Di tích Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương:
Cần sớm quy hoạch xây dựng
6:45', 28/8/ 2012 (GMT+7)

Để tiến hành lập đề án quy hoạch, xây dựng di tích “Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác tham quan, nghiên cứu các khu di tích phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.

Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ, tháng 7.1931, hơn 3.000 quần chúng nhân dân huyện Hoài Nhơn xuống đường đấu tranh. Đây là một sự kiện lớn của tỉnh Bình Định và miền Trung lúc bấy giờ. Di tích cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương, thuộc xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002, xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2011, với khu vực xây dựng mở rộng đã được tỉnh phê duyệt là 4.705,9m2.

 

Tượng đài di tích Bến Thủy, tỉnh Nghệ An.

Di tích lịch sử cuộc biểu tình Cây số 7 Tài Lương thuộc xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn là nơi ghi dấu ấn lịch sử vẻ vang về phong trào đấu tranh cách mạng chống Pháp của nhân dân ta trong những năm 1930 -1931, là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Bình Định và cả miền Trung lúc bấy giờ. Di tích này cần được xây dựng, tôn tạo nhằm tôn vinh những cống hiến, hy sinh to lớn của chiến sĩ, đồng bào và đồng chí ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp; qua đó khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tiến hành lập đề án xây dựng công trình di tích “Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác tham quan, nghiên cứu các khu di tích phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.

Tại Hà Tĩnh, đoàn đã tham quan di tích Ngã ba Nghèn, thuộc huyện Can Lộc, là nơi diễn ra phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931. Đây là địa phương diễn ra phong trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt, lập nên chính quyền Xô Viết ở 170 làng, xã trong tỉnh. Sau khi xếp hạng, di tích đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng tượng đài tưởng niệm, sân hành lễ, bia ghi danh sách các liệt sĩ và hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng… Năm 2008, di tích này được mở rộng, tôn tạo, nâng cấp trên diện tích 36.000m2, với tổng vốn đầu tư 112 tỉ đồng, gồm các hạng mục: tượng đài, nhà truyền thống, nhà văn hóa đa năng, bia di tích và các công trình phụ trợ. Dự án được hoàn thành vào năm 2010.

Tại Nghệ An, đoàn đi tham quan di tích Ngã ba Bến Thủy, nơi diễn ra phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Diêm thành phố Vinh. Đây là điểm mốc quan trọng mở đầu, là biểu tượng tình đoàn kết công nông của cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Di tích Ngã ba Bến Thủy được tỉnh Nghệ An quy hoạch với diện tích 35.500m2, bao gồm nhiều hạng mục: tượng đài, phục hồi cột đèn lịch sử, bia di tích, sân hành lễ… Dự án chia làm 2 giai đoạn, khởi công từ năm 2010 và sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Di tích thứ hai ở tỉnh Nghệ An là Tràng Kè, nơi xử bắn 72 chiến sĩ Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Để tri ân những anh hùng liệt sĩ, năm 1988 chính quyền địa phương đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng đài bia tưởng niệm và 3 ngôi mộ còn lại tại di tích. Năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An cùng chính quyền và nhân dân huyện Yên Thành đầu tư 3,8 tỉ đồng tôn tạo, nâng cấp khuôn viên tượng đài, bia ghi danh liệt sĩ, hệ thống sân vườn… Tỉnh Nghệ An cũng đã lập xong quy hoạch chi tiết xây dựng đền thờ 72 liệt sĩ và nâng cấp khu di tích với tổng kinh phí 70 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, địa phương và xã hội hóa.

Di tích thứ 3 ở tỉnh Nghệ An là Thái Lão, thuộc huyện Hưng Nguyên, nơi thực dân Pháp sát hại 217 đồng bào trong phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Di tích ban đầu được tỉnh và huyện xây dựng khu mộ tập thể, tượng đài, đền thờ và sân hành lễ. Từ năm 2010 đến nay, di tích đã được nâng cấp, xây mới tượng đài, đền thờ, mở rộng sân hành lễ… và đang tiếp tục mở rộng.

Di tích thứ 4 là Tượng đài các anh hùng liệt sĩ trong phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Đài tưởng niệm được xây dựng năm 1980, biểu tượng hình ngọn đuốc và hệ thống phù điêu bằng xi măng cốt thép.

Các di tích liên quan đến phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã sớm được quy hoạch, đầu tư xây dựng xứng tầm với giá trị lịch sử vốn có. Hy vọng, Bình Định cũng sẽ quy hoạch, xây dựng khu di tích lịch sử quốc gia “Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương”, để có thể hoàn thành vào dịp kỷ niệm 85 năm diễn ra phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, năm 2016.

  • THANH QUANG - HỮU THỌ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Sóng Rạch Gầm” tỏa sáng trời Nam  (27/08/2012)
Đặng Thu Thảo đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012  (26/08/2012)
Tờ quyết định bất ngờ  (25/08/2012)
Chái hiên thôn dã  (25/08/2012)
“Bảo bối” của Nhà hát tuồng Đào Tấn   (25/08/2012)
Gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số  (22/08/2012)
Cần sự định hướng tốt hơn   (22/08/2012)
Công bố Pác Bó là Di tích quốc gia đặc biệt  (22/08/2012)
Tích cực “xã hội hóa”  (20/08/2012)
Chất lượng được nâng cao  (20/08/2012)
Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định  (19/08/2012)
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)
Dòng sông quê  (18/08/2012)