1.
|
Nhà thơ Lệ Thu (bên trái) và nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc. (ảnh: Internet) |
Từ tập thơ đầu tay “Xứ sở loài chim yến” đến tập mới nhất “Tri âm của đất”, năm 2009, tập thơ thứ 10, và nếu tính thêm cả trăm bài đang sắp xếp cho tập thơ mới, có thể nói đó là sản phẩm của gần 40 năm cầm bút của chị Lệ Thu.
Tôi nêu vài thống kê nhỏ ấy cũng chỉ để nói điều này, khởi đầu những vần thơ in báo đến các cuốn sách từ bấy đến giờ của chị là một vạch thẳng băng, nhất quán về những suy tư và thi pháp, về bản lĩnh và điềm đạm một tấm lòng, một niềm tin. Đó là sự thẳng băng nhất quán của người - thơ Lệ Thu.
Đang là phó phòng biên tập chương trình phát thanh “người phụ nữ mới” của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1973, chị đăng ký đi chiến trường Miền Nam, được cử làm phó đoàn phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú Trung Trung bộ. Chị tâm sự, cái không khí tình nguyện đi B của văn nghệ sĩ, báo chí lúc ấy thật náo nức và thiêng liêng. Nhiều người có suất đi học nước ngoài cũng xin gác lại. Riêng chị, chị bảo vợ chồng nhà văn Bùi Minh Quốc - Dương Thị Xuân Quý có con mới mấy tháng tuổi cũng xung phong đi vào Nam. Con trai chị cũng đã sáu tuổi rồi, lẽ nào mình không bằng người? Là đi, rời một tổ ấm gia đình, lên đường hăm hở và chút vương vấn nỗi niềm mẹ con. “Bởi không muốn con lớn lên phải làm nô lệ/ Nên bây giờ mẹ ra đi/ Tuổi bé thơ con chưa biết gì/ Riêng mẹ biết: con rất cần có mẹ/ Biết con thiệt thòi hơn nhiều đứa trẻ/ Bởi thiếu bàn tay mẹ lo chăm/ Nhưng lòng con sẽ sáng mặt trăng rằm/ Khi lịch sử sang trang con vẫn nhìn thấy mẹ/ Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ Trong vinh quang con không phải cúi đầu!”. (Viết cho con). Và thật nhiều cảm thương với tấm lòng người mẹ trước lúc lên đường: “Gà gáy tan canh nắng hửng chân trời/ Con ở lại với ông bà con nhé/ Xin cơn bấc có thổi về thổi nhẹ/ Xin trưa nồng cái nắng bớt oi/ Xin bình yên từng giấc ngủ trong nôi/ Ơi tiếng chim chuyền/ Ơi làn hương nội/ Cả chiếc lá trong vườn và cánh bướm quanh sân/ Cho tôi hôn tất cả một lần/ Những bạn nhỏ của con tôi ở lại”. Bài thơ hoàn thành ở Trường Sơn năm 1973, được in trên tạp chí Văn nghệ giải phóng, rồi năm sau, tạp chí Văn nghệ quân đội in lại. Thật xúc động khi các nhà văn quân đội đem tờ tạp chí đến tận nhà tặng cho con trai mới vào lớp một của chị, và bài thơ với số tạp chí ấy như một kỷ vật thiêng liêng ngày đoàn tụ sau giải phóng đất nước 1975.
Có thể nói, bài thơ là điển hình cho thơ Lệ Thu ở cảm thức về Tổ Quốc và tấm lòng người mẹ. Chị còn viết nhiều cho con, như những người phụ nữ khác, có khi bằng lời hát ru đẫm chính khí: “Chênh vênh vách đá ngàn khơi/ Mẹ xây tổ giữa một trời sóng chao/ Cho con biết tự dạt dào/ Hiên ngang từ phút ban đầu loài chim…”. (Lời ru chim yến). Có khi chắt đọng đơn giản một lòng mẹ, một người mẹ-thi-sĩ: “Vần thơ dù dở, hay/ Đời mẹ dù đắng chát/ Vẫn dành riêng khúc hát/ Ngọt lành này cho con” (Cho con).
