NHÀ VĂN ĐẶNG TIẾN: “GÁI QUÊ” ĐÃ VỀ… HỢP PHỐ
11:3', 11/9/ 2012 (GMT+7)

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức trong 2 ngày 20 và 21.9 tới đây tại TP Quy Nhơn. Trong nhiều hoạt động kỷ niệm, có việc phát hành tập thơ “Gái quê” bản nguyên gốc của Hàn Mạc Tử do Công ty TNHH sách Phương Nam liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Việc có được bản in lần đầu tập thơ Gái quê là một kỳ công. Nhà văn Đặng Tiến đã nói về con đường trở về của tập thơ Gái quê bản nguyên gốc qua cuộc trò chuyện với nhà thơ Thanh Thảo...

 

+ Thanh Thảo: Năm nay kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử (sinh ngày 22.9.1912 tại Đồng Hới). Nguồn tin trong giới truyền thông cho biết ở Pháp anh mới tìm ra được bản in lần đầu 1936 tập thơ Gái Quê. Xin anh cho biết thực hư ra sao?

- Đặng Tiến: Quả tình là có chuyện ấy. Hàn Mạc Tử là nhà thơ xấu số qua đời năm 1940, lúc 28 tuổi, sau 4 năm bị bệnh phong tại Quy Nhơn.

Sinh thời ông chỉ xuất bản một tập thơ là Gái Quê. Chính ông bỏ tiền túi, in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, xong tháng 10.1936. Các nhà nghiên cứu phê bình nghiêm chỉnh như Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, đều có đọc và trích dẫn, nhưng sau đó thì thất truyền.

+ Sao anh biết là thất truyền ?

- Vì tò mò tìm hiểu. Ví dụ các nhà biên khảo nói trên, đều cho biết người đề tựa là Phạm Văn Ký, nhà văn thời đó viết tiếng Pháp. Ngày nay ai tọc mạch muốn biết bài tựa nói gì, thì vô phương. Ngoài ra, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, chương Hàn Mạc Tử, có chê bài thơ Hò Giã Gạo là “suồng sã đến lợm giọng”, ông ấy ghi rõ số trang 31. Ngày nay, người đọc ngạc nhiên vì sao tác giả bài thơ Thôn Vỹ rất thanh tao lại có thể làm thơ “suồng sã”, và muốn tìm xem bài Hò Giã Gạo ra sao, thì vô phương.

+ Chúng tôi có được biết người viết tựa là Phạm Văn Ký, anh ruột nhà thơ Phạm Hổ. Xin anh cho biết thêm về tác giả này ?

- Ông Phạm Văn Ký viết báo, làm thơ bằng tiếng Pháp, giỏi tiếng Pháp nên thời Pháp thuộc được nể nang, lại là người Quy Nhơn, nên Hàn Mạc Tử ở Quy Nhơn đã nhờ cậy. Ông có tập thơ Une voix sur la voie (Tiếng nói trên Đường) chơi chữ, tiếng Pháp “tiếng nói” và “con đường” phát âm như nhau, tập thơ mang ít hơi hướm tính dục, nên Hoài Thanh cho rằng ông ấy “đề tựa cho Gái Quê là phải lắm”.

Sau đó Phạm Văn Ký sang Pháp, năm 1938, viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, có thời nổi tiếng vì đoạt giải thưởng Tiểu thuyết của Hàn Lâm Viện Pháp (1962), với cuốn Perdre la demeure (Mất nơi trú ẩn). Về già, ông mới làm thơ bằng tiếng Việt, xuất bản tập Đường về nước, nxb Hội Nhà Văn, 1993.

+  Thơ Hàn Mạc Tử in đi in lại nhiều lần, sao lại không có bài tựa này và một số bài khác như anh nói ?

- Thơ in đi in lại, nhưng là tuyển tập, nên các người biên tập không giữ lời tựa. Đến khi nhà xuất bản Hội nhà văn, 1992, có thiện chí in lại toàn văn 12 tập thơ thuộc dòng Thơ Mới, trước 1945, thì họ không tìm ra được nguyên bản Gái Quê 1936, đành phải dựa theo bản chép tay của Chế Lan Viên. Trong lời tựa 1992, nhà xuất bản có phân trần về chuyện này.

 
Thủ bút cuối cùng của Hàn Mặc Tử.

+  Vậy bản Gái Quê hiện hành, so với nguyên bản 1936 khác nhau ra sao ?

