Trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích thành Hoàng Đế:
Tiến hành từng bước cẩn trọng
18:33', 12/9/ 2012 (GMT+7)

Di tích thành Hoàng Đế có giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích thành Hoàng Đế cần phải được tiến hành từng bước cẩn trọng. Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.

* Đến nay, công tác khai quật khảo cổ di tích thành Hoàng Đế đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Thành Hoàng Đế trong lịch sử từng là kinh đô của vương quốc Chămpa với tên gọi thành Đồ Bàn. Dưới vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức-  Nguyễn Nhạc có tên gọi là thành Hoàng Đế. Sau khi nhà Nguyễn thiết lập vương triều của mình đã cho triệt hạ toàn bộ kiến trúc cung đình thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn, rồi lập khu lăng mộ thờ 2 trung thần của nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ngay trên nền kiến trúc thời Tây Sơn trong khuôn viên Tử Cấm Thành.

 

Việc tu bổ, phục hồi tường bao Tử Cấm Thành vừa được hoàn thành.

Từ năm 2004 - 2007, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức 4 đợt khai quật khảo cổ tại khu vực thành Hoàng Đế. Qua đó đã làm phát lộ những nền móng, dấu tích kiến trúc thời Tây Sơn như tường bao Tử Cấm Thành, nền móng điện Bát Giác, cung điện, hậu cung, đàn Nam Giao…

* Vậy, từ kết quả khai quật, đã có hoạt động trùng tu, tôn tạo nào đối với di tích thành Hoàng Đế?

- Năm 2008, Sở Văn hóa-  Thể thao và Du lịch đã trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Hoàng Đế. Bộ đã thống nhất lập dự án và đề nghị phải tập trung vào việc gia cố, tu bổ các hạng mục xuống cấp, hạn chế phục hồi các công trình khi chưa có cơ sở khoa học.   

Theo đó, Sở Văn hóa-  Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung lập dự án với hạng mục Bảo tồn, tu bổ phục hồi tường bao Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh. Cụ thể là phục hồi tường Tử Cấm Thành đã hư hỏng, phế tích bằng đá ong; xây phục hồi tai tường thành, mũ tường thành bằng đá ong; lăng Võ Tánh và tu bổ nhiều hạng mục đã xuống cấp… Dự án này vừa hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư hơn 8,293 tỉ đồng.

* Được biết, việc thực hiện bảo tồn, tu bổ phục hồi tường bao Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh chỉ mới là giai đoạn khởi đầu?

- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có tờ trình xin chủ trương và được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đầu tư kinh phí lập thiết kế, dự toán giai đoạn II công trình di tích thành Hoàng Đế, với các hạng mục: phục hồi thủy hồ (phía Đông và phía Tây Tử Cấm Thành), hòn non bộ, một số đoạn tường tiêu biểu còn nguyên gốc được phát hiện qua các đợt khai quật khảo cổ nối tiếp với tường bao Tử Cấm Thành hiện có; tu bổ, phục hồi đàn Nam Giao. Đồng thời xin chủ trương đầu tư kinh phí xây dựng công trình đền thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc tại di tích thành Hoàng Đế.

* Vậy giai đoạn II công trình di tích thành Hoàng Đế hiện đã triển khai đến đâu, thưa ông?

- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung lập quy hoạch mặt bằng khu vực di tích thành Hoàng Đế giai đoạn II, gồm những khu vực quy hoạch: không gian Tử Cấm Thành và lăng Võ Tánh với diện tích 21.500 m2; khu vực bảo tồn nền móng công trình và các đoạn tường thành có diện tích 17.259 m2; khu vực trồng cây tạo bóng mát có diện tích 17.233 m2. Dự kiến không gian xây dựng Đền thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc là 14.636 m2

Tháng 6.2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chủ trương thống nhất với nội dung quy hoạch khu vực di tích thành Hoàng Đế giai đoạn II và đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định nghiên cứu triển khai lựa chọn vị trí xây dựng đền thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc ở khu đất trống bên ngoài tường bao phía Đông của Tử Cấm Thành. Sở cũng sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật di tích thành Hoàng Đế trên diện tích 900 m2, thời gian tiến hành dự kiến vào cuối tháng 9 này, với mục tiêu có thêm cơ sở khoa học tiến hành giai đoạn II công trình di tích thành Hoàng Đế. 

* Được biết, việc quy hoạch chi tiết vòng 2 khu di tích thành Hoàng Đế cũng sẽ được tiến hành?

- Tháng 12.2011, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 vòng 2 khu di tích thành Hoàng Đế, với diện tích lên đến 330 ha ở khu vực xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn. Theo đó, có đến 18 hạng mục công trình được đầu tư xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị cổ xưa, tạo nên sự đa dạng văn hóa, hình thành một không gian hiện đại về mặt kiến trúc… hướng đến một khu di tích lịch sử kết hợp với du lịch văn hóa và du lịch sinh thái hoàn chỉnh, góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch…

* Xin cảm ơn ông!

  • HOÀI THU (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
NHÀ VĂN ĐẶNG TIẾN: “GÁI QUÊ” ĐÃ VỀ… HỢP PHỐ  (11/09/2012)
Đi săn… khoảnh khắc  (10/09/2012)
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn nhận Giải thưởng Nhà nước  (10/09/2012)
Nguyễn Thế Nguyên Trường (Hội Nhà báo Bình Định) đoạt giải Ba  (09/09/2012)
Hội thi Văn nghệ - Thể thao dành cho người khuyết tật  (09/09/2012)
“Giamaham” Vũ Ngọc Liễn  (09/09/2012)
12 món ăn đặc sản Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á  (08/09/2012)
Trăng khóc  (08/09/2012)
Khơi ấm bốn mùa  (08/09/2012)
Ra đảo xem hội bài chòi…  (08/09/2012)
Sôi động phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nhơn Hưng  (06/09/2012)
Hơn 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia  (06/09/2012)
Làng Thạnh Quang tổ chức hội mừng lúa mới  (04/09/2012)
Những kỷ niệm không thể quên ở Bình Định  (05/09/2012)
Đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   (03/09/2012)