Cảm thức Tổ Quốc sau này chủ yếu gửi gắm vào nỗi niềm nhân thế, cả thơ tình cũng nhiều khi hòa vào thành những riêng chung đau đáu, day dứt, và đây là mảng chiếm phần lớn trong thơ chị. Bài thơ viết năm 1984: “Năm tháng đã qua, năm tháng đang về” hội đủ những tâm trạng và dự cảm sẽ đeo đẳng và ám ảnh suốt đời chị, thơ chị. Thời đã qua là thời “Từng chiếc lá cũng xếp hàng ra trận”; đến “Ôi đất nước cái ngày xong giông bão/ Nắng mênh mông trong mắt chúng tôi cười”, ngay lập tức là cảnh “Người con gái trở về làm mẹ/ Người con gái trở về băng vết thương đau xé/ giữa mặt trận đời thường viên đạn nấp sau tim”. Và chị, với nghịch cảnh riêng tư, với niềm yêu tin rất rạch ròi về lẽ phải, về lý tưởng cao đẹp, đã biết con đường trước mắt, những năm tháng đang về “dẫu chẳng đạn bom” cũng “cần hai lần dũng cảm”.
Như bao thi sĩ khác, đề tài thơ tình chiếm phần không nhỏ trong thơ Lệ Thu. Ngoài in hẳn tập thơ “Chân dung tình yêu”, năm 1996, tập thơ nào của chị cũng dành một mảng quan trọng cho những xúc cảm riêng tư, cho tình yêu đôi lứa. Hết mực dịu dàng yêu thương và thường nhận về mình những “thua thiệt” hoặc buồn đau nhiều nữ tính.
2.
Lệ Thu là người phụ nữ sắc sảo và quyết liệt: yêu tin hết mực mà cũng thẳng thắn, không khoan nhượng trước những xảo trá, dối lừa. Trong đời và cả trong thơ. Đời thì người nữ sắc sảo quá hẳn khó suôn sẻ chuyện riêng tư; còn thơ, cái hừng hực tiến công chỉ hợp thời đất nước gian nan, thời thơ như một vũ khí. Dù biết thời bình, “mặt trận đời thường viên đạn nấp sau tim” nhưng chị vẫn thật mạnh mẽ vạch trần cái xấu, cái gian ngoan, giảo quyệt với nhiệt huyết thuở nào. Thường là bằng giọng thơ buồn bã, cất cao lời bất lực. Vì hẳn chị thấy nó, cái xấu cái ác ấy, mỗi lúc mỗi nhiều. Nhất là sau này khi chị được gắn với những công việc có trách nhiệm nhiều hơn với đời sống xã hội, chứ không chỉ cái tự nguyện thi sĩ.
Từ năm 1992 đến 1997, nhà thơ Lệ Thu được bầu làm Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Năm năm này cũng là thời điểm chị làm Đại biểu Quốc hội khóa IX. Mỗi kỳ họp, rất dễ nhận ra đại biểu nhà thơ này với những phát biểu thẳng thắn đôi khi gay gắt về những sai phạm các ban ngành Trung ương, các phát biểu chủ yếu xoay quanh những tiêu cực và chống tham nhũng.
Dễ hình dung những nổi trội của phát ngôn nhiều nhiệt huyết của Lệ Thu cũng là một phần hồn thơ chị thời này và sau đó: nó đau đáu một nỗi niềm, kiêu hãnh và buồn, đôi khi thành cực đoan, thành thách thức. Tôi rất quen, rất hiểu chất “lửa” trong thơ chị qua chuỗi dài nhất quán thơ - người đáng trân trọng ấy. Dù trân trọng nhưng không tin sức vọng động những cảm xúc thơ ấy thời bình còn nhiều hiệu quả. Đã qua rồi thơ cùng những chiếc lá xếp hàng ra trận, giờ yên bình và những hư hao khác, nên không phải cứ ồn lên, cứ vạch mặt chỉ tên kiểu đẹp đẽ và “bí quyết” phê - tự phê xa lắc. Đã khác lắm, người. Thì cũng không thể cứ vậy, thơ.
Đó là lần tôi nói thẳng với chị. Khi chị tặng tôi tập thơ “Mây Trắng”, năm 2005. Thời này chị cũng đã về hưu mấy năm rồi. Mọi ồn ào phồn hoa danh lợi gì gì cũng lùi xa xa rồi. Vừa mừng cho chị khi thấy: “Những gì còn lại sau phong ba/ sẽ nảy lộc đâm chồi/ và dịu dàng đến cùng ta/ một ngày kia/ mây trắng”. Tôi cứ đọc từng trang trong một sinh hoạt ở chi hội văn học, rồi vướng phải bài này: “Biết, nói/ Không biết, hãy im lời/ Liệu nổi được thì xuống nước/ Đừng tóm người làm chiếc phao bơi” (Lương thiện). Đọc qua là thấy ngay bài thơ có hai chục chữ mà chuyển tải một vấn đề không nhỏ và cái tên bài thơ chưa khái quát hết.
