Ra đảo xem hội bài chòi…
19:52', 8/9/ 2012 (GMT+7)

Đầu tháng 9, lần đầu tiên Hội đánh bài chòi cổ đã về với người dân xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Luôn trông ngóng đến ngày những làn điệu ngọt ngào ấy ngân vang trên vùng cát đầy nắng gió quê mình, nên lần ra mắt này, Hội đánh bài chòi cổ đã được người dân đón chào nhiệt thành.

 

Anh Hiệu Hoàng Việt đang tiến hành nghi thức tặng cờ, dâng rượu tại chòi thắng cuộc.

 

1.

Với xã đảo Nhơn Châu, những món ăn tinh thần đậm màu sắc dân gian còn ít ỏi, nên hay tin sẽ có hội đánh bài chòi, mà lại do đoàn bài chòi cổ xã mới thành lập biểu diễn, người dân vô cùng háo hức. Bà Nguyễn Xóm, 74 tuổi, ở thôn Trung, cười nói: “Hay tin có hội bài chòi cổ tui mừng quá. Vậy là đến cuối đời vẫn còn được tham gia một hội đánh bài chòi”...

Đêm 31.8, từ UBND xã Nhơn Châu đã vang lên tiếng đàn nhị, trống chiến. Người dân nô nức kéo về và thích thú nhìn thấy một số “cây văn nghệ” của xã tay cầm thẻ tre, miệng ngân nga những câu hát dí dỏm, vui tai. Hỏi ra thì biết, đó là anh (chị) Hiệu đang luyện hô thai cho Hội đánh bài chòi cổ diễn ra vào hôm sau. Anh Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, sắm vai anh Hiệu ngọt quá nên được người xem ủng hộ bằng những tràng vỗ tay giòn giã. Anh Phước chia sẻ: “Đội bài chòi cổ của Nhơn Châu hiện có 4 Hiệu. Tôi và chị Lê Thị Tràng - Chủ tịch Hội LHPN xã - từng tham gia lớp tập huấn bài chòi cổ của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Về địa phương, chúng tôi nhân rộng và phát hiện thêm hai Hiệu mới là anh Võ Xuân Ơn và Nguyễn Xuân Hạnh. Tập tành, rồi hát cho nhau nghe cũng nhiều, nhưng chưa lần nào chúng tôi biểu diễn trước bà con. Thấy bà con kéo đến ủng hộ như vầy, tụi tui thấy tự tin hơn”.

Đêm 1.9, chưa đến 7 giờ, khu vực gần cầu cảng, đối diện UBND xã Nhơn Châu đã tập trung đông người. Người già, người trẻ cùng háo hức, vì từ sau Lễ hội Lăng ông tổ chức vào tháng ba âm lịch, chưa có dịp nào người trong xã lại tụ họp đông vui đến vậy.

Lượt chơi đầu tiên, đã có người ngồi kín chòi (tạm thay bằng bàn nhựa). Hồi trống khai hội vừa dứt, anh Hiệu đã chỉnh tề áo kiểu vạc hò, khăn chít đầu, tay xốc ống bài, rút ra một trong số 27 thẻ bài. Trước khi xướng tên con bài, để tăng sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai có tên con bài. Tiếng gió, tiếng sóng như đệm thêm đàn cho câu thai bay xa. Bàn nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh Hiệu mang bài đến. Trúng ba con bài là bàn đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Nghi thức trao cờ, dâng rượu và tiền thưởng đến bàn thắng cuộc lạ mắt với không ít bà con.

Đến đêm sau, cơn mưa to kéo dài từ chiều cho đến tận 8 giờ tối mới ngưng không làm nguội đi sự nồng nhiệt của bà con địa phương với bài chòi cổ. Mưa vừa dứt, người dân đã lại tập trung đông không kém đêm trước. Tiếng đàn, tiếng trống lại nổi lên, giục giã. Những anh (chị) Hiệu đã quần áo chỉnh tề phục vụ bà con. Người hát lẫn người chơi say sưa. Tới tận giờ ngắt điện (11 giờ đêm) vẫn còn nhiều người nán lại, tiếc nuối vì “chưa đã!”. 

 

Hội chơi đã thu hút sự tham gia của người chơi ở mọi lứa tuổi.

 

2.

Từng đưa bài chòi cổ đến nhiều vùng miền khác nhau trong tỉnh, anh Hiệu Hoàng Việt - cán bộ Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn - vẫn không khỏi xúc động trước sự nồng nhiệt của người dân xã đảo dành cho hội đánh bài chòi. Anh tin rằng với sự hưởng ứng và say mê đó, hội đánh bài chòi nhất định sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của những người dân nơi đây.

Một tín hiệu đáng mừng là hội đánh bài chòi cổ lần này đã thu hút sự quan tâm nhiệt tình của người trẻ. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nhiều bạn trẻ đã thuộc và hát theo câu thai. Nhiều bạn trẻ hăng hái giành nhau lên chòi, phấn khích gõ nhịp và vui sướng khi nhận được rượu chúc mừng chòi thắng cuộc của anh Hiệu. Bạn Ngô Thị Mỹ Tỏ, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, hết sức ngạc nhiên và thích thú khi tham gia vào hình thức sinh hoạt dân gian đặc sắc này trong dịp về thăm nhà. Mỹ Tỏ hồ hởi khoe: “Mình đã thắng chòi được hai lần. Có lẽ, mình bị bài chòi cổ “quyến rũ” mất rồi. Chất dân gian từ trong những câu thai dí dỏm, trang phục và cách thể hiện độc đáo của người diễn xướng lôi cuốn mình. Không đặt nặng chuyện thắng-thua, được-mất, trò chơi lành mạnh này mang đến cho mình một cảm giác nhẹ nhàng”.

Phấn khởi vì hội chơi thành công, nhưng anh Hiệu Hữu Phước vẫn hết sức lo lắng vì những khó khăn sắp tới của loại hình sinh hoạt dân gian này tại Nhơn Châu. Theo anh, đoàn bài chòi cổ của xã chỉ mới đủ mặt Hiệu, còn phải làm chòi, và khó khăn lớn nhất là dàn nhạc công. Lần ra mắt này, xã phải mời một số nhạc công lên đảo biểu diễn. Nhiều người đã từ chối vì chặng đò trắc trở, người bận lịch diễn ở nơi khác. Thời gian qua, anh Phước đã khuyến khích một số người có tố chất đi học, song gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền lại níu chân họ. Chuyện làm sao để hội đánh bài chòi sống bền, sống dai với xã đảo vẫn còn là một trăn trở lớn với những người tâm huyết như anh Hiệu Hữu Phước.

  • Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sôi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nhơn Hưng  (06/09/2012)
Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  (06/09/2012)
Làng Thạnh Quang tổ chức hội mừng lúa mới  (04/09/2012)
Những kỷ niệm không thể quên ở Bình Định  (05/09/2012)
Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   (03/09/2012)
Đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao  (03/09/2012)
Ghi nhận từ một cuộc thi  (03/09/2012)
Nhiều hoạt động văn nghệ mừng Ngày Quốc khánh 2.9   (02/09/2012)
Ai quay những thước phim Lễ Tuyên ngôn Độc lập?  (03/09/2012)
Trang vở đầu đời  (31/08/2012)
Về nơi lưu dấu lịch sử cách mạng  (31/08/2012)
Thị trấn Vĩnh Thạnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (31/08/2012)
Huyện Phù Mỹ tổ chức nhiều hoạt động mừng Quốc khánh 2.9  (31/08/2012)
Ngôi nhà phía trước  (31/08/2012)
Hiệu bài chòi và những trăn trở  (30/08/2012)