhà ọp ẹp này là kho của hợp tác xã đã thôi sử dụng, được phường cho mượn để làm mái ấm tình thương này. Nhìn các em bưng bát mì giấy nghi ngút khói, ăn ngon lành, ông quay mặt đi.

Hai ngày sau, giám đốc cho gọi nó lên và hỏi:

- Ngoài công việc ở đây, em còn làm thêm gì?

- Dạ, đi bỏ nước đá cho người ta.

- Thu nhập có khá không, làm cách nào mà em lo cho các em được?

- Gạo thì lâu lâu có người cho, cá thịt thì cũng có nhưng bữa có, bữa không. Đỡ là các em ấy rất ngoan ngoãn, ăn gì cũng được. Điện nước thì phường cho rồi!

- Còn chuyện gia đình, chồng con của em?

- Em sống một mình, xưa cũng trong trại mồ côi được người ta nuôi, cho học hành. Không mẹ cha, không người thân thích, còn chuyện yêu đương thì cũng có đôi người ngỏ lời nhưng em chưa tính. Với lại, lấy chồng bỏ mấy em ấy bơ vơ tội nghiệp.

- Em có thể thông báo với người ta là bắt đầu từ ngày mai em không làm những công việc đó nữa, công việc của em ở công ty cũng đã có người khác lo rồi!

- Sao vậy, thưa giám đốc?

- Em sẽ nhận nhiệm vụ mới. Tôi biết em sẽ thích công việc mới này, nó thích hợp với em hơn. Thôi, em về lo những công việc đó đi, tôi muốn dành cho em câu trả lời bất ngờ và thú vị.

Rồi ông tiếp :

- Anh thương binh đó họ tên gì, em cho tôi xin số điện thoại của anh ấy.

Sáng hôm sau vừa dắt xe ra khỏi nhà thì xe công ty cũng vừa tới, người ta đem đến một xe du lịch loại mười sáu chỗ để chở anh thương binh và các em khuyết tật, một xe tải nhỏ chở hàng hóa, tranh ảnh. Ông trưởng phòng tổ chức công ty trao cho nó tờ quyết định của giám đốc. Trong đó có đoạn:

“Điều 1: Nay thành lập lớp đào tạo nghề miễn phí dành cho người khuyết tật giúp địa phương, phòng số 12, 13 thuộc phân xưởng thiết kế của công ty.

Điều 2: Khi học viên thạo việc, có tay nghề, công ty sẽ tuyển dụng làm nhân viên chính thức.

Điều 3: Cô Nguyễn Thu Thủy phụ trách đời sống của lớp, kinh phí do công ty cấp, lương thỏa thuận.

Điều 4: Ông Lê Công phụ trách giảng dạy và đào tạo tay nghề cho lớp, phối hợp với phòng thiết kế và đào tạo của công ty để nhận tài liệu hướng dẫn và sự giúp đỡ kỹ thuật, lương thỏa thuận”…

Có nằm mơ cũng chẳng bao giờ nó dám nghĩ đến điều đó. Mấy tay thanh niên ba lém hiểu công việc nó làm quay lại phục sát đất. Vài ngày sau, hai ông bảo vệ đem trả lại công ty mấy cây vải và xin nghỉ việc. Ông giám đốc nghiêm nghị, lắc đầu:

- Các anh cứ ở đó, gia cảnh có khó khăn thì người ta mới động lòng tham. Khối gì đứa giàu nứt đố đổ vách mà còn đào khoét công quỹ vẫn trơ trơ ra đó. Các anh không nói thì tôi cũng biết, hẳn các anh rõ, nhưng các anh đã biết ăn năn, hối lỗi đó là điều tôi cần, rất cần. Tôi hy vọng từ nay sẽ không còn một hành vi nào như thế xảy ra. Tôi tặng các anh số vải đó, các anh mang về đi.

Trời đang nóng, các ông bảo vệ vẫn nghe lưng mình đổ mồ hôi lạnh toát.

Thời gian dịu dàng trôi…

Trên bàn làm việc của nó lúc nào cũng có hai đóa hồng tươi rói. Nó biết công việc đó do một trong hai ông bảo vệ thực hiện, còn phía sau lưng họ là ai nó không thích đoán già, đoán non.

  • L.T.M.C
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chái hiên thôn dã  (25/08/2012)
“Bảo bối” của Nhà hát tuồng Đào Tấn   (25/08/2012)
Gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số  (22/08/2012)
Cần sự định hướng tốt hơn   (22/08/2012)
Công bố Pác Bó là Di tích quốc gia đặc biệt  (22/08/2012)
Tích cực “xã hội hóa”  (20/08/2012)
Chất lượng được nâng cao  (20/08/2012)
Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định  (19/08/2012)
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)
Dòng sông quê  (18/08/2012)
Tối nay chung kết Hoa hậu Thế giới  (18/08/2012)
Tiếng hát gửi niềm tin  (16/08/2012)
Gặp gỡ “thần đồng” văn chương nhí của Việt Nam  (16/08/2012)