Nhưng nó cứ cộm lên. Nó thông minh sắc sảo. Và, xa lạ. Thơ không cần phải vậy. Thơ có thể cải tạo thế giới hay làm cho con người đẹp hơn bằng những minh triết, những giãi bày, chia sẻ, những đồng cảm đồng hành, khi tâm thế cá nhân và cộng đồng hòa nhịp. Cuộc hòa nhịp ấy có thể long trời lở đất. Nhưng thơ sẽ trở thành yếu ớt, thành lơ ngơ nếu nói lời rao giảng có tính chủ quan.
Mọi ý thức “khải thị” khi buông lời sẽ không còn mấy giá trị. Huống chi thơ…
Tôi đã nói với chị. Cũng thẳng thắn như chị. Và thật ngạc nhiên khi chị không giận dỗi, không gay gắt tranh biện với kẻ hậu sinh lếu láo vài trang viết như tôi, mà, chị đồng ý. Đồng ý nhận thấy mình chưa vượt thoát hết những vướng lụy, vì “tức quá không chịu được” mà bật ra thế.
Cái hăm hở và quyết liệt của chị có mặt hạn chế đó. Không riêng thơ, cả những bài viết, tham luận của chị cũng thẳng băng và quyết liệt không kém trước những nhố nhăng kệch cỡm tuyên ngôn hay những cách tân, đổi mới quá xa lạ với quan niệm thơ truyền thống, theo chị. Không khoan nhượng, không né tránh- cái cực đoan, thẳng thắn ấy của chị cũng khiến nhiều người không đồng ý. Biết làm sao được, chị đã sống đúng là mình.
3.
Chị tự đúc kết về mình, về thơ: “Tình thì gặt những bão giông/ Thơ thì gieo những cánh đồng bỏ quên/ Hão huyền ngọn gió không tên/ Lơ mơ một cõi tháp đền ngàn năm” (Là tôi). Tuy có chút chua xót mà “nhận ra” sự hão huyền của mình, tình thì đành vậy, thơ rất rõ có chủ đích “gieo những cánh đồng bỏ quên”, chị vẫn không nguôi hy vọng, về một đổi thay tốt đẹp hơn: “Dẫu một mình chói chang/ dẫu một mình tàn lụi/ trái tim không bóng tối/ chẳng khi nào cô đơn” (Một mình); hay “Có lẽ/ phải kiên nhẫn và bền lòng như đất/ để chấp nhận đợi chờ/ và nói tiếng cỏ non” (Bền lòng như đất)…
Còn đây là chiêm nghiệm chứ không phải triết lý, một “giật mình nhận ra” rất Lệ Thu: “Vòng kim cô” nghiêm khắc/ chỉ mình Tôn Ngộ Không quằn quại đau// Đường thỉnh kinh dài tận muôn sau/ cuồn cuộn nước sông Hằng/ giảng về kinh không chữ” (Xem phim Tây du ký).
Nhà phê bình Mã Giang Lân đã có nhận xét khá xác đáng về thơ Lệ Thu: “Thơ Lệ Thu chưa có cách tân gì về câu chữ, thể điệu, ngôn ngữ diễn đạt, nhưng lại rất chín trong cảm xúc và trí tuệ. Trí tuệ và cảm xúc tạo nên những cân bằng trong thơ chị. Người đọc yêu cầu thơ phải thỏa mãn được tình cảm và thỏa mãn được cả trí tuệ. Lệch bên nào cũng không ổn. Tình cảm quá thơ sẽ không cất mình lên được, trí tuệ quá thơ sẽ thiếu cái màu mỡ, xôn xao của cuộc đời…” (VN số 27, 1.7.2000). Tất nhiên rồi, vấn đề cảm xúc, tình cảm, trí tuệ… ở đây là theo cách đọc của hệ mỹ học truyền thống.
Còn chị tự bộc bạch về sự ảnh hưởng đến đời thơ của mình: “Thơ Xuân Diệu, Huy Cận khiến tôi yêu thơ, yêu con người, thơ Tố Hữu khiến tôi yêu Cách mạng. Còn cuộc đời và sự nghiệp của họ khiến tôi tự hào và muốn tiếp bước”. Sự ảnh hưởng này là chị nói về cái thuở ban đầu đến với thơ bốn mươi năm trước. Nhưng bây giờ mà vẫn nhắc tới Tố Hữu, Lệ Thu đã luôn thành thật với chính mình. Chị đáng tin, đáng trân trọng vì không chối bỏ những suy nghĩ đúng lòng mình, dù không hợp “mốt”. Phải rồi, các tuyên ngôn về thơ cũng có “mốt” như thời trang.
4.
