Trăng khóc
20:23', 8/9/ 2012 (GMT+7)

* Truyện ngắn của LƯU THỊ MƯỜI

-  “Mẹ, về nhà đi mẹ! Ở đây sương lạnh lắm!”.

- “Nhưng có về cũng không ngủ được con ơi! Mẹ đứng với con tí nữa”.

- “Con sắp phải đi rồi”.

- “Lạnh lắm không con? Trời mưa gió thế này...”.

-  “Đừng lo cho con, mẹ về đi, con không ở thêm được nữa”.

-  “Mẹ nhớ con lắm, con ơi!”.    

- “Lúc nào con cũng ở cạnh mẹ mà”.

Nàng quáng quàng đưa tay níu giữ, kiếm tìm. Mẹ thích con hiện hữu bên mẹ, nắm được tay con, ôm con vào lòng, chứ không chỉ tan biến nhanh như thế này con ơi! Sao cứ như sương khói?

Nửa đêm về sáng. Chỉ còn sương lạnh và vầng trăng muộn đang nhoài mình len lỏi qua những mịt mùng mây. Vài giọt sáng lẻ loi buồn như nước mắt rơi. Cháo, cơm, chuối, trái cây, vàng mã đặt la liệt ven đường cùng mấy nén nhang nghi ngút khói. Có nhận được gì không hả con? Nàng thất thểu quay về trong loi ngoi mưa đầu đông. Căn nhà vắng tanh. Người đàn ông của gia đình vẫn chưa về. Nhậu nhẹt, tiếp khách, gái gú, thi thoảng ngủ lại đêm ở căn nhà trên huyện. Từ ngày thằng bé mất, mỗi tuần Đán chỉ đảo về vài lần. Mà như thế càng đỡ nặng nề. Ở lại đây, thể nào cũng làm nàng nhớ tới ánh mắt của con!

Một mình nàng vật vã cùng nỗi đau và những giọt trăng muộn.

* *  *

Những giọt trăng muộn cuối tháng. Yếu ớt. Liêu trai. Thi thoảng vỡ tan chút sáng trên mặt sông phẳng lặng vì lũ cá đớp mồi. “Cứ như trăng đang khóc, em nhỉ!”. “Em lại thấy như trăng đang nhảy múa!”. Nàng cười khanh khách, giòn tan, xoa dịu những nỗi niềm cho trăng, cho anh. “Những tối trăng muộn, lúc còn sống, đêm nào mẹ anh cũng ra ngồi ngoài bậu cửa chờ ba quay về. Bà cứ nhìn mãi lên bầu trời, anh hỏi nhìn gì mẹ lại bảo nhìn trăng đang khóc... Mà cũng giống những giọt nước mắt thật!”.  Nàng ngã vào lòng anh, hạnh phúc, chứa chan, không nhìn thấy những giọt nước mắt của trăng...

* *  *

Sao bây giờ đêm trăng muộn nào cũng thấy như đang khóc?

Đán dường như chưa bao giờ thôi ghẻ lạnh thằng bé. Sao gọi là tình phụ tử? Có người cha nào lại nhạt nhẽo với con cả mười mấy năm trời? Chưa bao giờ Đán mất đi cái ý nghĩ thằng bé không phải giọt máu của mình, nhưng lại không hề có ý định nhờ đến sự can thiệp của y học. Sợ nàng tổn thương ư? Hay sợ động chạm đến cái uy tín cán bộ mà Đán đang nắm giữ? Một lần, trong cơn say sau ngày đầy tháng thằng bé, Đán lè nhè: “Về với nhau tháng năm, sao chỉ mới đêm giao thừa đã sinh con?”. Nàng thảng thốt giận đến dại người và không nói một lời. Lặng im cả bao năm sau đó. Không sẻ chia. Không than thở. Cũng chẳng nghĩ đến chuyện rời bỏ Đán để làm lại cuộc đời. Phận đàn bà, hai người đàn ông đi qua trong đời đã bẽ bàng lắm rồi, chỉ biết sống vì con. Sao mới bảy tháng đã ra đời thế con ơi? Vội vàng làm gì? Đời có gì vui mà ra sớm để mẹ đau, còn con thì bị ghẻ lạnh? Có lần cãi nhau, Đán đã bóng gió thằng bé là con ai, chứ không phải giọt máu của Đán. Nàng cũng chỉ lặng im. Chứng minh mà được à, khi niềm tin đã không còn? Một chút cảm nhận về thiêng liêng của tình thâm phụ tử cũng không có ở Đán? Nhắc lại sự khốn nạn của mình làm gì? Chẳng lẽ lại hét to với Đán rằng làm sao nàng có thể rời bỏ anh nếu đã có với nhau những mặn nồng như thế? Rằng nàng chỉ thật sự trở thành đàn bà khi đến với Đán.

