Làng nghề dệt chiếu Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, đã trải qua lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề nhằm góp phần gìn giữ, lưu truyền di sản văn hóa này đã được đặt ra bằng một dự án.
Trước giải phóng, làng nghề dệt chiếu Chương Hòa chỉ có vài chục khung cửi và không đầy 3ha trồng cói. Sau đó, các hộ gia đình trồng cói và dệt chiếu được quy tụ vào làm ăn tập thể trong Hợp tác xã nông nghiệp; đến năm 1986 thì tách ra Hợp tác xã chuyên trồng cói và dệt chiếu, với 150 hộ xã viên, 12 ha ruộng trồng cói. Chuyển sang cơ chế thị trường, chiếu cói Chương Hòa cũng có những lúc điêu đứng trước cảnh mất giá trầm trọng và chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Nhưng, phần lớn hộ dân vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống.
|
Hộ sản xuất chiếu bằng máy dệt của gia đình chị Trần Thị Tư ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. |
Sức sống làng nghề
Người thợ Chương Hòa đã tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm dệt chiếu từ các nơi khác, kết hợp với sự sáng tạo, bàn tay khéo léo để cải tiến mẫu mã chiếu làng nghề đẹp hơn, mang đặc trưng riêng, như: chiếu trắng, chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu long phụng… nổi tiếng một thời. Đặc biệt, làng nghề dệt chiếu Chương Hòa còn có sản phẩm chiếu cổ lồi có hoa văn nổi đã từng đoạt giải thưởng tại Hội chợ triển lãm sản phẩm thủ công toàn quốc năm 1986.
Năm 2009, Hợp tác xã dịch vụ điện năng Hoài Châu Bắc đầu tư sản xuất thành công máy dệt chiếu cói với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp nâng cao năng suất nhiều lần so với dệt thủ công, đồng thời giảm chi phí đầu tư mua máy, nhân lực lao động. Sản phẩm chiếu Chương Hòa làm ra từ máy cũng có chất lượng đồng đều và đẹp hơn, thuận tiện điều chỉnh kích thước, mẫu mã, giảm giá thành. Ông Nguyễn Đức Đạm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, cho biết: “Hiện làng nghề chiếu Chương Hòa có trên 300 hộ sản xuất ở các thôn Chương Hòa, Gia An, Gia An Đông, Gia An Nam, Quy Thuận. Trong đó, có hơn 250 hộ dệt chiếu theo cách thức thủ công, các hộ còn lại đầu tư mua hơn 80 máy dệt chiếu để nâng cao năng suất”.
Giá thành mỗi máy dệt chiếu hiện nay là 30 triệu đồng. Với chiếc máy này, mỗi lao động dệt được 8-10 chiếc chiếu/ngày; trong khi đó, nếu dệt thủ công thì hai người cùng dệt cũng chỉ được 6-7 chiếc chiếu/ngày. Thôn Gia An Đông có số hộ dệt chiếu nhiều nhất của xã Hoài Châu Bắc, với số hộ dùng máy dệt chiếu nhiều nhất - 50 máy. Chị Trần Thị Tư, chủ một cơ sở dệt chiếu bằng máy ở thôn Gia An Đông, so sánh: “Từ chỗ chỉ mua bán chiếu, thấy được hiệu quả của nghề dệt chiếu, gia đình tôi đã đầu tư mua 5 máy dệt, trung bình làm khoảng 40 chiếc chiếu/ngày theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”.
Sự phát triển của làng nghề dệt chiếu Chương Hòa còn được tiếp sức khi làng nghề đã được đưa vào Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể
Chiếu cói Chương Hòa không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị văn hóa, là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của làng nghề Bình Định. Vì vậy, Sở VH-TT&DL đã chọn làng nghề dệt chiếu Chương Hòa để thực hiện Dự án văn hóa phi vật thể năm 2012.
Sở đã tiến hành các bước chuẩn bị khảo sát điền dã, điều tra cơ bản. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành các hoạt động của dự án để hoàn thành các sản phẩm: báo cáo khoa học về lịch sử hình thành, thực trạng sản xuất, quy hoạch làng nghề, những yếu tố tác động… liên quan đến bảo tồn và phát triển làng nghề này; chương trình phim tư liệu về quy trình dệt chiếu và bảo tồn làng nghề dệt chiếu Chương Hòa; tập ảnh gồm 200 ảnh khảo tả về làng nghề và ghi âm sưu tầm, phỏng vấn các nghệ nhân dệt chiếu…
Ông Dương Tấn Sinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Chủ nhiệm Dự án văn hóa phi vật thể Làng nghề dệt chiếu Chương Hòa, cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để hoàn chỉnh và nghiệm thu sản phẩm của sản phẩm vào tháng 12.2012. Qua đó sẽ tiến hành xây dựng dữ liệu, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản làng nghề truyền thống, góp phần cung cấp dữ liệu cho mô hình làng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Sau khi hoàn thành, sản phẩm của dự án này sẽ được gửi cho Bộ VH-TT&DL để đưa nạp vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể”.
|