Thoáng ngó màn hình ti vi ngày Quốc khánh thấy Thủ tướng Chính phủ trân trọng trao giải thưởng Nhà nước cho các danh nhân phía Nam, trong đó có một người một cao niên ăn vận chỉnh tề. Nhìn kỹ người ấy, suýt nữa tôi bật lên thành tiếng ôi, Giamaham... Giamaham năm nay hình như chẵn 90!
|
Nhận giải thưởng Nhà nước.
|
Trong đám bạn vong niên, hình như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn quý nhà thơ Thanh Thảo hơn cả mặc dù Thanh Thảo là tác giả cụm từ Giamaham để đặt cho ông, Già mà... ham!
Một cách gọi yêu bậc cao niên, một học giả khoái chơi với những người viết trẻ, một người với sức làm việc và ham làm việc phi thường đã cố hữu hẳn ở người xưa, ở những đề tài cũ... Chính Vũ tiên sinh cũng chả giấu tôi ra sức nghiên cứu một hiện tượng nghệ thuật tiêu biểu cho nghệ thuật sân khấu kịch hát của đất nước thông qua một nhân vật Đào Tấn (lời đầu sách Đào Tấn, thơ và từ)
Tôi cứ nghĩ vân vi, hồi năm 79, nếu Vũ Ngọc Liễn không về cắm hẳn ở đất Quy Nhơn mà chỉ loanh quanh ở Bộ Văn hoá thì cùng lắm ông chỉ phụ trách một cấp vụ hoặc chánh, phó một cấp cục, quỹ thời giờ chỉ đủ chi dùng cho những sự vụ họp hành này khác chứ đâu thành Vũ Ngọc Liễn như bây giờ? Chừng như anh linh của vị quan triều Nguyễn kiêm học giả Đào Tấn đã khôn thiêng chọn cho mình một hậu bối như Vũ Ngọc Liễn để mà cảm mà thông với dương thế hiện đại mai hậu? Viết và nghiên cứu về Đào Tấn xưa nay cũng nhiều, nhưng có lẽ giới nghiên cứu, mặc dù kỹ lẫn khó tính nhưng cũng chả dè dặt gì mà xếp Vũ Ngọc Liễn ngồi ở chiếu nhất và nhiều người đã gọi Vũ tiên sinh là nhà Đào Tấn học.
Duyên đụng ông là do nhà thơ Thanh Thảo từng nhiều năm ăn dầm nằm dề ở đất Quy Nhơn giới thiệu. Đêm ấy câu chuyện của chúng tôi cứ dài mãi ra về một ông Bí thư tỉnh ủy Đào Tấn.
Đào Tấn từng Tổng đốc của các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên... Cái công phục dựng di tích chùa Hương nổi danh ở đất Hà Tĩnh bây giờ bao người còn nhắc nhớ? Còn cái duyên để Vũ Ngọc Liễn đến với Đào Tấn phải kể đến Xuân Diệu.
Nhưng tôi trộm nghĩ, mặc dầu Xuân Diệu cùng quê với cụ Đào Tấn nhưng Xuân Diệu mới chỉ là người nghe và biết tên tuổi của ông quan tài hoa này và mãi đến khi được tiếp xúc với toàn bộ thư tịch và tác phẩm của cụ Đào do Vũ Ngọc Liễn hào phóng và tỉ mẩn cung cấp thì Xuân Diệu đã trở thành người yêu cụ Đào da diết... Năm 1985, Xuân Diệu có hẳn một công trình nghiên cứu về thơ và từ của Đào Tấn gần bảy mươi trang in khổ 13x19cm.
Cuối năm 1977, Vũ Ngọc Liễn được Bộ Văn hoá cử về Nghĩa Bình để chuần bị cho việc tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ nhất về Đào Tấn.
Sắp đến ngày khai mạc thì đùng cái, hội nghị có lệnh hoãn vì ý kiến đâu đó rằng Đào Tấn là một ông quan (Tổng đốc Nghệ An) thời phong kiến triều Nguyễn.