* *  *

Cứ ngỡ đã được trở thành đàn bà trong vòng tay ấm áp, yêu thương của người mình yêu. Trăng khuya da diết. Sông quê đồng lõa. Đổ ập vào nhau sau bao đợi chờ, khát thèm. Mãnh liệt. Say mê. Những nụ hôn cuống quýt nồng nàn. Vồ vập ham muốn. Người đàn ông trên người nàng chợt rũ rục. Điên dại cố gắng. Vật vã. Rỗng tuếch. Sao lại thế này? Anh đấm mạnh tay, vật người bất lực giữa đêm khuya trong ánh mắt thảng thốt, hẫng hụt của nàng. Nàng úp mặt giấu những ê chề vào cỏ. Tay bấm chặt mặt đất đến tứa máu. Kiềm chế, đè nén những vẫy vùng đang thét gào điên loạn trong cơ thể căng tràn không được thỏa mãn. Đêm quê bình yên. Trăng muộn bình yên. Sao lòng nàng lại bão giông đến thế?

Đêm thứ hai... Đêm thứ ba... Không chịu nổi tiếng thở dài và những thổn thức thầm trong nàng, anh lặng lẽ bỏ ra đi. Nàng ngơ ngác, kiếm tìm trong những đêm trăng muộn bên bờ sông. Trăng vật vã những giọt buồn. Trăng rơi nước mắt. Nhiều đêm, nhiều đêm... rồi ngã vào lòng Đán. Đán vẫn đợi chờ. Ngụp lặn. Thỏa thuê. Xoa dịu những khát thèm. Ngu muội vì cám dỗ.

* *  *

Thằng bé bắt đầu hư từ lúc nào, nàng không nhận ra. Vẫn thấy nó cắp sách đến trường. Vẫn chăm chỉ chia sẻ cùng mẹ những chuyện của người đàn ông trong gia đình mà Đán chưa từng động đến. Vẫn lầm lì trước Đán. Có điều, cái lầm lì ấy dần thay thế bằng những lời nói lại, to tiếng khi thằng bé bắt đầu tuổi mười sáu. Cứ mỗi lần Đán về, nó lại lánh, xa dần xa dần, nàng không đủ sức để kéo nó lại gần Đán, mà Đán cũng chẳng bao giờ tự xích lại bên con. Nó bắt đầu nghiện game, đến lúc nhà trường thông báo cho gia đình biết nó bỏ học gần tuần lễ thì nàng mới tá hỏa. Đán gầm lên: “Con hư tại mẹ. Mãi lo dạy con thiên hạ, có một đứa con mà không dạy dỗ nên! Một lũ ăn hại, chỉ biết bôi tro trát trấu! Cút!”. Đán đánh thằng bé một trận thừa sống thiếu chết. Đến lúc nàng nhào vô hứng lấy trận đòn ấy thì Đán mới chịu buông.

Những cuộc nhậu của Đán ngày càng dày. Tỉ lệ thuận với những thăng quan tiến chức. Tỉ lệ thuận với tiền bạc mà Đán mang về, với cả những lạnh lẽo trong ngôi nhà đầy vật chất mà ngoài những vội vã chuyện vợ chồng vì nghĩa vụ, vì những nhu cầu khốn khổ của cả hai, nàng và Đán đã hầu như là người đi bên lề cuộc sống của nhau. Chỉ có nàng là lơ ngơ. Sự hòa nhập không theo kịp với những thay đổi, những phù phiếm Đán mang về? Bao nhiêu người đàn bà ở cái làng này sẵn sàng đánh đổi để có được sự an nhàn như vợ Đán. Sung sướng thế còn gì, sao nàng lại khờ khạo? Không phải đã lựa chọn thế ư? May mà còn có thằng bé luôn bên cạnh, sẻ chia...

Đán về, nồng nặc mùi bia. Chưa kịp vứt cặp đã lồng lộn: “Thằng khốn, chiều qua mày đi đâu lên thị trấn, với một lũ đầu đỏ, đầu xanh, mầy định bêu xấu tao à?”.

Nàng ngơ ngác nhìn con.

“Vậy ông làm gì ở cái nơi ầm ĩ, xô bồ lẽ ra chỉ dành cho lũ trẻ ranh đấy?”.

Tiếng “ông” từ miệng nó lần đầu lại vẳng ra tự nhiên, trơn tru.

Bốp! Bốp! Bốp! Những cái tát liên tiếp giáng xuống đầu thằng bé. Nó lặng im, quắc mắt căm phẫn trừng lại, ánh nhìn đau đáu, nhức nhối, rồi vụt lấy xe rú ga chạy vọt ra đường

Một giờ sau thì tai nạn xảy ra...

* *  *

Anh quay về làng, khi nàng còn đang tê tái giữa nỗi đau. “Sống thế này sao em? Anh đã bỏ đi vì không mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thì em phải sống cho ra hồn chứ”.  Những giọt nước mắt rơi. Anh khóc hay trăng? Ngày xưa, bỏ anh đến với Đán, nàng có khóc đâu?

