Khơi ấm bốn mùa
20:14', 8/9/ 2012 (GMT+7)

Thời mà cuộc sống con người vẫn còn gắn bó với củi và lửa, Thao mới tuổi lên chín lên mười, giống mọi đứa trẻ khác ở quê, thường phụ giúp cha mẹ những công việc lặt vặt. Ngoài giờ học, Thao thích nhất mang tải đi quét lá khô về dự trữ chất đốt. Nhà Thao có một ô lớn ngăn bằng xi măng, lá khô gom về cứ chất vào đấy, đun nước uống, nấu cám lợn ngày này qua tháng khác mà không sợ ẩm mốc.

Mùa hè, khi lá thông rụng êm xốp dưới gốc, Thao theo chúng bạn lên đồi, dùng bồ cào nhóm lá lại, bó thành những bó lớn dựa vào cây. Lá thông trơn, không ít lần Thao níu giữ không được, bị trượt, chân tay bầm tím, xây xước hết cả. Thế mà Thao vẫn ham. Mỗi lần, nhìn ngọn lửa bùng lên từ đám lá thông khô khén, niềm vui thầm lan tỏa trong Thao. Đám lá thông lẫn trong nhiều thứ lá khô khác, đến tận mùa đông mới cảm nhận được sự thích thú khi ngồi trong bếp lửa tí tách, mùi nhựa thông ấm áp và đám tàn tro như những chiếc kim lửa nhú lên trông thật ngộ.

Sang mùa thu, những buổi được nghỉ học, Thao thích vào rừng, vừa tranh thủ nhặt hạt dẻ vừa quét lá khô. Khu rừng của quê Thao rất lạ, cứ như những con đường mùa đông ở đất nước hàn đới vậy. Để vào rừng phải men theo một lối đi nhỏ, vượt qua hai rãnh thoát nước nhỏ là những dãy cây cao dễ phải mấy chục năm tuổi. Gió mạnh thổi lá khô bay xuống những rãnh nước, Thao chỉ việc dùng chổi sể nhóm lại, nén chặt vào trong bao tải. Đám lá trong rừng, mang về nhà, Thao rải ra sân phơi mấy nắng liền cho khô rồi mới chất vào ô. Lá sạch và có nhiều mùi thơm đặc trưng khi nhóm lửa. Đôi khi, Thao giữ lại những chiếc lá mịn đẹp, viết vài dòng vu vơ, ép vào trang vở.

Mùa đông đến, Thao thường rủ cô bạn thân đạp xe đến khoảnh đồi nhỏ trồng bạch đàn phía bên kia dòng sông. Tấp xe vào một bụi cây râm mát, hai đứa vác chổi lên đồi, vừa rì rầm nói chuyện vừa quét lá bạch đàn khô rụng xuống. Thao có thói quen mỗi khi bốc xong một đám lá, lại ngồi thụp xuống tìm nhặt quả bạch đàn hình lục giác cho vào túi áo để về xâu chuỗi vòng. Thao còn bóc cả lớp vỏ thân bạch đàn đã long, bẻ ngắn lại cho vào bao tải. Vỏ bạch đàn rất dễ bắt lửa, nhưng cũng chóng tàn.

Khi đã lớn lên, đi học xa, đi làm cách nhà hàng trăm cây số; rồi gia đình chuyển về thị xã, dịch vụ kinh doanh gas phát triển, Thao tưởng rằng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy cảnh người ta quét lá khô về đun bếp. Ấy vậy mà chiều nay, trở về nhà trong kỳ nghỉ, đi tắt qua sân trường cấp một, Thao bỗng thấy một dáng người nhỏ bé lúi húi quét, gom, chất vào bao những đám lá khô rụng đầy xuống mặt đất sau một trận gió lớn. Thao ngước nhìn lên đầu mình. Những tán lá xà cừ, phi lao, phượng vĩ, me, bàng vồng lên như một khoảnh rừng.

Thao bỗng thèm, nhớ mùi lá khô nồng ấm trong gian bếp ngày xưa. Ôm đầy tay một vồng lá khô, Thao ước mình bé lại, không còn những toan tính, muộn phiền, ngày ngày nép dưới những bóng cây già, nhóm chút lá khô về khơi ấm bốn mùa.

  • MỘC ANH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ra đảo xem hội bài chòi…  (08/09/2012)
Sôi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nhơn Hưng  (06/09/2012)
Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  (06/09/2012)
Làng Thạnh Quang tổ chức hội mừng lúa mới  (04/09/2012)
Những kỷ niệm không thể quên ở Bình Định  (05/09/2012)
Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   (03/09/2012)
Đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao  (03/09/2012)
Ghi nhận từ một cuộc thi  (03/09/2012)
Nhiều hoạt động văn nghệ mừng Ngày Quốc khánh 2.9   (02/09/2012)
Ai quay những thước phim Lễ Tuyên ngôn Độc lập?  (03/09/2012)
Trang vở đầu đời  (31/08/2012)
Về nơi lưu dấu lịch sử cách mạng  (31/08/2012)
Thị trấn Vĩnh Thạnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (31/08/2012)
Huyện Phù Mỹ tổ chức nhiều hoạt động mừng Quốc khánh 2.9  (31/08/2012)
Ngôi nhà phía trước  (31/08/2012)