- Bản gốc gồm 34 bài thơ và cái tựa nói trên. Bản Gái Quê được công bố lần đầu trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử, nhà xuất bản Văn Học in năm 1987, do Chế Lan Viên biên soạn, chọn lọc, gồm 21 bài, không có lời tựa. Có bài bị cắt xén như bài Em lấy chồng, gồm 4 khổ, bị cắt ba, còn khổ cuối mà nhiều người biết: “Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ/ Em lấy chồng rồi hết ước mơ/ Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng/Ngồi lên để thả cái hồn thơ”

+  Sao lại cắt ? Theo anh thì có lý do gì không ?

- Lý do, theo Chế Lan Viên là, trong một tuyển tập, người biên soạn có quyền chọn, vậy có quyền cắt. Có lẽ ông ấy theo tiêu chuẩn chủ quan: bài nào mình cho là không hay, đoạn nào mình cho là suồng sã thì bỏ. Ông ấy cho đây là cái quyền, thậm chí là nhiệm vụ.

Điều đáng tiếc là khi cung cấp văn bản cho Hội Nhà Văn, ông đã qua đời; bà Vũ Thị Thường đưa ra 21 bài ông chép tay từ nguyên tác tập Gái Quê đã mượn được ở tủ sách ông Nguyễn Văn Y (gồm 34 bài và lời tựa Phạm Văn Ký). Bản gốc này nay đã thất lạc. Khi in lại, nguyên tắc của nhà xuất bản Hội nhà văn là tuyệt đối tôn trọng nguyên bản: các tập thơ như Thơ Thơ của Xuân Diệu, Mây của Vũ Hoàng Chương đều được in lại y chang bản gốc. Khi nhận được Gái Quê bị cắt xén, họ đành nhận lãnh vì ở vào thế kẹt: không nhận in lại thì mang tiếng bỏ qua toàn bộ thi phẩm duy nhất của Hàn Mạc Tử được xuất bản sinh thời tác giả; mà in lại bản cắt xén thì mâu thuẫn với nguyên tác; giữa hai lỗi, họ chọn cái lỗi nhẹ hơn, và hẹn sẽ in lại toàn văn khi tìm ra. Nhưng rồi họ không tìm ra.

+ Sao anh biết là họ không tìm ra ?

- Dựa theo công việc của nhà văn Lại Nguyên Ân, người đã cùng nhà thơ Ý Nhi biên tập cuốn Gái Quê năm 1992. Sau đó, năm 1998, anh Ân sưu tập cuốn Thơ Mới, cũng của Hội nhà năn, có công bố nhiều thơ Hàn Mạc Tử, ngoài tập Gái Quê.

Riêng phần Gái Quê thì vẫn tàn tật. Mới đây, tôi có hỏi, anh Ân cho biết đã dò tìm nhưng không thấy, cũng như việc thất tung bản gốc cuốn Số Đỏ nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng. Anh cho biết là tại Thư viện quốc gia Pháp, Paris, có vi ảnh tập thơ xuôi Vàng Sao của Chế Lan Viên, và anh tỏ ra rất vui mừng được biết hôm nay có người đã tìm ra bản gốc Gái Quê. Tôi hỏi cô Ý Nhi, thì cũng được biết đại khái như vậy. Như vậy là họ đã tận tình.

+ Anh có thể cho biết quá trình việc tìm kiếm ?

+ Đầu năm nay, 2012,  tạp chí Sông Hương ở Huế có đặt tôi viết về bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ, tôi chợt nhớ ra và nhắc họ năm nay là kỷ niệm 100 năm sinh Hàn Mạc Tử. Và gợi ý với họ là để đánh dấu thời điểm thì thử tìm lại bản gốc tập Gái Quê. Tìm ở Huế, may ra trong tủ sách gia đình, có người còn giữ.  Các bạn Huế đã truy tầm, nhà văn Thanh Ngọc, ở tạp chí Sông Hương, tỏ ra có hy vọng vì nghe nói đâu đó có bản đánh máy. Nhưng không tìm ra.

Phần tôi, ở hải ngoại cũng trông tìm, tin cậy vào những bạn bè mà gia đình họ trước đây có quan hệ với Hàn Mạc Tử, như gia đình Bùi Tuân, Thương Thương, nhưng không ai có.

Ngoài ra, tôi có trong tay luận văn cao học, về Hàn Mạc Tử, của ông Nguyễn Đình Niên, đệ trình tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1973. Ông mô tả chính xác tập thơ Gái Quê, ghi đầy đủ cả mục lục với số trang, so với trích dẫn của Vũ Ngọc Phan thì trùng hợp. Được ông Nguyễn Đình Niên, hiện ở Huế, xác nhận ông có tập Gái Quê nguyên gốc, đã sử dụng viết luận án, nhưng đã thất lạc vì chiến tranh năm 1974.