Mà đã là quan cỡ đó thì chỉ có tội với dân thôi, hà cớ chi Ty văn hoá Nghĩa Bình lại mở hội nghị về Đào Tấn? Vũ Ngọc Liễn hoang mang khăn gói sắp lên tàu ngược Bắc thì may sao gặp được thi sĩ Xuân Diệu về thăm Nghĩa Bình.
Vũ Tiên Sinh chịu ngay khẩu khí rất Xuân Diệu rằng cứ để cho thiên hạ làm quen với Đào Tấn! Khi đã làm quen rồi chắc chắn họ sẽ yêu nhau.Và khi họ đã yêu nhau rồi thì chắc chắn người yêu cũng sẽ run mày liễu sẽ quằn ruột gan! Đến chừng ấy cơ quan có trách nhiệm sẽ hối thúc chúng ta làm đăng ký kết hôn cho mà coi!
Nhờ sự can thiệp kịp thời của Xuân Diệu mà Hội nghị về Đào Tấn đã diễn ra suôn sẻ...
|
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
|
Cơn cớ để Vũ Ngọc Liễn về tá túc hẳn với quê Quy Nhơn năm 1979 cũng ảnh hưởng một phần hối thúc của Xuân Diệu nên dành thời giờ để chăm chút hơn, chu tất và thỏa đáng hơn với Đào Tấn...
Có lẽ chẳng phụ lòng mong ấy, mặc dù có mấy cuốn về Đào Tấn nhưng những cuốn ông làm với đồng nghiệp hoặc một mình như Thơ và từ Đào Tấn rồi Đào Tấn thơ và từ vẫn nổi trội.
Dường như phẩm chất của nhà nghiên cứu phê bình trong thi sĩ Xuân Diệu đã tìm thấy sự đồng điệu trong cái chỉn chu mực thước thoả đáng trong phương pháp nghiên cứu của Vũ Ngọc Liễn mà gởi gắm? Làm nên sự xum xuê của Đào Tấn, ngoài thơ và từ, Đào Tấn còn là tác gia của nhiều vở tuồng nổi tiếng.
Từng 5 năm miệt mài tại Hý khúc học viện (tương đương đại học) ở Bắc Kinh, lại thêm 3 năm để hoàn thành luận án phó tiến sĩ (bây giờ là tiến sĩ), Vũ tiên sinh tiếp cận những tác phẩm tuồng của Đào Tấn theo cách riêng của mình.
Trong câu chuyện, ông như đương vỡ vạc cho chúng tôi nhiều khái niệm thuật ngữ sân khấu, nhất là những gì liên quan đến tuồng những là hát bội, hát bộ, hát tuồng, rồi thì tuồng đồ, tuồng văn, tuồng võ và tuồng thày! Vv... và vv!
Từ lúc nào câu chuyện chuyển sang thảm trạng nhạt tuồng nhạt chèo cải lương này khác. Là thảm trạng nhưng vẫn có cơ để vãn hồi rằng vẫn chưa muộn! Vẫn có cách để níu giữ sự nhiệt huyết trong đội ngũ diễn viên, sự đồng cảm sự chia sẻ của công chúng với loại kịch hát độc đáo trí tuệ này... Ông nói hiềm nỗi mình yếu rồi không góp được chi nhiều.
Kính cẩn lẫn hoang mang lật giở thêm chồng bản thảo hơn 500 trang in Cẩm nang thưởng thức nghệ thuật hát bội (chưa rõ sách ấy đã đưa in ?) Có chút hoang mang vì phương thuốc ông kê ra đây liệu có thuyên giảm chứng nan y phai tuồng nhạt bội?
Sự sốt mến của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn còn lây lan sang nhiều lĩnh vực khác. Có thời giờ mà kê biên ra câu chuyện cũng là công trình nghiên cứu rất độc đáo Điệu hát Chăm lưu lạc trên đất Nhật của ông thì khá là thú vị!
