Cuối cùng rồi Giải thưởng Nhà nước cũng được trao cho nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn vào ngày 2.9.2012. Ông cùng với người thân hai cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Giải thưởng Hồ Chí Minh) và Nguyễn Cao Thương (Giải thưởng Nhà nước) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Nhà nước trao tại Lễ kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo dõi trực tiếp qua HTV9, tôi xúc động thấy bước chân ông từ hàng ghế ngồi đi lên sân khấu còn thật thong dong. Nói xúc động vì mấy tháng nữa ông đã vào hàng cửu tuần. Nói “cuối cùng” ở đầu bài viết cũng nằm trong cái xúc động này.
|
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho chữ ở Ngày thơ nguyên tiêu. Ảnh: CAND |
Ông được trao Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành sân khấu với cụm 2 công trình: “Đào Tấn- thơ và từ t.I, Đào Tấn- tuồng hát bội t.II, Đào Tấn qua thư tịch t.III”, và “Góp nhặt dọc đường”. Nếu như công trình Đào Tấn là gần nửa thế kỷ sưu tầm, khảo dị, hiệu đính, biên dịch, chú giải cùng nhiều bậc trí giả, nhà văn nhà thơ tên tuổi (ông là chủ biên), góp phần hàng đầu cho việc minh định giá trị và tôn vinh nhà thơ, nhà soạn tuồng kiệt xuất- danh nhân Đào Tấn, thì “Góp nhặt dọc đường” là tập hợp phần lớn những bài nghiên cứu, tìm tòi, minh xác về lịch sử và những giá trị độc đáo của nghệ thuật hát bội và hát bội Bình Định. Một đời ông dành trọn cho Đào Tấn, cho hát bội và thực sự đã là một tên tuổi hàng đầu về mảng này, xứng đáng để được tôn vinh.
Mới đây, trong Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (Cụ Tú Diêu theo cách gọi trân trọng của người dân mê hát bội ở Bình Định)- cuộc hội thảo có tầm quốc gia ở Bình Định này, về căn bản, có được là từ công trình “Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu- ông đồ nghệ sĩ” của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Rất nhiều diễn giả nổi tiếng đăng đàn nhưng trước khi đọc bài viết về Quỳnh Phủ tiên sinh đã hết mực nói lời cám ơn và ghi nhận công lao của Vũ Ngọc Liễn. Họ biết ơn ông vì, nếu không có cuốn sách công phu của ông, ít người biết đến nhà soạn kịch kiệt xuất nữa ở Bình Định là tôn sư và nghiệp sư Đào Tấn, chỉ với vài vở kịch còn lại: “Ngũ hổ bình Liêu”, “Liệu đố”, “Nguyệt Cô hóa cáo”… đã được các bậc trí giả hội thảo đánh giá là “thiên tài”, là sánh ngang với các kịch tác gia cổ điển hàng đầu Châu Âu: J. Racine, P. Cornay… Người không đến được với hội thảo thì gửi bài viết đánh giá rất cao cuốn sách của Vũ Ngọc Liễn như giáo sư Vũ Khiêu.
Thêm một lần nữa, với công trình về Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, Vũ tiên sinh đã góp phần quan trọng cho tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc và tôn vinh văn hóa Bình Định.
Chúc mừng ông nhận Giải thưởng Nhà nước. Mừng vì người Bình Định sống ở các nơi khác nhận giải thưởng cao quý này cũng nhiều, từ văn học đến sân khấu, biên khảo. Ở tỉnh thì có nhà thơ Yến Lan được truy tặng. Và ông, mái đầu bạc rưng rưng thăng trầm đã trực tiếp nhận tưởng thưởng cao quý cho một đời dấn thân và đóng góp của mình.
Vũ Ngọc Liễn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1924 (22 tháng Mười Giáp Tý) tại thôn Xương Lý (còn gọi là Vũng Nồm), tổng Trung An, huyện Phù Cát, nay thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, từ nhỏ ông đã bộc lộ sự say mê với nghệ thuật hát bội.
Vũ Ngọc Liễn là một nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu hát bội nổi tiếng Việt Nam, nhà nghiên cứu hàng đầu về sân khấu truyền thống với nhiều công trình, đặc biệt về hậu tổ tuồng - danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Năm 1945, ông tham gia Cách mạng tháng 8, được bầu làm Chủ tịch Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hưng Xương. Từ năm 1950, ông nghỉ chủ tịch, chuyển hẳn sang đoàn hát, dần trở thành một nhà nghiên cứu hát bội, đặc biệt là nghiên cứu về Đào Tấn.
Năm 1954, ông theo Đoàn Văn công Liên khu 5 tập kết ra Bắc. Sau khi tập kết ra Bắc, với trình độ tiểu học, ông vừa biểu diễn, vừa đi học đến trình độ sau đại học. Từ năm 1959 đến 1966, ông theo học khoa Lý luận hý khúc tại Học viện Hý khúc Bắc Kinh - Trung Quốc. Sau 4 năm đại học, 2 năm nghiên cứu sinh ông được giữ lại Học viện để hướng dẫn sinh viên Việt Nam nghiên cứu. Đến năm 1966, ông về nước, công tác tại Bộ Văn hóa.
Năm 1979, ông chuyển về công tác tại Nhà hát tuồng Đào Tấn. Hiện đang sống ở TP Quy Nhơn. | |