Tình cờ hỏi qua hỏi lại, thì tôi được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, ở Mỹ, cho biết có một bản đánh máy, từ gia đình bà cô ruột là Hoàng Thị Kim Cúc, là nhân vật “áo trắng” trong bài Đây thôn Vỹ Dạ. Có thể đây là bản đánh máy mà nhà văn Thanh Ngọc đã “nghe nói”, nay đã lưu lạc ra nước ngoài. Kiểm soát cái tựa Phạm văn Ký và số trang các bài thơ, thì ăn khớp với những trích dẫn của Nguyễn Đình Niên và Vũ Ngọc Phan.

+ Nhưng bản đánh máy liệu có đúng với nguyên tác ?

- Dĩ nhiên là không bằng được bản in 1936 nguyên gốc. Nhưng một số lỗi đã được bà Kim Cúc sửa tay, còn sót thì mình dễ nhận ra, dễ điều chỉnh. Dĩ nhiên là phải khảo sát kỹ càng văn bản, nếu cần thì ghi chú.

+ Vậy anh có dự tính công bố văn bản ?

- Có chứ. Tìm ra mà không công bố là… vô trách nhiệm. May mà đúng vào năm kỷ niệm Hàn Mạc Tử có nhiều người quan tâm. Nhà xuất bản Hội nhà văn đã từng nhiều lần ấn hành thơ Hàn Mạc Tử, kết hợp với công ty Phương Nam, sẽ xuất bản và phát hành kịp  kỷ niệm 100 năm sinh, vào ngày 22.9.2012.

Theo lịch của nhà Phương Nam thì ngày phát hành sẽ là 16.9 tại TPHCM, sau đó phát hành tại Quy Nhơn và  Huế, địa danh gắn bó với sự nghiệp và thân phận Hàn Mạc Tử vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hàn.

 

+ Xin hỏi anh câu chót : Hàn Mạc Tử là nhà thơ lớn. Vậy theo anh, thì cái lớn nhất của thơ Hàn Mạc Tử nằm ở đâu ? Với thời gian, giá trị đích thực luôn được trả về đúng vị trí của nó. Liệu thơ Hàn Mạc Tử có tiếp tục chinh phục được bạn đọc trẻ hôm nay ?

- Anh là người làm thơ thì dư biết rằng một câu hỏi thế này khó mà trả lời ngắn gọn. Nói đại khái thì thế này: cái đóng góp lớn lao của Hàn Mạc Tử, phần cách tân của ông ấy là đã giải phóng thơ, giải phóng tiềm thức ra khỏi ngôn ngữ duy ý thức, do lý trí hoàn toàn kiểm soát.

Sự nghiệp giải phóng vô thức đó bắt nguồn từ những đau thương của cơ thể và tâm hồn, vì bệnh tật, nghèo túng, chớ không phải học đòi những trường phái phương Tây, cho dù ông có đọc sách, có chịu ít nhiều âm hưởng. Thơ ông quý nhất ở sự chân thực, không phải là lối điểm trang ngôn từ vần vè để tô vẽ cuộc sống. Đây là điều lớn lao mà các nhà thơ ngày nay cần suy nghiệm. Suy nghiệm thôi, chớ khó mà học tập, vì không ai có thể kinh qua những kinh nghiệm thương đau, có một không hai, của Hàn Mạc Tử.

+ Cảm ơn nhà phê bình Đặng Tiến và mong anh sớm có những bài nghiên cứu về thơ Hàn Mạc Tử để cho độc giả nhiều thông tin và kiến giải mới.

  • Thanh Thảo (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi săn… khoảnh khắc  (10/09/2012)
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn nhận Giải thưởng Nhà nước  (10/09/2012)
NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ NGỌC LIỄN NHẬN GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC  (10/09/2012)
Nguyễn Thế Nguyên Trường (Hội Nhà báo Bình Định) đoạt giải Ba  (09/09/2012)
Hội thi Văn nghệ - Thể thao dành cho người khuyết tật  (09/09/2012)
“Giamaham” Vũ Ngọc Liễn  (09/09/2012)
12 món ăn đặc sản Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á  (08/09/2012)
Trăng khóc  (08/09/2012)
Khơi ấm bốn mùa  (08/09/2012)
Ra đảo xem hội bài chòi…  (08/09/2012)
Sôi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nhơn Hưng  (06/09/2012)
Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  (06/09/2012)
Làng Thạnh Quang tổ chức hội mừng lúa mới  (04/09/2012)
Những kỷ niệm không thể quên ở Bình Định  (05/09/2012)
Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   (03/09/2012)