Phát lộ tháp Chăm lớn nhất
16:2', 29/8/ 2012 (GMT+7)

Ngày 28.8, nhóm khảo cổ học khai quật di tích Chăm ở làng Phong Lệ (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) công bố những kết quả ban đầu sau hơn 1 năm đào bới. Một nền văn hóa Champa nghìn năm trước đã phát lộ qua những hiện vật.

 

Đền tháp Chăm Phong Lệ - những ngày đầu khai quật.

 

Bí ẩn hố thiêng

Theo Trưởng nhóm khảo cổ Nguyễn Chiều (Giảng viên khảo cổ học, khoa Lịch sử, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhóm đã thấy phát lộ một quần thể kiến trúc đền tháp Chăm, được suy đoán có niên đại khoảng thế kỷ 10–11.

Dưới độ sâu mấy mét đất là chân móng của một tòa tháp Chăm rất lớn. Chân móng có cấu trúc bình đồ gần hình chữ thập.

Từ cửa đông tới tây dài 23,15m, cửa bắc tới nam dài 19,30m; móng tường đông-tây dài 15,85m, móng bắc-nam dài 16,15m.

Bề mặt của chân móng khá bằng phẳng, được tạo bởi một lớp gạch vụn (cổ) dày 10cm, đầm rất chắc chắn.

Phía dưới lớp gạch vụn khoảng 2m là những lớp gạch vụn đầm khác, xen kẽ đá cuội và cát trắng mịn chưa từng thấy.

Điều đặc biệt nhất của đợt khảo cổ lần này chính là phát hiện hố thiêng. Đó là một hố vuông có độ sâu cùng với móng tháp ngay ở chính tâm của móng.

Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đo đạc để phục dựng lại hình hài của tháp Chăm, đây chính là điều đặc biệt nhất trong cuộc đời nghiên cứu tháp Chăm của ông, ở cả Mỹ Sơn, Dương Long (Tuy Phước - Bình Định) hay Chương Mỹ (Quảng Nam).

“Có hai điều khác biệt ở đây làm tôi kinh ngạc, đó là những số liệu cho thấy, tháp Chăm ở Phong Lệ chính là ngọn tháp lớn nhất từ trước đến nay mà chúng ta phát hiện. Thứ hai là những hốc lõm ở hố thiêng”, họa sĩ Hỷ nói với PV Tiền Phong.

Hố thiêng không lạ với họa sĩ Hỷ, bởi lần khai quật tháp G1 (Mỹ Sơn) cũng phát hiện ra, sau đó là tháp F1, H1. Tuy nhiên, quy mô của các hố thiêng này nhỏ hơn ở Phong Lệ.

Ở Mỹ Sơn, hố G1, hình chữ nhật diện tích: 2,2x 2,31m; ở F1: 1,48 x 1,48m, còn ở Phong Lệ: 4,26 x 4,26m.

Theo ông Hỷ, điều khác biệt đến từ 8 hốc lõm chỉ có ở Phong Lệ, có thể đó là 8 hốc để thờ bởi những hiện vật rất giống với 8 gian thờ ở các khu A1 – A8 ở Mỹ Sơn.

Về sự đồ sộ thì hiện nay, tháp Chăm cao nhất là tháp Dương Long cao 41m, có lòng chân móng 5,5m, nhưng ở tháp Phong Lệ, lòng chân móng là 6,46m. Điều này chứng tỏ, ít nhất, khu tháp ở Phong Lệ sẽ cao hơn 41m.

Theo phỏng đoán của ông Nguyễn Xuân Mạnh (giảng viên khảo cổ, khoa Lịch sử, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên đoàn khảo cổ), rất có thể hơn 1.000 năm trước, đây là một trung tâm kinh tế, đô thị sầm uất hoặc là nơi giao thương qua lại nên bậc tiền nhân người Chăm đã cố ý xây khu tháp lớn này.

“Không thể coi đây là thánh địa như Mỹ Sơn, bởi khu quần thể xung quanh vẫn còn nhiều di tích khác chưa phát lộ, và là nơi sinh sống giao thương qua lại”, ông Mạnh nói.

Ông Hỷ, ông Mạnh cùng nhiều chuyên gia khác đều cho rằng, tất cả chỉ là phỏng đoán, còn câu chuyện ngàn năm trước thế nào, hình hài tháp ra sao, đây là khu kiến trúc gì... tất cả có thể mãi mãi nằm trong vòng bí ẩn.

 

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ bên hố thiêng Champa Phong Lệ vừa phát lộ.

 

Chờ khai quật, bảo tồn

Ông Mạnh nói, trong những ngày khai quật, qua lời kể của người dân về việc họ phát hiện những hiện vật trong quá trình làm nhà, rất có thể còn nhiều di tích khác chưa được phát hiện, qua đó sẽ tạo nên một quần thể kiến trúc Champa rộng lớn ở nơi đây.

Ông Nguyễn Chiều trăn trở: Đã có những kết quả khả quan ban đầu, đã rõ ràng phát lộ một quần thể kiến trúc di tích, kèm theo đó là một nền văn hóa nghìn năm trước, giờ đây, rất mong chính quyền cho phép, cấp kinh phí để lập một dự án khai quật, bảo tồn để đi đến một dấu mốc cuối cùng, vẽ lại được tối đa quần thể đền tháp Phong Lệ.

Theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc bảo tàng Chăm Đà Nẵng, việc bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu khai quật là rất cần thiết để giữ gìn quần thể văn hóa ngàn năm, trong khi đây lại là nơi phát lộ một cách hoàn hảo nhất về một công trình tháp Chăm ở Đà Nẵng.

Khó khăn chính là điểm khai quật sẽ rộng lớn, nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, có 4 thuận lợi lớn để biến nơi đây thành một điểm đến du lịch trong quần thể du lịch Đà Nẵng, gồm: Phong Lệ nằm trong quần thể văn hóa Chăm, trục giao thông thuận lợi, sát trung tâm Đà Nẵng và người dân sẵn sàng hợp tác.

Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng, cho hay, đã giao Bảo tàng Chăm lên phương án hoàn chỉnh, sau đó Sở sẽ trình lãnh đạo thành phố duyệt dự án bảo tồn, khai quật.

Không biết thời gian hoàn thành dự án bao lâu, trình ký, phê duyệt thế nào, nhưng nhiều chuyên gia lo lắng, khi ông Chiều tiết lộ: Mới một trận mưa lớn đêm 27.8 đã làm sụt lún, xóa nhiều công sức của đoàn khảo cổ.

. Theo TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần sớm quy hoạch xây dựng  (28/08/2012)
“Sóng Rạch Gầm” tỏa sáng trời Nam  (27/08/2012)
Đặng Thu Thảo đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012  (26/08/2012)
Tờ quyết định bất ngờ  (25/08/2012)
Chái hiên thôn dã  (25/08/2012)
“Bảo bối” của Nhà hát tuồng Đào Tấn   (25/08/2012)
Gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số  (22/08/2012)
Cần sự định hướng tốt hơn   (22/08/2012)
Công bố Pác Bó là Di tích quốc gia đặc biệt  (22/08/2012)
Tích cực “xã hội hóa”  (20/08/2012)
Chất lượng được nâng cao  (20/08/2012)
Đời tôi đã gắn bó với quê hương Bình Định  (19/08/2012)
Hoa hậu Trung Quốc thắng nhờ “sân nhà”?!  (19/08/2012)
Thương nhớ ngõ quê…  (18/08/2012)
Cơn mưa bất chợt  (18/08/2012)