Điệu hát có tên gọi là Long Vương hay La Lăng vương của dân tộc Chăm đã truyền sang Nhật Bản ngay từ thuở còn mang cái tên nước Lâm Ấp từ thế kỷ thứ bảy thứ tám! Cách đây mấy chục năm, Vũ Ngọc Liễn trong một lần công tác ở nước ngoài đã tình cờ đọc được một tài liệu.
Từ tài liệu này ông đã khổ công sưu tầm nghiên cứu nhiều tài liệu khác. Mất hàng chục năm để xâu chuỗi lại những thông tin, tư liệu ấy, Vũ Ngọc Liễn đã đi đến điều khẳng định, ngay từ thời còn là nước Lâm Âp, nền văn hoá Chăm Pa đã kiến tạo nên loại hình nghệ thuật kịch, hình thái kịch, đã có kịch bản văn học nên một dịch giả Nhật Bản đã chọn dịch một phần kịch bản này! Một trong những trung tâm văn hoá kinh đô của Lâm Ấp bấy giờ là thành Chà (còn gọi là thành Cha) nằm ở xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn, Bình Định) bây giờ.
Theo giám định của các nhà khảo cổ nghiên cứu từ hiện vật vừa đào thấy ở đây thì thành Chà có niên đại từ thế kỷ thứ bảy, thứ tám. Từ hiện tượng nghệ thuật này có thể phát đi một tín hiệu xanh: Sự hình thành sân khấu hát bội Bình Định sau này vốn có dính líu với kịch Lâm Ấp!
Tín hiệu của Vũ Ngọc Liễn đã có hồi âm. Các học giả Nhật đã khẳng định điệu Lăng Vương có nguồn gốc từ kịch Lâm Ấp hiện đang lưu giữ tại Osaka.
Ngồi lâu lâu với Vũ tiên sinh, không hiểu sao câu nói của Gamzatov cứ thi thoảng ập về trong trí nhớ... Đại ý, khi tài năng đến cư trú ở một người, nó không cần tìm hiểu xem anh ta thuộc dân tộc lớn hay bé, anh ta ở thành phố đông hay ít người! Tài năng là tài năng, thế thôi!
Nhưng ở tuổi tám chín mươi ấy, Vũ tiên sinh đâu phải gặp toàn những điều sở đắc? Bỗng dưng một dạo ầm cả lên chuyện nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đạo văn (!?) mà tiếc thay tờ Tiền Phong chủ nhật của người viết bài này có can dự.
Tuổi cao, lắm tật bệnh dễ mà đi đứt với những cú tăng xông cùng thân bại! Nhưng có lẽ là với người nào khác? Vũ tiên sinh với bản tánh điềm tĩnh cố hữu chỉ nhũn nhặn có thư trao đổi... Lại biết vận dụng lẫn vượt thoát câu của người xưa thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ (bảy mươi tuổi muốn điều gì là tùy tâm mình mà không vượt ra khuôn phép quy củ) huống hồ tuổi đã cửu thập như Vũ tiên sinh đây! Cộng với việc những người biên tập biết nhìn nhận cái đúng, cái sai, công khai trên báo cả lời xin lỗi nên cái thiết án (án ăn cắp) vu vơ ấy đã mau chóng được chuội, trả lại cho học giả cao niên Vũ Ngọc Liễn vị trí phải có...
Điều chi khiến ông sống vui viết khỏe về những đề tài lịch sử ở độ tuổi bát, cửu thập và thanh thản khi bất chợt đụng phải tiếng ong ve này khác? Chơi với người trẻ như ông nói có lẽ cũng chỉ một phần? Hình như có chút chi xui khiến từ cái câu cuối trong bài thơ vua Tự Đức viết tặng Đào Tấn (ngày 29 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 10, 1883) mà Vũ Ngọc Liễn đã tự viết treo trên vách nhà mình Thần nhân hà đạo vĩnh vô mang (lẽ nào giữa thần và người lại không có chút chi bận lòng nhau?)
. Theo Xuân Ba/TPO |