Căn nhà vốn đã đầy tiếng khóc giờ lại càng thêm giông bão. Đán lôi anh vào cuộc bất cứ lúc nào trở về cùng ngập ngụa men say: “Sao cô còn não nề? Người xưa trở về phải vui lên chứ? Ngóng chờ bao năm còn gì?”.   Lúc còn thằng bé, mỗi lần Đán say, nó cứ lảng vảng bên cạnh, như để bảo vệ, như là sẻ chia... Giờ thì nó một mình, nàng một mình... 

Lại vật vờ ra nơi thằng bé nằm. Lạnh lẽo. Đơn côi. Như thế này làm sao chịu nổi con ơi! Đêm qua mơ thấy nó về. Độc mỗi chiếc áo sơ mi phong phanh, co ro, tội nghiệp:

- “Vào nhà đi con! Mẹ ủ ấm cho”.

- “Người ta không cho con vào”.

- “Không về được nhà mình, sao con không về nhà của con?”…

Nó cười buồn, lắc đầu rồi tan biến vào hư vô...

Nàng bật dậy, giữa đêm khuya, giữa tiếng mưa rơi, lang thang kiếm tìm cái bóng vất vưởng, bơ vơ của thằng bé...

Sống đã chẳng mang lại cho con một mái ấm trọn vẹn. Chẳng lẽ mất rồi nó cũng không có được một chốn bình yên?

Đán lồng lộn, vò nát tờ đơn: “Cô điên à? Từng này tuổi còn ly hôn? Muốn người ta nhổ toẹt vào mặt tôi sao? Con vừa mới mất lại muốn quay về với người cũ?”. Nàng lặng im. Mười mấy năm trước đã chẳng mở miệng giãi bày thì nay có nghĩa lý gì? Sợ nàng quay về với người xưa ư? Còn mặt mũi nào. Sợ lung lay đến chức cao vọng trọng của Đán thì đúng hơn! Mà, cần vào sự ràng buộc tình nghĩa ở tờ giấy vô hồn kia làm gì?

* *  *

Anh lao vào phòng làm việc của Đán, thấy bóng nàng ở đó chợt khựng người, rồi lướt qua để lại ánh nhìn đau xót: “Ông đốn mạt vừa thôi! Ngày xưa từng theo đuổi cô ấy, sao giờ đối xử thế này?”. Đán cười khẩy, liếc nhìn hai người đầy ngụ ý giễu cợt. Chắc lại nghĩ cả hai cùng hẹn đến. Quay lưng bỏ đi còn kịp nhìn thấy anh đập tờ giấy chứng thương trước mặt Đán, tờ giấy quay tròn, quay tròn, rồi rơi xuống đất trước ánh nhìn thảng thốt, gương mặt tái dần của Đán...

Giờ thì vừa lòng rồi chứ? Vừa lòng rồi chứ? Nàng nhếch mép, rồi bật cười. Cười sằng sặc. Cười như điên dại. 

Ha... ha... ha... Phải nhờ đến tờ giấy vô hồn kia thì mới chịu tin đó là con mình và mới đau lòng ư? Có ích gì? Kéo thằng bé quay lại cõi trần này được không? Có bù sớt nổi những ghẻ lạnh mà nó đã mang theo?

Ha... ha... ha... Ngậm cười đi con ơi! Ba con đã nhìn nhận giống nòi. Ông ấy đang gục đầu đau xót trước mộ con kia.

Nàng lao vào màn đêm. Đêm mịt mùng tăm tối. Lao vào sương khuya. Sương lạnh lùng buốt giá. Những giọt trăng muộn lại rơi. Vật vã. Cô liêu.

  • L.T.M
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khơi ấm bốn mùa  (08/09/2012)
Ra đảo xem hội bài chòi…  (08/09/2012)
Sôi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nhơn Hưng  (06/09/2012)
Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  (06/09/2012)
Làng Thạnh Quang tổ chức hội mừng lúa mới  (04/09/2012)
Những kỷ niệm không thể quên ở Bình Định  (05/09/2012)
Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   (03/09/2012)
Đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao  (03/09/2012)
Ghi nhận từ một cuộc thi  (03/09/2012)
Nhiều hoạt động văn nghệ mừng Ngày Quốc khánh 2.9   (02/09/2012)
Ai quay những thước phim Lễ Tuyên ngôn Độc lập?  (03/09/2012)
Trang vở đầu đời  (31/08/2012)
Về nơi lưu dấu lịch sử cách mạng  (31/08/2012)
Thị trấn Vĩnh Thạnh đạt giải Nhất toàn đoàn  (31/08/2012)
Huyện Phù Mỹ tổ chức nhiều hoạt động mừng Quốc khánh 2.9  (31/08/2012)