Bây giờ, chị sống trong ngôi nhà trên con đường nhỏ xóm công chức yên tĩnh. Người con trai duy nhất của chị và gia đình định cư Hà Nội. Sức khỏe chị không hợp với cái lạnh xứ Bắc nên mỗi năm cũng sắp xếp gần con, cháu mấy ngày. Gần đây chị dành nhiều thời gian cho thăm thú, vãn cảnh và cho bạn văn nhiều thế hệ. Uy tín chị từ thơ đến công tác Hội trước đây khiến chị phải dành khá nhiều thời gian tiếp khách. Mấy ông thơ Đường ở Câu lạc bộ phường. Mấy cháu sinh viên mê thơ. Những bạn trẻ văn chương, báo chí… Hằng ngày. Mà vui. Chị luôn có những người bạn yêu tin quanh mình, những người hiểu và chưa hiểu chị, hay hiểu, yêu quý chị theo cách họ.
Tôi điện thoại nói chị gửi bài thơ cách đây cũng mấy tháng nghe chị đọc ở cái quán nào đó khi mấy chị em ngồi với nhau, bài “Di chúc của tình yêu”. Và bảo dù rất thích bài thơ tình trong trẻo “Lời của mắt” của chị, tôi vẫn muốn độc giả đọc bài mới và có vẻ “hiện đại” của chị, chị cười vui rồi khoe, gần đây chị viết thơ tình nhiều lắm! Chẳng biết sao nữa, nhưng làm nhiều thơ tình thì hẳn cảm giác bất lực, day dứt thế sự vợi bớt.
Xem thử Lệ Thu “di chúc” gì cho tình yêu: “Nếu một hôm tin nhắn của anh không có “hồi đáp” lại/ Điện thoại reo không có tiếng trả lời/ Hoặc có tiếng tổng đài: thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau!/ Thì anh hãy thắp nén hương cắm lên bàn thờ Phật/ Xin được gặp em trong hình dáng ban đầu/ Tóc xỏa ngang vai/ Nụ cười trong suốt/ Đóa môi hồng/ Đôi mắt ướt tròn đen…/ Em sẽ về trong phảng phất hương Sen/ Trong e ấp hoa Quỳnh/ Trong xót xa Nguyệt quế/ Anh đừng khóc/ Cuộc đời là như thế/ Còn em của anh mãi mãi chỉ là hương”. Dù đúng là trong tình yêu, con người chỉ muốn lưu lại trong người tình hình ảnh đẹp nhất của mình: “tóc xỏa ngang vai, nụ cười trong suốt…”, nhưng với nữ sĩ Lệ Thu, khoảng thời gian ấy còn là đẹp nhất cuộc đời chị, cái đẹp của tuổi trẻ yêu tin, tận hiến cho tình yêu, cho lý tưởng cao đẹp. Đây là khoảng đời người chị gọi là “vàng mười” của tâm hồn, trí tuệ, khát vọng và mơ ước. Tài sản quý giá này Lệ Thu đã không hề do dự, hăm hở đặt cược, và: “Tôi đem tất cả vàng mười/ Đặt lên canh bạc cuộc đời… Và thua!” (Vần thơ Thị Kính).
Tôi tin chị đúc kết chân thành. Thời gian nan của đất nước, của dân tộc, chị đã cùng tuổi thanh xuân các thế hệ dâng trải cho khát vọng lớn lao chung, lý tưởng ấy là mục đích hướng tới, sau này lại thành thử thách cho những ai. Tâm trạng “người cùng thời”, “người đồng hành”, về sau, khi lòng người nhiều thay đổi, nhận ra sự “thua”, ít nhiều chua chát chắc không riêng chị. Như đã nói, chị vốn thẳng thắn và chân thành nên không né tránh việc kiểm định về mình có phần cay xót, có phần tự trào, về một thời đời người thường được khuyến dụ gọi khá rạch ròi và khuôn mẫu 3 “mục tiêu” để vươn tới là lý tưởng, sự nghiệp, tình yêu.
Nhưng cái thời cảm thức riêng chung hòa quyện cũng đã làm nên nét tiêu biểu độc đáo cho thi ca cách mạng, chị đã là một phần của dòng chảy đáng kính trọng ấy. Những người trẻ bây giờ có thể không viết như thế hệ chị, nó khác xa quá nhiều thứ, nhưng chắc rằng vẻ đẹp của những yêu tin và day dứt, của mục đích và lý tưởng sống tự nguyện dâng trải, vẻ đẹp của không toan tính, vụ lợi trong thơ chị và thế hệ ấy mãi còn giá trị. Vậy nên cái vàng ròng Lệ Thu đặt cược hết vốn đã không “thua” trắng tay, vì chị là một nhà thơ với đúng nghĩa đẹp nhất của từ này.
|